Xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: Bài toán công bằng cho thí sinh

GD&TĐ - Nhiều trường đại học sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trong phương thức tuyển sinh đại học năm nay.

Học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: ITN
Học sinh tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: ITN

Tuy nhiên, việc sử dụng chứng chỉ này ra sao để đạt được hiệu quả tuyển sinh, tạo sự công bằng cho thí sinh là vấn đề đáng bàn.

Đủ cách sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ

Năm nay, Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) sử dụng 4 phương thức tuyển sinh: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét tuyển dựa trên điểm thi; Xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế uy tín; Xét tuyển theo tiêu chí riêng của chương trình liên kết.

Trong đó, với phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi (điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội; điểm thi tốt nghiệp THPT), nhà trường quy đổi điểm ngoại ngữ để tính điểm xét tuyển. Với tiếng Anh, thí sinh có chứng chỉ IELTS 4.5 sẽ được tính 8 điểm, IELTS 6.0 trở lên được tính 10 điểm.

Trong khi đó, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM quy đổi chứng chỉ IELTS 4.5 thành 7,5 điểm môn Tiếng Anh; IELTS 7.0 trở lên tương đương với điểm 10. Việc quy đổi này áp dụng với phương thức ưu tiên xét tuyển, xét học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp.

Tại Trường Đại học Công Thương TPHCM, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho biết, nhà trường quy đổi điểm từ chứng chỉ tiếng Anh sang điểm môn Tiếng Anh để xét tuyển các phương thức: Sử dụng kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; sử dụng kết quả học tập THPT của năm lớp 10, năm lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12; ưu tiên xét tuyển thẳng theo đề án.

Theo đó, với ngành Ngôn ngữ Anh, thí sinh được quy đổi thành 10 điểm Tiếng Anh nếu có một trong những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: IELTS 5.5; TOEIC 2 kỹ năng 600; TOEFL iBT 65… trở lên. Với các ngành còn lại, nhà trường quy đổi 10 điểm nếu thí sinh đạt IELTS 4.5 trở lên hoặc các chứng chỉ quốc tế tương đương.

Nhiều trường đại học khác chỉ chấp nhận chứng chỉ IELTS từ 5.0 hoặc 5.5 với mức quy đổi dao động 7 - 9 điểm Tiếng Anh. Cụ thể, tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), mức quy đổi chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên: IELTS 5.0 tương đương 8 điểm; IELTS 5.5 tương đương 9 điểm; IELTS 6.0 trở lên đạt mức tối đa 10 điểm.

Mức quy đổi tương đương áp dụng với chứng chỉ TOEFL iBT và TOEIC 4 kỹ năng. Trường Đại học Kinh tế - Luật, một thành viên khác của Đại học Quốc gia TPHCM, có mức quy đổi với yêu cầu cao hơn trong phương thức xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL…) kết hợp với kết quả học tập THPT hoặc xét chứng chỉ SAT, ACT/bằng tú tài quốc tế (IB)/chứng chỉ A-level. Theo đó, thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.0 được tính là 7 điểm Tiếng Anh; IELTS 8.0 - 9.0 mới được tính 10 điểm.

Hiện tại, Trường Đại học Ngoại thương dẫn đầu nhóm các trường chấp nhận chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mức cao nhất. Nhà trường chỉ chấp nhận quy đổi điểm IELTS từ mức 6.5 trở lên. Thí sinh đạt IELTS 8.0 trở lên mới được tính 10 điểm Tiếng Anh.

Trong khi đó, một số trường đại học khác không quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thành điểm môn Tiếng Anh mà dùng kết quả này như một hình thức cộng điểm ưu tiên. Chẳng hạn, Đại học Kinh tế TPHCM ưu tiên cho học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển theo tổ hợp môn) tương đương IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 73 trở lên.

Chuyên gia tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Gia Định trao đổi với học sinh trong một ngày hội tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Mai Toàn

Chuyên gia tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Gia Định trao đổi với học sinh trong một ngày hội tuyển sinh năm 2024. Ảnh: Mai Toàn

Bảo đảm công bằng cho thí sinh

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS ngày càng được nhiều trường đại học sử dụng trong công tác tuyển sinh đại học chính quy. Nếu như trước đây, chỉ một số ít trường đại học thuộc lĩnh vực kinh tế sử dụng IELTS xét tuyển một số ngành đặc thù, đến nay, con số này đã lên đến vài chục trường. Theo giải thích của nhiều trường đại học, việc dùng IELTS xét tuyển giúp chọn được thí sinh có khả năng học tập tốt, đặc biệt các chương trình tiên tiến, giảng dạy bằng tiếng Anh.

TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho biết, tiếng Anh là một trong những điều kiện giúp sinh viên học tập tốt chương trình ở bậc đại học. Có chứng chỉ quốc tế với mức điểm tương đối, sinh viên có khả năng đọc hiểu, nghe nói ngôn ngữ trong học thuật. “Hằng năm, chúng tôi đều phân tích học lực của sinh viên với các phương thức xét tuyển khác nhau. Kết quả cho thấy, sinh viên có đầu vào sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có học lực không thua kém các phương thức khác”, TS Nhân cho biết.

Song, cũng có ý kiến cho rằng, chất lượng dạy học ngoại ngữ cũng như điều kiện tiếp cận, sử dụng ngoại ngữ của học sinh ở các vùng miền còn nhiều chênh lệch. Do đó, sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, đặc biệt IELTS tạo ra sự bất công giữa học sinh ở các địa phương khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, bức tranh tuyển sinh hiện nay chưa đến mức tạo ra sự bất công này.

Theo ThS Phùng Quán - chuyên gia tuyển sinh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM), phương thức sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế xét tuyển đại học chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng chỉ tiêu ở các trường. Phương thức này thường được dùng cho các chương trình tiên tiến, chất lượng cao hoặc mang tính đặc thù.

“Vì vậy, việc này không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi các thí sinh”, ông Phùng Quán cho hay. Năm 2024, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên dự kiến tuyển hơn 3.900 chỉ tiêu (tăng 10% so với năm trước) và giữ ổn định 6 phương thức xét tuyển; trong đó có xét tuyển dựa trên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp kết quả học tập cấp THPT áp dụng cho thí sinh người Việt Nam.

TS Nguyễn Trung Nhân cho rằng, phần lớn các trường đại học đang sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ là một trong những điều kiện ưu tiên. Chẳng hạn, với Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, ngoài việc có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên hoặc chứng chỉ khác tương đương, thí sinh phải đạt kết quả học tập nhất định.

Chưa kể, các trường luôn duy trì nhiều phương thức xét tuyển đại học, trong đó vẫn dành tỷ lệ lớn cho phương thức truyền thống (học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THPT), tạo cơ hội cho các thí sinh với những điều kiện khác nhau vào đại học.

Tại Trường Đại học Luật TPHCM, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được sử dụng trong phương án xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường. Theo đó, thí sinh phải có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, Nhật, còn giá trị đến ngày 30/6/2024.

Với tiếng Anh, trình độ tối thiểu là IELTS đạt điểm từ 5.5 trở lên (do British Council (BC) hoặc International Development Program (IDP) cấp); hoặc TOEFL iBT đạt điểm từ 65 trở lên (do Educational Testing Service (ETS) cấp). Ngoài ra, thí sinh phải có điểm trung bình cộng của 5 học kỳ THPT (gồm năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.