Thông tin về các ngành đào tạo mới trong mùa tuyển sinh năm nay, ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Đào tạo cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT) - chia sẻ: một số ngành được giới trẻ quan tâm trong năm 2022, gồm: Công nghệ tài chính, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật hàng hải, Tiếp thị kỹ thuật số, Nghệ thuật số, Quản trị sự kiện, Tài chính quốc tế, Kinh tế thể thao, Phim, Sư phạm Khoa học xã hội.
Theo ông Linh, với nhu cầu của xã hội, việc mở các ngành mới của các trường đại học là xu thế tất yếu. Quá trình nghiên cứu và đưa ra những ngành mới của các trường đại học là hoạt động thường xuyên, thể hiện công tác đào tạo đã và đang đáp ứng yêu cầu của xã hội.
“Nếu kết hợp được với công tác dự báo sớm thì ngành mới sẽ có sự bền vững trong thời gian dài, giúp quá trình đào tạo hiệu quả hơn” – ông Linh trao đổi, đồng thời nhận định: Trong những ngành “hot” nêu trên, nhiều ngành được ứng dụng ở Việt Nam và lần đầu tiên chính thức có chương trình đào tạo tại các cơ sở uy tín trong nước. Thậm chí, có những tên ngành đã thu hút được sự quan tâm của giới trẻ.
Mỗi ngành mới sẽ có những đặc thù, yêu cầu với kĩ sư, cử nhân tốt nghiệp đại học các ngành nghề tương ứng. Do đó, thí sinh cần dành thời gian để nghiên cứu vị trí, các yêu cầu đối với nghề nghiệp để sau này tham gia vào thị trường lao động. Khi nắm rõ yêu cầu và tiêu chí của nghề nghiệp, các em sẽ có sự lựa chọn phù hợp và tham gia vào quá trình đào tạo hiệu quả hơn.
Ông Linh cho rằng, ngành nghề “hot” trong xã hội cũng chỉ có ý nghĩa tương đối, quan trọng là phù hợp với năng lực của bản thân. Thí sinh, phụ huynh cần dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu thông tin tuyển sinh của các trường đại học; trong đó có thông tin về các ngành mới. Cần kết nối với nhu cầu của xã hội để thấy được tính bền vững của các ngành nghề đó như thế nào.
TS Dương Thăng Long - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho hay: nhà trường đã đa dạng hóa ngành nghề, trình độ, hình thức đào tạo. Hiện, trường đang đào tạo 18 ngành, đã được công bố trong Đề án tuyển sinh.
Tùy theo đặc thù của từng ngành, nhà trường chia nhỏ thành các chuyên ngành để quá trình đào tạo được chuyên sâu, trang bị cho các em những kiến thức, kĩ năng để có thể bắt tay vào công việc sau khi ra trường và có thể tham gia vào thị trường lao động.
PGS.TS Nguyễn Danh Nam - Trưởng ban đào tạo, ĐH Thái Nguyên - chia sẻ, ĐH Thái Nguyên đang đào tạo 147 ngành đại học và sau đại học; trong đó có nhiều ngành đào tạo chất lượng cao. Năm nay, ĐH Thái Nguyên có 5 phương thức xét tuyển, với chỉ tiêu 14 nghìn sinh viên.
Đến từ một trường đại học miền Trung, TS Phạm Thanh Nhựt - Phó trưởng Phòng đào tạo, Trường ĐH Nha Trang - cho biết: Nhà trường có 2 mã ngành là thế mạnh, và có nhu cầu nhân lực rất lớn; nhất là ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên; đó là ngành: Tin học ứng dụng trong nông nghiệp, y dược và ngành quản lý môi trường và sức khỏe nghề nghiệp.
"Những ngành này có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở khu vực Nam Trung Bộ cũng như cả nước" - TS Phạm Thanh Nhựt nhấn mạnh.