Tuyển sinh 2021: Tránh “sảy chân” vì ngành hot

GD&TĐ - Tuyển sinh đại học năm nay nhiều ngành được dự báo là rất hấp dẫn. Các chuyên gia khuyến cáo thí sinh thận trọng khi lựa chọn xét tuyển vào những ngành này, đồng thời cần có chiến lược khi đăng ký nguyện vọng.

Phụ huynh có thể định hướng nghề nghiệp cho con cái nhưng cũng nên lắng nghe các con nói. Ảnh: Sỹ Điền
Phụ huynh có thể định hướng nghề nghiệp cho con cái nhưng cũng nên lắng nghe các con nói. Ảnh: Sỹ Điền

Nhiều ngành “hot”

Theo GS.TS Trần Thị Vân Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), mùa tuyển sinh năm nay có nhiều ngành “hot”, trong đó có khối ngành Kinh tế, với xu hướng giao thoa với công nghệ. Chẳng hạn: Ngành kinh doanh số, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, logistic… Đây những ngành mới, đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động trong tương lai. Vì thế, dự báo những ngành này sẽ ngày càng “hot”và là lựa chọn của nhiều thí sinh. 

Bên cạnh những ngành nêu trên, năm nay ngành học bằng tiếng Anh cũng được dự báo sẽ thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển. GS.TS Trần Thị Vân Hoa phân tích: Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, việc đi du học của thí sinh gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Vì thế, nhiều bạn sẽ chuyển hướng sang hình thức “du học trong nước” hoặc đăng ký học những ngành đào tạo bằng tiếng Anh. Qua đó, vừa phát huy được khả năng ngoại ngữ, vừa có được kiến thức, năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội nhận định: Do biến động của nền kinh tế thế giới và ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự báo những ngành như: Công nghệ thông tin, điện tử, thương mại điện tử, các nhóm ngành kinh tế, kinh doanh liên quan đến công nghệ sẽ là những ngành “hot” trong mùa tuyển sinh năm nay.

Ở góc nhìn khác, GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm: “Bức tranh” tuyển sinh năm nay không có gì đột biến. Tuy nhiên, xu hướng tuyển sinh sẽ mang hơi thở của thời đại 4.0… Trong đó, có nhiều ngành nghề mới xuất hiện ở Việt Nam. Điều đó làm phong phú thêm sự lựa chọn và cơ hội nghề nghiệp cho thí sinh. Đây là xu hướng tốt, vừa bắt nhịp với thời đại, vừa đón đầu tương lai.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn khuyến nghị: Phụ huynh có thể định hướng nghề nghiệp cho con cái nhưng cũng nên lắng nghe các con nói; khuyến khích các con đăng ký xét tuyển dựa trên sở trường, đam mê và phù hợp với năng lực của bản thân, hoàn cảnh gia đình… Thí sinh cũng nên tự quyết định lựa chọn cho mình, tránh thụ động và không nên đăng ký theo phong trào. Ngoài ra, các em nên tham khảo các thông số từ năm trước và tìm hiểu thật kỹ để có sự lựa chọn ngành nghề đúng và trúng.

Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2020. Ảnh: Sỹ Điền
Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2020. Ảnh: Sỹ Điền

Cần có chiến lược 

Nhấn mạnh, thí sinh cần có chiến lược khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhằm tăng cơ hội trúng tuyển, GS.TS Trần Thị Vân Hoa chia sẻ: Việc đầu tiên các em cần chọn trường mà mình mong muốn học. Sau đó lựa chọn những ngành học theo thứ tự ưu tiên. Chẳng hạn, khi đã xác định Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là mục tiêu theo học, các em nên đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển, thậm chí hàng chục nguyện vọng xét tuyển ở các ngành đào tạo khác nhau của trường.

Với chiến thuật này, các bạn có thêm cơ hội trúng tuyển vào trường. Nếu trượt các nguyện vọng 1, 2, 3..., thí sinh có thể trúng tuyển ở các nguyện vọng 9, 10, 11... “Đó là chiến lược chọn trường, chọn ngành bền vững” - GS.TS Trần Thị Vân Hoa bật mí, đồng thời khuyến cáo, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, các em nên sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: Nguyện vọng 1 nên là ngành mà mình yêu thích nhất.

Cũng theo GS.TS Trần Thị Vân Hoa, thí sinh không nên đăng ký xét tuyển theo phong trào, hoặc theo cảm tính; quan trọng nhất là phải phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân. Chẳng hạn, nếu các em có tố chất hướng ngoại có thể lựa chọn những ngành như marketing. Những bạn hướng nội nên học ngành liên quan đến số. “Nhiều thí sinh chọn ngành không đúng với sở trường, chọn ngành theo cảm tính, theo “trend”, đến khi vào học, các em bị sốc, phải bỏ giữa chừng. Điều đó gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức cho chính các em và gia đình mình” - GS.TS Trần Thị Vân Hoa trao đổi. 

Đồng quan điểm, TS Trương Tiến Tùng lưu ý: Thí sinh cần bình tĩnh, không nên “chạy theo” những ngành được cho là “hot”, bởi không có gì là bất biến. Những ngành này có thể sẽ biến động theo thời gian và thị trường lao động. Năm nay, những ngày đó được cho là “hot”, nhưng 4 - 5 năm sau có thể sẽ bị bão hòa vì xu thế ngành nghề luôn có sự dịch chuyển. Vì thế, không chỉ nhìn nhận, đánh giá ở thời điểm hiện tại mà thí sinh, phụ huynh cần nhìn xa và rộng hơn. 

“Tôi cho rằng, quan trọng nhất, các em nên tự đánh giá năng lực của bản thân. Mình có sở trường gì, thích hợp ngành nghề nào, năng lực học tập của mình đến đâu, hoàn cảnh gia đình ra sao… Đó là những yếu tố mà các em cần tính đến trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển” - TS Trương Tiến Tùng chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh: Các em cũng nên “đón đầu” xu thế và dự báo thị trường lao động về ngành nghề mà mình đăng ký xét tuyển sau khi tốt nghiệp đại học. 

Ngoài ra, các em nên chọn ngành xuất phát từ vị trí công việc và khu vực làm việc. Chẳng hạn, các em có ý định làm việc ở khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, hay doanh nghiệp trong nước, liên doanh với nước ngoài. Sau đó, các em cần xác định vị trí làm việc của trong khu vực đó. Đây cũng là bước chuẩn bị ngành nghề, công việc cho tương lai. Từ những vẫn đề nêu trên, các em sẽ đưa ra quyết định cuối cùng để đăng ký xét tuyển.

“Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, các em nên chọn theo nhóm ngành. Bộ GD&ĐT đã đưa ra các ngành nghề theo lĩnh vực như: Lĩnh vực kinh tế, ngôn ngữ… Đây là ý tưởng rất hay, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, giúp thí sinh có thể dịch chuyển ngành học trong cùng lĩnh vực, thậm chí có thể chuyển sang lĩnh vực kế cận. Đó chính là liên thông ngang” - TS Trương Tiến Tùng chia sẻ.

GS.TS Trần Thị Vân Hoa khuyến cáo, trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, các em cần xác định: Mình muốn trở thành ai trong tương lai, muốn làm nghề gì và nghề đó có phù hợp với mình không? Bởi nhiều khi có những ngành mình thích nhưng lại không phù hợp với năng lực của bản thân (bao gồm cả tố chất, đặc tính cá nhân, năng lực học tập...).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.