Tuyển sinh bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế: Thí sinh vùng khó có thiệt thòi?

GD&TĐ - Tuyển sinh năm 2021, nhiều trường đại học áp dụng phương thức tuyển thẳng với thí sinh có chứng chỉ IELTS và các chứng chỉ quốc tế khác. Xu hướng tuyển sinh này đang được nhiều thí sinh lựa chọn.

Tuyển sinh theo hình thức ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là điều kiện khá khó khăn với thí sinh nông thôn và vùng khó. Ảnh minh họa: Bắc Việt
Tuyển sinh theo hình thức ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là điều kiện khá khó khăn với thí sinh nông thôn và vùng khó. Ảnh minh họa: Bắc Việt

Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế “lên ngôi”

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Quan hệ công chúng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: Với hơn 7.000 chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường dành khoảng 350 chỉ tiêu để xét tuyển thẳng với thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố hoặc có chứng chỉ quốc tế như ACT, SAT, TOEFL iBT, IELTS. 

Cụ thể, thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển mà không phụ thuộc vào điểm thi tốt nghiệp THPT nếu có một trong các chứng chỉ quốc tế ACT ≥ 20, SAT ≥ 1000; Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS Academic ≥ 5.5, TOEFL iBT ≥ 50; Chứng chỉ tiếng Hàn TOPIK ≥ 3; Chứng chỉ tiếng Trung HSK ≥ 3; Chứng chỉ tiếng Nhật N ≤ 4 (chứng chỉ trong thời hạn 24 tháng tính đến ngày đăng ký), đồng thời có điểm trung bình các môn từng học kỳ lớp 10, 11 và 12 đạt 7 trở lên (riêng thí sinh tốt nghiệp năm 2021, lớp 12 chỉ tính học kỳ I).

“Việc bổ sung phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập THPT, nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng nguồn tuyển, nhất là một số ngành học yêu cầu cao về khả năng ngoại ngữ. Điều này cũng phù hợp với xu hướng tự chủ đại học và tạo thuận lợi nhất cho thí sinh” – bà Hương nhấn mạnh.

Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2020. Ảnh: TG
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2020. Ảnh: TG

PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho biết: Tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội hơn trong xét tuyển vào trường, Hội đồng tuyển sinh quyết định mở rộng đối tượng và tăng chỉ tiêu diện xét tuyển kết hợp. Trong đó, trường dành chỉ tiêu để xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 5.5 trở lên, TOEFL ITP 500 trở lên hoặc TOEFL iBT 46 trở lên và có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của tổ hợp bất kỳ trong các tổ hợp xét tuyển của trường đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trở lên (dự kiến 18 điểm bao gồm điểm ưu tiên).

Năm nay, Trường ĐH Ngoại thương sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại. Chỉ tiêu của phương thức này dự kiến là 28%; trong đó, từng đối tượng có chỉ tiêu riêng. Ngoài ra, nhà trường dành 7% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Phương thức này áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại. 

Tuy nhiên, điều kiện để thí sinh đăng ký xét tuyển là phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (academic) từ 6,5 trở lên hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Nhật) theo quy định của nhà trường. Thí sinh đồng thời có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và học kỳ I năm lớp 12 đạt từ 7,5 trở lên và điểm thi tốt nghiệp THPT 2 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường (Toán - Lý, Toán - Hóa hoặc Toán - Văn) bảo đảm ngưỡng quy định của trường.

Tuyển sinh 2021, nhiều trường ĐH sử dụng các loại chứng chỉ quốc tế để xét tuyển. Ảnh: TG
Tuyển sinh 2021, nhiều trường ĐH sử dụng các loại chứng chỉ quốc tế để xét tuyển. Ảnh: TG

Thiệt thòi với thí sinh nông thôn, miền núi

Theo thầy Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Ka Lăng (Lai Châu), không thể phủ nhận phương thức tuyển sinh trên rất phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, đồng thời tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, phương án này phù hợp hơn với học sinh thành thị và các trường chuyên. Học sinh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất khó chen chân bởi thực tế nhiều em không có đủ điều kiện và không có môi trường để học tập, phát triển ngoại ngữ. 

Thực tế trên cũng là một trong những lý do khiến Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ) quyết định không áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả học tập THPT để tuyển sinh. Theo TS Hoàng Công Kiên – Hiệu trưởng nhà trường, trường nằm trên địa bàn trung du miền núi, đối tượng tuyển sinh chủ yếu là học sinh vùng nông thôn, nếu áp dụng phương thức tuyển sinh này là không khả thi, thậm chí sẽ không tuyển được thí sinh nào.

Tuy nhiên, hiện cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trong tuyển sinh. Việc các trường áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 là hoàn toàn chính đáng và phù hợp với thực tiễn khách quan, nhất là với những trường có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Qua đó, không chỉ giúp nhà trường chọn lọc được thí sinh có chất lượng, mà còn mở rộng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.  

PGS.TS Bùi Đức Triệu cho rằng: Các chứng chỉ quốc tế mà nhà trường áp dụng để xét tuyển kết hợp đều có uy tín về chất lượng. Để được cấp những chứng chỉ này, thí sinh phải có thời gian dài học tập, tích lũy kiến thức. Ngoài ra, các em phải trải qua kỳ thi sát hạch nghiêm ngặt, nên chứng chỉ của các em hoàn toàn xứng đáng để được xét tuyển vào trường (dù là tuyển thẳng hay xét tuyển kết hợp). 

Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc các cơ sở giáo dục đại học sử dụng một số chứng chỉ quốc tế để tuyển sinh đang là xu hướng chung. Cùng với đó, việc đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục qua phương thức xét tuyển này sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng đầu vào. Khi sinh viên giỏi ngoại ngữ, thành thạo các kỹ năng sẽ là ưu thế để sau này có cơ hội việc làm tốt và có thể đáp ứng yêu cầu công dân toàn cầu.

Qua khảo sát cho thấy, năm nay các trường vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT để xét tuyển. Bên cạnh đó, nhiều trường áp dụng phương thức xét tuyển khác, trong đó có sử dụng các loại chứng chỉ quốc tế để tuyển sinh. Đây cũng là phương án nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh và nâng cao chất lượng nguồn tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.