Nhiều trường đại học vẫn chưa công bố đề án tuyển sinh riêng

GD&TĐ - Theo quy định, trước ngày 31/3, các trường đại học phải khai báo dữ liệu đề án tuyển sinh riêng năm 2021, nhưng đến nay nhiều trường vẫn chưa thực hiện yêu cầu này.

Học sinh cuối cấp tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường để lựa chọn ngành nghề, tổ hợp xét tuyển. Ảnh minh họa
Học sinh cuối cấp tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường để lựa chọn ngành nghề, tổ hợp xét tuyển. Ảnh minh họa

Chậm… là chưa đúng

Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã công bố đề án tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, đến chiều 2/4, truy cập vào website của một số trường đại học vẫn chưa công bố đề án tuyển sinh riêng theo quy định.

Đơn cử như: Trường Đại học Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Dược Thái Bình… 

Theo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), việc một số trường chậm trễ công bố đề án tuyển sinh trong khi đã quá thời hạn là chưa đúng quy định.

Quy chế tuyển sinh mới dù có sửa đổi cũng không sửa đổi, bổ sung phần nào liên quan đến đề án tuyển sinh và quy định về công bố thông tin đến thí sinh.

Theo dự kiến, thí sinh đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển đại học từ ngày 26/4.

Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo cho biết đang vướng ở chỗ: Mốc thời gian thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và khi nào có kết quả thi... để họ bố trí lịch xét tuyển.

Đây không phải là vấn đề lớn và hoàn toàn có thể chỉnh sửa, bổ sung sau và điều này cũng không ảnh hưởng gì đến công tác tuyển sinh.

Quan trọng là, các trường cần nói rõ phương thức tuyển sinh, chỉ tiêu ứng với từng phương thức xét tuyển; các tổ hợp xét tuyển, đối tượng ưu tiên, điều kiện phụ và điều kiện sơ tuyển...

Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các đại học, học viện; trường đại học, trường sĩ quan đào tạo trình độ đại học;  trường cao đẳng có đào tạo ngành Giáo dục Mầm non rà soát, cung cấp và công bố thông tin tuyển sinh.

Theo đó, các trường phải xây dựng và công khai đề án trên trang thông tin điện tử của trường theo mẫu Phụ lục và các quy định tại Quy chế tuyển sinh.

Đề án tuyển sinh hoặc đường link đến đề án phải được công khai tại trang chủ trên trang thông tin điện tử của trường; bảo đảm thuận lợi nhất cho thí sinh tìm hiểu.

Thời gian công bố công khai đề án trên trang thông tin điện tử của trường: Với hình thức đào tạo chính quy trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển.

Các hình thức đào tạo khác trước ít nhất 45 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét

Để phục vụ công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh năm 2021, các trường phải khai báo dữ liệu đề án vào Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước ngày 31/3.

Bộ yêu cầu các trường ngay sau khi công khai đề án trên trang thông tin điện tử của trường phải gửi đề án này về Vụ Giáo dục Đại học.

Chiều 2/4, trên Website của Trường ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đăng đề án tuyển sinh riêng.
   Chiều 2/4, trên Website của Trường ĐH Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh vẫn chưa đăng đề án tuyển sinh riêng.

Nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm

Theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, thông tin trong đề án tuyển sinh của các trường là cơ sở để thí sinh tham khảo lựa chọn ngành nghề, tổ hợp môn thi để đăng ký xét tuyển.

Do vậy, việc các trường chậm công bố thông tin, đề án tuyển sinh không những khiến thí sinh và phụ huynh lo lắng, mà còn bất lợi cho chính nhà trường. Thẳng thắn mà nói thì đó chính là “lợi bất cập hại”.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp phân tích: Chưa có đề án tuyển sinh riêng, thí sinh chưa thể biết chính xác nhà trường tuyển sinh theo phương thức nào, chỉ tiêu ra sao, gồm các tổ hợp xét tuyển gì để có kế hoạch ôn tập cho đúng và trúng.

Điều này khiến thí sinh có tâm lý “trông ngóng”, mất tập trung. Xét ở góc độ nhà trường, những thông tin trong đề án tuyển sinh chưa đến được với thí sinh ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường. 

“Chúng tôi đã hoàn thiện và công bố đề án tuyển sinh trước thời hạn mà Bộ GD&ĐT quy định. Đề án có nhiều thông tin quan trọng như: Phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, các ngành nghề đào tạo, thời gian xét tuyển; thông tin về điểm trúng tuyển của những năm trước, ngành mới và cơ hội việc làm…” – Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp trao đổi, đồng thời cho biết: Năm 2021, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội tuyển sinh ngành học mới là Kế toán. 

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), năm nào cũng có tình trạng một số trường quá thời hạn nhưng chưa công bố đề án tuyển sinh riêng.

Dù không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của trường.

Việc công bố công khai đề án tuyển sinh đúng hạn không chỉ là nhu cầu tự thân của các trường, mà còn là trách nhiệm với thí sinh và xã hội.

Ngoài ra, đây còn là cơ sở để phục vụ công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh năm 2021 cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, trong bối cảnh bùng nổ thông tin, với sự cạnh tranh khốc liệt về tuyển sinh, các trường công bố đề án sớm càng có cơ hội để tiếp cận với thí sinh.

Đây là cơ sở và là yếu tố chủ lực để thí sinh và nhà trường gặp nhau.

“Không hiểu lý do gì mà nhiều trường đã quá thời hạn vẫn chưa công bố đề án tuyển sinh. Xây dựng đề án tuyển sinh là việc bắt buộc phải làm và đã có dự lệnh từ rất sớm.

Lẽ ra, các trường phải chủ động việc này, chứ không cần phải nhắc nhở.

Thiết nghĩ, ngoài việc các trường tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm, Bộ GD&ĐT cũng nên có nhắc nhở nghiêm khắc với các trường chậm trễ công khai đề án tuyển sinh” – Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.

Theo quy định, thủ trưởng các cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về nội dung của đề án và thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh của nhà trường với Bộ GD&ĐT, cơ quan có thẩm quyền và các bên liên quan theo quy định và theo yêu cầu; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về điều kiện tuyển sinh, điều kiện bảo đảm chất lượng, tính đầy đủ, chính xác của đề án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.