Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy tiếng Nga

GD&TĐ - Chiều 18/2, Hội thảo khoa học quốc tế “Những vấn đề giao lưu tiếp biến văn hoá trong bối cảnh dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ” chính thức được khai mạc.

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến ở cả 2 đầu cầu Việt Nam và Nga.
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến ở cả 2 đầu cầu Việt Nam và Nga.

Diễn đàn trao đổi học thuật

Hội thảo do Phân viện Puskin trực thuộc Cục hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Trường ĐH Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm quốc gia Matxcơva tổ chức. Hội thảo được tổ chức trong 2 ngày – 18 và 19/2 dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến ở cả 2 đầu cầu Việt Nam và Nga. Đây là hoạt động thuộc chuỗi các hoạt động hưởng ứng “Năm chéo Việt – Nga” cũng như hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Gorodilova G.G.

Phát biểu khai mạc, TS Lương Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội – khẳng định: Việc phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Quốc gia Matxcơva để tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế lần này là một việc làm rất ý nghĩa, có thể khởi đầu cho một tương lai hợp tác khoa học - đào tạo chặt chẽ giữa hai cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của hai nước.

Nhấn mạnh, Trường ĐH Hà Nội là nơi giảng dạy ngoại ngữ hàng đầu ở Việt Nam, TS Lương Ngọc Minh – cho hay: là nơi bồi dưỡng ngoại ngữ cho hàng ngàn học sinh và cán bộ của Việt Nam được tuyển chọn đi học đại học ở Liên xô và nước ngoài. Trường cũng tự hào là nơi đào tạo đội ngũ phiên dịch của Việt Nam phục vụ công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế. Khoa tiếng Nga với tuổi đời trên 60 năm đã đào tạo ra hàng chục ngàn biên, phiên dịch giỏi cho đất nước.

Bày tỏ vui mừng khi hội thảo thu hút các chuyên gia tiếng Nga đến từ 12 nước trên thế giới; TS Lương Ngọc Minh – cho rằng, Hội thảo khoa học hôm nay không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển công tác nghiên cứu, giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ ở Việt Nam và ở các nước, mà còn là diễn đàn giao lưu trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học Nga ngữ học của Việt Nam, Nga và nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để tạo dựng, thắt chặt mối quan hệ giao lưu và hợp tác học thuật giữa các cơ sở đào tạo tiếng Nga tại Việt Nam, với các đối tác của Liên bang Nga và các nước.

Là đơn vị đồng tổ chức Hội thảo, ông Lubkov Alekxei Vladimirovich - Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm quốc gia Matxcova  - cho biết: Hội thảo được tiến hành dưới hình thức trực tuyến, cho phép kết nối các nhà nghiên cứu phương pháp giáo dục đến từ các trường đại học khác nhau của Nga và các quốc gia khác như: Việt Nam, Tây Ban Nha, Kazakhstan, Trung Quốc, Syria, Mỹ và Uzbekistan.

Việc Hội thảo thu hút được sự quan tâm lớn cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của hoạt động này. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, giảng viên của các trường đại học đã vượt qua thách thức và xây dựng được một hệ thống các công nghệ giáo dục từ xa hiệu quả, trong đó bao gồm cả lĩnh vực giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ.

TS Lương Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội phát biểu khai mạc
TS Lương Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội phát biểu khai mạc

Giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ

Phó Giám đốc Quỹ “Thế giới Nga” ông S.V Shurygin – nhìn nhận: Việt Nam từ trước tới nay vẫn nổi tiếng với trường phái Nga ngữ học của mình. Các nhà Nga ngữ Việt Nam đã tích lũy được kinh nghiệm to lớn trong giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ.

“Chúng tôi rất vui mừng khi hôm nay, đại diện các trường đại học của Nga và Việt Nam cũng như các nhà nghiên cứu từ 12 quốc gia trên thế giới đã có mặt tại đây để trao đổi kinh nghiệm và thảo luận các vấn đề cấp thiết trong giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ, trong đó có một vấn đề đang rất nóng hổi, đó là ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy tiếng Nga trong bối cảnh đại dịch Covid-19” - ông S.V Shurygin nhấn mạnh, đồng thời tin tưởng:

Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy trao đổi học thuật giữa các nhà Nga ngữ học tới từ nhiều quốc gia, đẩy mạnh hoạt động giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục của Việt Nam và các nước, đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ trong bối cảnh toàn cầu hóa và số hóa.

Theo ông Bezdetko Gennadi Stepanovich - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam, hiện có đến hơn 300 triệu người nói tiếng Nga ở các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

“Đối với nhiều thế hệ người Việt Nam đã học tập và làm việc ở đất nước chúng tôi trong những giai đoạn khác nhau thì tiếng Nga đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ, giúp họ có được những kiến thức và kỹ năng cần thiết để trưởng thành và phát triển nghề nghiệp sau này” - ông Bezdetko Gennadi Stepanovich nói, đồng thời vui mừng nhận thấy thế hệ trẻ Việt Nam vẫn dành sự quan tâm tới tiếng Nga.

Hàng năm, có khoảng 1.000 sinh viên Việt Nam được tuyển chọn vào học tại các trường đại học hàng đầu của Nga theo học bổng nhà nước. Họ đang được học các chuyên ngành mới hiện đại trong nhiều lĩnh vực kinh tế, tài chính, năng lượng, công nghệ cao, và tất nhiên họ sẽ duy trì truyền thống học tiếng Nga được những người cha, người anh của mình gây dựng.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga -Việt trong những năm gần đây được củng cố về cả chiều sâu lẫn chiều rộng, dẫn tới nhu cầu ngày càng tăng đối với các chuyên gia biết tiếng Nga trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Việc giảng dạy tiếng Nga đang được khôi phục lại trong các trường phổ thông và các trường đại học, nhiều khóa học tiếng Nga theo chuyên ngành hẹp - từ du lịch đến công nghệ thông tin, đã được mở. “Chúng tôi hy vọng rằng xu hướng tích cực này sẽ tiếp tục và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho các hoạt động này” - ông Bezdetko Gennadi Stepanovich nói.

Ban Tổ chức đã nhận được gần 90 bài nghiên cứu và tham luận chất lượng bằng tiếng Nga của các nhà nghiên cứu đến từ 12 nước như Nga, Việt Nam, Mỹ, Đức, Syria, Tây Ban Nha, Croatia, Trung Quốc, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Belarus.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ