Cần thiết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Tại Hội nghị trực tuyến tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, đại học năm 2022, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Công tác tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như năm 2021, chỉ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và các cơ sở đào tạo. Qua đó, bảo đảm khách quan, công bằng giữa các thí sinh, cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Theo đó, một số nội dung dự kiến điều chỉnh so với mùa tuyển sinh 2021 gồm: Việc đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1: Tất cả nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, phương thức, cơ sở đào tạo) được đăng ký xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.
Đối với ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của lựa chọn này, bảo đảm sự công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).
Kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) sẽ được cập nhật lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển. Cơ sở đào tạo phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.
Nhất trí với những dự kiến điều chỉnh trong công tác tuyển sinh 2022, GS.TS Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận: Việc ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các phần mềm để phục vụ công tác tuyển sinh là cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Đặc biệt, phương án lọc ảo chung với tất cả nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hợp lý, thuận lợi cho thí sinh và giúp cơ sở đào tạo giảm tải được việc lọc ảo.
“Năm nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam áp dụng một số phương thức tuyển sinh, trong đó có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Nếu cơ chế lọc ảo chung được vận hành, sẽ thuận lợi và hữu ích cho Học viện, đặc biệt là trong mùa dịch” - GS.TS Phạm Văn Cường bày tỏ.
Giải bài toán thí sinh ảo
Đồng quan điểm, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội hoan nghênh những điểm mới trong công tác tuyển sinh được Bộ GD&ĐT dự kiến thay đổi trong năm nay. Theo đó, việc Bộ chủ trương cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển online là phương thức tuyệt vời.
“ĐH Quốc gia Hà Nội có 8 trường đại học trực thuộc cùng nhiều khoa trực thuộc. Các đơn vị áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau. Năm vừa rồi, chúng tôi xây dựng phần mềm đăng ký xét tuyển trực tuyến nên rất thuận lợi. Từ kinh nghiệm của ĐH Quốc gia Hà Nội, tôi thấy phương án điều chỉnh của Bộ là hợp lý và khả thi” - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ tin tưởng và yên tâm với những dự kiến điều chỉnh trong công tác tuyển sinh 2022 của Bộ GD&ĐT.
Đồng thuận với các dự kiến phương án lọc ảo chung, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh phân tích: Việc đưa các phương thức xét tuyển vào lọc ảo chung, cũng như cấp cho thí sinh mã định danh là giải pháp hay, thiết thực cần được áp dụng trong năm nay. Theo đó, khi thí sinh trúng tuyển bằng bất cứ phương thức nào sẽ được đưa lên hệ thống. Như vậy sẽ hạn chế được thí sinh ảo cho các trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, trong bối cảnh tự chủ tuyển sinh, các trường có thể đưa ra phương thức tuyển sinh riêng; tuy nhiên tỷ lệ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vẫn khá lớn. Do đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi mong muốn, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng tính phân hóa để các trường có đầu vào cao và khối ngành y dược vẫn có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh.