Xét tuyển bổ sung: Thí sinh lưu ý để không bỏ lỡ cơ hội

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, thí sinh trượt các nguyện vọng xét tuyển của đợt 1 vẫn còn cơ hội để xét tuyển bổ sung vào một số trường. Các em cần lưu ý, cập nhật thông tin của trường mà mình mong muốn xét tuyển.

Năm 2021, điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT của nhiều cơ sở giáo dục đại học tăng cao. Ảnh minh hoạ/internet
Năm 2021, điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT của nhiều cơ sở giáo dục đại học tăng cao. Ảnh minh hoạ/internet

Cập nhật thông tin thường xuyên

Do điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cao hơn so với các năm trước, nên nhìn chung điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 vào  đại học năm nay tăng cao. Điểm chuẩn một số ngành lên tới hơn 28 điểm. Vì vậy, nhiều thí sinh đã không trúng tuyển các nguyện vọng xét tuyển. Tuy nhiên, các em vẫn còn cơ hội vì nhiều trường có xét tuyển bổ sung.TS Cao Xuân Liễu – Trưởng phòng Đào tạo (Học viện Quản lý Giáo dục) nhận định, sau nhiều lần lọc ảo theo hệ thống, các trường đại học đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển.

Theo TS Cao Xuân Liễu, để có cơ hội trúng tuyển vào các trường xét đợt bổ sung, thí sinh cần lưu ý mức điểm nhận hồ sơ, chỉ tiêu xét tuyển bổ sung của trường đại học mà mình dự định nộp hồ sơ xét tuyển; đồng thời lựa chọn ngành phù hợp với bản thân.TS Cao Xuân Liễu thông tin, từ ngày 16/7 đến trước 17h ngày 30/9, Học viện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung đợt 1. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển là 16; riêng ngành công nghệ thông tin là 16,5. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc xét tuyển bằng học bạ.

“Lưu ý, đợt xét tuyển bổ sung do các cơ sở giáo dục đại học quyết định. Do đó, thí sinh cần chủ động liên hệ với trường đại học mà mình dự định xét tuyển, để không bị bỏ lỡ cơ hội” -TS Võ Thanh Hải khuyến cáo.

“Theo Quy chế tuyển sinh, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển với mỗi ngành  không được thấp hơn so với mức điểm công bố trúng tuyển đợt 1. Vì vậy, thí sinh cần tìm hiểu điểm trúng tuyển ở đợt 1 của trường đó để đưa ra lựa chọn phù hợp” - TS Cao Xuân Liễu tư vấn, đồng thời trao đổi: Năm nay, điểm thông báo mức nhận hồ sơ (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào) so với điểm trúng tuyển sau khi xét tuyển có độ "chênh" khá lớn. Một số thí sinh có mức điểm khá cao cũng không trúng các nguyện vọng như đã đặt.

“Do đó, để có thể bước chân vào giảng đường đại học với ngành học phù hợp với bản thân, thí sinh cần đặc biệt chú ý mức ngưỡng nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung, chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung của từng trường so với điểm thực tế của bản thân” - TS Cao Xuân Liễu lưu ý.

Theo TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng), nếu thí sinh xét tuyển bổ sung bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, cơ hội cho các em không nhiều vì không phải trường nào cũng xét tuyển bổ sung. Ngoài ra, những ngành xét tuyển bổ sung thường là những ngành không tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1.

TS Võ Thanh Hải nhấn mạnh, theo Quy chế tuyển sinh, điểm trúng tuyển đợt xét tuyển bổ sung phải bằng hoặc cao hơn đợt 1. Vì thế, nếu thí sinh đã không trúng tuyển đợt 1 thì cơ hội trúng tuyển đợt bổ sung sẽ khó khăn hơn.

Tuy nhiên, cơ hội sẽ còn rộng mở hơn nếu các em chọn xét tuyển bổ sung bằng hình thức bạ THPT vào những ngành,  trường có tuyển thêm.

TS Võ Thanh Hải lưu ý, thí sinh cần nghiên cứu, tìm hiểu xem trường nào xét tuyển bổ sung và xét tuyển bằng phương thức nào, chỉ tiêu là bao nhiêu. Cùng với đó, cần tham khảo điểm chuẩn của đợt 1.

Thí sinh vẫn còn cơ hội xét tuyển bổ sung. Ảnh minh hoạ/internet
Thí sinh vẫn còn cơ hội xét tuyển bổ sung. Ảnh minh hoạ/internet

Thí sinh chọn “điểm rơi” chưa chuẩn

Không bất ngờ khi điểm chuẩn một số ngành của nhiều trường tăng cao, TS Võ Thanh Hải khẳng định, điều này đã được dự đoán từ trước. Lý do khiến điểm chuẩn năm nay cao là: Số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng tăng hơn so với năm trước.

Ngoài ra, hầu hết  cơ sở giáo dục đại học (cả trường công lập và ngoài công lập) đều áp dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nên chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp sẽ giảm.

“Tổng chỉ tiêu không đổi, trong khi chỉ tiêu của phương thức khác tăng lên nên chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ giảm xuống. Do đó, mức độ cạnh tranh bằng phương thức này tăng lên, điểm chuẩn tăng cao là điều dễ hiểu” - TS Võ Thanh Hải trao đổi.

Cũng theo lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân, năm nay, điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn so với năm trước. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến điểm chuẩn năm nay tăng.

Nhấn mạnh, Quy chế tuyển sinh năm nay rất mở và thông thoáng khi cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT.

Những thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt các nguyện vọng xét tuyển của đợt 1, chủ yếu do chủ quan, chưa có “chiến thuật” trong đăng ký xét tuyển cũng như điều chỉnh nguyện vọng nên chọn “điểm rơi” chưa chính xác.

Ngoài ra, một số em điểm cao nên tự tin với kết quả của mình. Khi được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, các em chủ yếu lựa chọn vào những ngành tốp đầu của trường tốp đầu, mà không chọn phương án an toàn cho mình.

ThS Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, nhà trường nhận hồ sơ xét tuyển học bạ THPT đến ngày 30/9 cho tất cả ngành đào tạo tại trường. Dù thí sinh trúng tuyển theo phương thức nào đều học chung chương trình, tiến độ và các chế độ, chính sách đều áp dụng chung. Vì vậy, nếu thí sinh đã trúng tuyển thì hãy xác nhận nhập học để an tâm và có thời gian chuẩn bị cho năm học mới cũng như chặng đường học tập tiếp theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.