Mở ngành mới do nhu cầu thị trường
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM (IUH) đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2021 với 35 ngành/nhóm ngành trình độ ĐH do trường cấp bằng và 8 ngành liên kết đào tạo quốc tế. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của IUH trong năm 2021 trên 8.000 sinh viên.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, năm 2021, trường dự kiến mở thêm 6 ngành học mới: Robot và hệ thống điều khiển thông minh; Kinh tế tài nguyên thiên nhiên; Kỹ thuật hóa phân tích; Quản trị nguồn nhân lực; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, quản lý đô thị thông minh và bền vững.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) vừa công bố thông tin tuyển sinh năm 2021 với 41 ngành đào tạo. Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE, trong năm 2021 trường dự kiến nhà trường mở thêm ngành mới: truyền thông, luật (đại trà) và thương mại điện tử, công nghệ kỹ thuật hoá học (chất lượng cao). Đồng thời, HCMUTE sẽ điều chỉnh tăng chỉ tiêu cho các ngành công nghệ, tự động hóa, ngành robot và trí tuệ nhân tạo, hệ thống nhúng và IoT…
Nói về lý do mở thêm ngành mới, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng HCMUTE cho rằng do nhu cầu thị trường và kế hoạch chiến lược của trường nhằm xây dựng một ĐH đa ngành đa lĩnh vực.
Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) dự kiến tuyển sinh 6.600 chỉ tiêu trình độ Đại học chính quy cho 50 ngành đào tạo theo 4 phương thức xét tuyển độc lập. Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và truyền thông HUTECH, một điểm đang lưu ý trong năm 2021, nhà trường tuyển sinh đào tạo 5 ngành mới gồm: Robot & trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Quản trị nhân sự, Quan hệ công chúng, Quan hệ quốc tế. Đồng thời, trường dự kiến tuyển sinh thêm 2 ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe là Kỹ thuật xét nghiệm y học và Điều dưỡng. Đây đều là những ngành có nhu cầu nhân lực khá lớn trong nền kinh tế hội nhập, nhưng hiện nay chưa có nhiều trường đào tạo.
“Cụ thể, Robot & trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu được coi như những mũi nhọn trong thời đại 4.0, trong khi đó, các ngành kỹ thuật - công nghệ hiện có đều chỉ tích hợp một số học phần liên quan đến các lĩnh vực này để người học có thể ứng dụng vào chuyên ngành của mình, chứ chưa tập trung nghiên cứu - đào tạo chuyên sâu để khai thác một cách hiệu quả những thành tựu của robot, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu,... vào thực tiễn đời sống và sản xuất” - ThS Nguyễn Thị Xuân Dung cho biết.
Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI), ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông HUFI cũng cho biết nhà trường dự kiến tuyển sinh thêm 6 ngành mới: Kinh doanh thời trang và dệt may; Marketing; Công nghệ kỹ thuật nhiệt; Quản lý năng lượng; Kỹ thuật hóa phân tích; Quản trị kinh doanh thực phẩm..
Đa dạng phương thức xét để ứng phó Covid-19
Tại Trường ĐH Quốc tế (IU)- ĐHQG TPHCM, PGS.TS Trần Tiến Khoa- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, bên cạnh 22 ngành đào tạo do trường cấp bằng và 15 CTĐT liên kết quốc tế, năm 2021, IU dự kiến mở thêm ngành Quản lý xây dựng.
Nói về tác động của đại dịch Covid-19, PGS.TS Trần Tiến Khoa- Hiệu trưởng IU cho biết trong phương án tuyển sinh nhà trường cũng đã có sự chuẩn bị để ứng phó. Cụ thể, nhà trường vẫn giữ nguyên 6 phương thức tuyển sinh như năm 2020, nếu có dịch sẽ điều chỉnh.
IU là một trong các cơ sở GDĐH có nhiều phương thức xét tuyển ĐH nhất trong năm 2020 với 6 hình thức xét tuyển. Trong đó, gồm: Phương thức tuyển sinh 1: xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT QG năm 2020; Phương thức tuyển sinh 2: Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG TPHCM; Phương thức tuyển sinh 3: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2020 của Bộ GD&ĐT; Phương thức tuyển sinh 4: Xét tuyển kết hợp giữa kết quả học tập THPT và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020; Phương thức tuyển sinh 5: xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ tú tài quốc tế hoặc tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông nước ngoài; Phương thức tuyển sinh 6: xét tuyển dựa trên kết quả kỳ đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM.
Trường ĐH Văn Lang (VLU) cũng vừa công bố đề án tuyển sinh đại học chính quy dự kiến cho năm 2021. Trong năm 2021, nhà trường dự kiến tuyển sinh 7.000 chỉ tiêu trình độ đại học chính quy cho 50 ngành đào tạo. Theo ThS Nguyễn Thị Mến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông VLU cho biết, trường đang dự kiến mở thêm hai ngành thuộc khối Sức khỏe là Y Đa khoa, Y học cổ truyền, nâng tổng số ngành thuộc khối này là 6. Các ngành hiện đã có như Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật Xét nghiệm Y học.
Về phương thức tuyển sinh, năm 2021, trường này cũng tuyển sinh theo 5 phương thức xét tuyển độc lập và bình đẳng. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển/thi tuyển đồng thời nhiều phương thức, gồm: Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (30%); Xét tuyển kết quả học tập bậc THPT (60%); Xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021 (5%); Xét tuyển kết hợp thi tuyển các môn năng khiếu (Vẽ, Âm nhạc, Sân khấu điện ảnh); Xét tuyển thẳng (theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định của ĐH Văn Lang, 5%).
Trong khi đó, ThS Nguyễn Thị Xuân Dung (HUTECH) thông tin, một điểm đáng lưu ý đối với 2 phương thức xét tuyển học bạ, HUTECH nhận hồ sơ khá sớm - thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển hoặc đăng ký xét tuyển trực tuyến ngay tại website trường từ ngày 1/3/2021.
“Đây được xem là một điểm thuận lợi cho thí sinh, giúp các bạn giảm đáng kể áp lực trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ở phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 (chiếm 65% tổng chỉ tiêu xét tuyển), HUTECH thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT về thời gian xét tuyển, lệ phí xét tuyển, cách thức đăng ký. Thí sinh cần tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 và có điểm thi đạt từ ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào do HUTECH quy định” - ThS Nguyễn Thị Xuân Dung chia sẻ..