Tuyển sinh 2021: “Chiến thuật” hợp lý khi điều chỉnh nguyện vọng

GD&TĐ - Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển 3 lần bằng phương thức trực tuyến.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: TG
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: TG

Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh hãy cân nhắc kỹ khi sử dụng quyền lợi này. 

Xem xét lại nhu cầu

Theo TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển hay không tuỳ thuộc vào nhu cầu của thí sinh. Các em cần căn cứ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT để đưa ra quyết định. Chẳng hạn, với thí sinh đạt mức điểm an toàn, và các nguyện vọng đăng ký xét tuyển được cân nhắc kỹ, đúng sở trường, sở thích thì không nhất phải điều chỉnh   nguyện vọng.

Đồng quan điểm, ThS Lê Anh Đức - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) trao đổi: Việc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển tuỳ thuộc vào nhu cầu của thí sinh và không bắt buộc. Đầu tiên, thí sinh cần liệt kê danh sách trường, ngành thực sự yêu thích và muốn theo học. Sau đó, xem điểm chuẩn các năm trước của những trường này. Các em nên loại khỏi danh sách trường có điểm chuẩn quá cao so với điểm của mình. Ví dụ: Nếu đạt 20 điểm thì không nên đăng ký xét tuyển vào những trường mà năm trước lấy 25 - 26 điểm.

Để tăng khả năng trúng tuyển, ThS Lê Anh Đức khuyến nghị: Trong danh sách nên có trường với mức điểm chuẩn những năm trước cao hơn, bằng và thấp hơn tổ hợp điểm xét tuyển của mình năm nay. Ngoài ra, cần có phương án lựa chọn nguyện vọng hợp lý.

Cụ thể: Nên dựa vào điểm chuẩn trúng tuyển của 2 - 3 năm gần đây, sau đó xếp hạng theo thứ tự điểm trúng tuyển của các ngành dự định đăng ký. Nên đăng ký thành 3 nhóm ngành: Nhóm ngành yêu thích (thí sinh chọn các ngành mình thích, không cần quan tâm nhiều đến điểm, không trúng cũng không sao). Nhóm ngành có điểm dự đoán gần với điểm của mình. Thứ ba, chọn nhóm ngành mang tính chất “bảo hiểm rủi ro” với mức điểm dự đoán thấp hơn điểm   của mình.

ThS Lê Anh Đức lưu ý: Để nâng cao khả năng trúng tuyển, một số em sắp xếp các trường/ngành không thích vào nguyện vọng 1, 2. Khi trúng tuyển, thí sinh sẽ mất đi các cơ hội khác. Đây là sai lầm các em cần tránh.

TS Kiều Xuân Thực (ngoài cùng bên trái) trong một chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NVCC
TS Kiều Xuân Thực (ngoài cùng bên trái) trong một chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NVCC 

Mạnh dạn - phù hợp - chắc chắn

TS Nguyễn Thị Cúc Phương khuyến nghị: Nên cộng thêm 1 - 2 điểm, đề phòng điểm trúng tuyển năm nay có thể cao hơn năm trước. Sau đó, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng để tăng khả năng trúng tuyển. VD: Thời điểm đăng ký nguyện vọng xét tuyển chưa dám đặt nguyện vọng vào một ngành có điểm trúng tuyển cao, nay biết điểm thi tốt nghiệp THPT của mình có thể điều chỉnh, bổ sung hoặc đẩy ngành này lên làm nguyện vọng 1, 2.

Ngược lại, nếu thấy điểm thi thấp có thể bổ sung một số ngành có điểm trúng tuyển vừa phải, hoặc nếu lúc trước đã đăng ký nguyện vọng là các ngành này rồi thì chuyển vị trí từ phía dưới lên phía trên. Khi lựa chọn, nên ưu tiên chọn ngành, nghề mà mình thích hoặc thấy phù hợp, sau đó mới chọn trường.

Trong mọi trường hợp, thí sinh tự tin xếp thứ tự các nguyện vọng theo cách: Nhóm 1 là những ngành mình thích nhất; nhóm 2 gồm các ngành tương đối phù hợp với cả sở thích và năng lực, nhóm 3 gồm các ngành có khả năng đỗ cao. “Lưu ý: Một số trường đại học yêu cầu phải xếp nguyện vọng của một ngành là nguyện vọng 1. Trong trường hợp này, nếu rất thích ngành đó, thí sinh phải xếp ngành này là nguyện vọng 1” - TS Nguyễn Thị Cúc Phương nhấn mạnh.

Theo TS Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển giúp thí sinh có cơ hội trúng tuyển vào ngành học ở trường đại học phù hợp nhất với sở thích và học lực. Để khai thác tối đa quyền lợi từ cơ hội này, thí sinh cần lưu ý: Chỉ để lại những nguyện vọng đăng ký xét tuyển mà mình đủ điều kiện về ngưỡng bảo đảm chất lượng (mức điểm nhận hồ sơ) do các trường đại học công bố.

Các em cần sắp xếp lại thứ tự  nguyện vọng theo mức ưu tiên từ cao xuống thấp theo nguyên tắc chọn ngành trước, chọn trường sau. Việc chọn ngành cần theo sở thích, sở trường (năng khiếu) để khi theo học các em luôn có đam mê, động lực    học tập; từ đó sẽ có kết quả học tập tốt, nhiều cơ hội việc làm sau khi     tốt nghiệp.

Khi chọn trường, thí sinh cần quan tâm đến chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp và  điều kiện khác như: Học phí, vị trí địa lý, cơ sở vật chất… của trường đại học có đào tạo ngành mình yêu thích. “Để trúng tuyển ngành yêu thích ở trường phù hợp nhất, thí sinh nên sắp xếp các nguyện vọng xét tuyển theo “chiến thuật”: Mạnh dạn – Phù hợp – Chắc chắn” - TS Kiều Xuân Thực chia sẻ.

Theo ThS Lê Anh Đức, nếu thí sinh yêu thích, đam mê về một ngành, lĩnh vực cụ thể, có thể điều chỉnh các nguyện vọng cùng mã ngành vào nhiều trường khác nhau, cụ thể là những trường có thế mạnh về đào tạo ngành đó. Còn nếu yêu thích một trường nào đó, các em nên đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều ngành của trường đó. Khi đó, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn so với việc chỉ đăng ký duy nhất một ngành mà mình thích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ