Để hỗ trợ các trường hạn chế “thí sinh ảo”, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Bộ GD&ĐT chủ động xây dựng hệ thống xét tuyển và lọc ảo chung toàn quốc.
Xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT: Không có áp lực
- Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học áp dụng đa phương thức xét tuyển. Theo bà, điều này có làm tăng áp lực cho việc tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT hay không, khi mà chỉ tiêu dành cho phương thức này thấp hơn các năm?
- Với xu thế tự chủ tuyển sinh, ngày càng nhiều cơ sở đào tạo tổ chức tuyển sinh riêng, hoặc tham gia tuyển sinh theo nhóm, nên tỷ lệ chỉ tiêu dành cho đối tượng xét tuyển bằng điểm thi THPT sẽ giảm so với các năm trước. Đây là điều tất yếu và có thể biết trước.
Trong Đề án tuyển sinh đăng tải trên trang web của trường, bên cạnh chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, cơ sở đào tạo đã công bố các phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh bằng học bạ, thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng… Thực tế, có nhiều học sinh đã đạt điều kiện cần để trúng tuyển đại học trước khi thi tốt nghiệp THPT - điều kiện đủ để nhập học. Với sự minh bạch thông tin này, thí sinh được chuẩn bị trước về tâm lý và nhiều em đủ điều kiện đã có lựa chọn về trường và ngành học tập cho mình ngay từ đầu, do đó, việc trúng tuyển không còn phụ thuộc nhiều vào điểm thi THPT.
Thống kê cho thấy, năm 2021, các trường dành chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức khác nhiều hơn năm trước. Tuy nhiên, việc xét tuyển theo phương thức khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chỉ tiêu, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, chất lượng nguồn tuyển, số thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học... Nguồn tuyển sinh là hữu hạn, thí sinh xét tuyển bằng phương thức khác đã trúng tuyển và xác nhận nhập học thì không tham gia xét tuyển ở trường khác.
Các trường phải nhập danh sách thí sinh đã xác nhận nhập học lên hệ thống. Thí sinh này sẽ không tham gia để xét tuyển đợt 1 bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, và đương nhiên không làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của phương thức xét tuyển theo kết quả tốt nghiệp THPT. Những lý do trên đã giảm bớt áp lực xét tuyển đại học bằng điểm thi THPT, dù chỉ tiêu dành cho phương thức này giảm đi so với các năm trước.
- Mức độ khó - dễ và chênh lệch giữa các môn trong tổ hợp xét tuyển có gây khó khăn cho thí sinh trong việc đổi nguyện vọng?
- Quy định xét tuyển của các trường đa dạng và nhiều lựa chọn. Các trường đều quy định chỉ tiêu cho từng tổ hợp xét tuyển trong một ngành. Một số trường quy định chi tiết độ lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển. Vì vậy, rất khó có một định hướng chung cho việc lựa chọn tổ hợp nào để ưu tiên đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, Quy chế tuyển sinh hiện hành cho phép thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển không giới hạn số lượng nguyện vọng (mỗi tổ hợp vào một ngành là một nguyện vọng).
Các trường căn cứ vào điểm từ cao xuống thấp để xét tuyển chứ không căn cứ vào thứ tự nguyện vọng để xét tuyển (trừ trường hợp có nhiều thí sinh cùng mức điểm ở cuối danh sách). Vì vậy, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều tổ hợp vào một ngành. Để tăng lợi thế, các em nên lựa chọn tổ hợp có môn thi đạt điểm cao khi tham gia xét tuyển.
Hạn chế thí sinh ảo
- Không giới hạn số lượng nguyện vọng, liệu có tình trạng “thí sinh ảo” không, thưa bà?
- Từ năm 2017, khi quyết định cho thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng và phương thức xét tuyển, Bộ GD&ĐT đã có những giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các trường trong việc hạn chế ảo. Đó là xây dựng hệ thống xét tuyển và lọc ảo chung toàn quốc và 2 nhóm xét tuyển lọc ảo phía Bắc do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và nhóm xét tuyển, lọc ảo phía Nam do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì.
Quy chế tuyển sinh cũng quy định các trường nhập thông tin/danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học lên hệ thống để không tham gia xét tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trên thực tế, một thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường, ngành khác nhau nhưng qua hệ thống lọc ảo chung, thí sinh chỉ trúng tuyển duy nhất vào 1 trường đại học với nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể.
- Bà có lời khuyên nào dành cho thí sinh trong việc chọn ngành, trường, để sau 4 - 5 năm học đại học, các em có thể yên tâm với lựa chọn của mình?
- Với sự phát triển của khoa học, công nghệ; đặc biệt là cách mạng công nghiệp 4.0, trong tương lai có những nghề mới xuất hiện; đồng thời sẽ có một số nghề cũ mất đi. Vì vậy, thí sinh cần tham khảo thông tin tư vấn tuyển sinh từ các báo cáo phân tích, dự báo, từ phương tiện thông tin đại chúng, nhà trường, thầy cô giáo và các chuyên gia. Các em đặc biệt cần lưu ý đến các ngành nghề đặc thù, ngành công nghệ cao mũi nhọn… được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển; đồng thời, phải cân nhắc khả năng, sở trường của mình để chọn ngành nghề, hướng đi phù hợp trong tương lai.
Ngành nghề thu nhập tốt và nhiều triển vọng có liên hệ mật thiết tới thực tiễn phát triển của nền kinh tế - xã hội. Do vậy, thí sinh cần thêm thông tin dự báo triển vọng của các ngành nghề trong 4 - 5 năm tới (từ các bộ ngành, địa phương, đơn vị nghiên cứu, dự báo chiến lược…) để khi các em ra trường, ngành nghề mình học vẫn có cơ hội phát triển…
Quy chế tuyển sinh hiện hành cho phép thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến 3 lần trong thời gian quy định. Nếu thí sinh muốn tăng thêm nguyện vọng phải điền vào mẫu và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng tăng thêm tại điểm tiếp nhận hồ sơ ban đầu.