Tuyên dương nhà giáo, CBQL tiêu biểu trong chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật: Những câu chuyện đẹp về lòng nhân ái

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Thu Thuỷ và các nhà giáo
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Thu Thuỷ và các nhà giáo

Phát biểu tại buổi lễ, NGƯT Vũ Liên Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Trong 03 năm qua, công tác giáo dục hòa nhập ở Quảng Ninh đã được thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả, tạo bình đẳng, công bằng trong giáo dục, đảm bảo quyền của trẻ em và tạo được niềm tin cho cha mẹ học sinh, cộng đồng và toàn xã hội, góp phần thực hiện tốt Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và Đề án 1019 của Chính phủ về hỗ trợ người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao đóng góp của các nhà giáo
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao đóng góp của các nhà giáo

Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với công tác giáo dục hòa nhập được tỉnh quan tâm, 100% giáo viên trực tiếp giảng dạy hòa nhập và học sinh khuyết tật được hưởng chính sách theo quy định. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 222/2015/NQ-HĐND về hỗ trợ một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành, theo đó trẻ tự kỉ ở các cơ sở giáo dục của tỉnh được hưởng chính sách hỗ trợ như đối với trẻ khuyết tật.

NGƯT Vũ Liên Oanh đã gửi lời tri ân  đặc biệt tới những thầy cô giáo, là những người ưu tú nhất trong số gần 5 nghìn cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia công tác chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật, tàn tật, tự kỷ. Đó là những tấm gương nhà giáo hàng ngày đối mặt với vô vàn khó khăn, những cơn đau quặn mình vì bệnh tật, những hành vi không thể kiểm soát được của các em, có những lúc tưởng như bất lực, nhưng với tình yêu thương, các thầy cô đã không nản lòng.

NGƯT Vũ Liên Oanh trao giấy khen của Sở GD&ĐT cho các thầy cô
NGƯT Vũ Liên Oanh trao giấy khen của Sở GD&ĐT cho các thầy cô

Khi nhìn thấy các con đưa bàn tay yếu ớt để cầm bút tạo nên những nét chữ, nét vẽ đầu tiên; nhìn thấy các con biết phát âm chữ cái, biết cầm thìa xúc cơm cho vào miệng, biết tự đi vệ sinh và những kỹ năng tối thiểu khác… - chỉ thế thôi cũng đã đủ làm cho các thầy cô nghẹn ngào, hạnh phúc. Đó là cô giáo Trần Hải Ngọc - giáo viên trường mầm non Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, trong 10 năm công tác đã có 4 năm trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật. Nhờ cô sau 03 năm kiên trì, nhiều học sinh đã hoà nhập tốt hơn với gia đình và bạn bè.

Đó là cô giáo Nguyễn Thị Thúy - giáo viên Trường tiểu học Bình Khê I, thị xã Đông Triều, trẻ về cả tuổi đời, tuổi nghề và cũng là một người mẹ có con bị tự kỉ. Cô đã mua tài liệu, tự nghiên cứu, đích thân lặn lội tìm đến những trung tâm để học hỏi cách chăm sóc và giảng dạy trẻ tự kỉ để có thể chăm sóc và giáo dục cho con mình và học sinh. Đó là cô giáo Lê Thị Hải Yến - giáo viên Trường trung học cơ sở Nguyễn Văn Thuộc, thành phố Hạ Long, là giáo viên có 4 năm làm công tác chủ nhiệm và giảng dạy môn lịch sử cho học sinh khuyết tật trí tuệ và nghe - nói.  

PGĐ Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Tuế trao giấy khen cho nhà giáo Phạm Thị Hà
 PGĐ Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Tuế trao giấy khen cho nhà giáo Phạm Thị Hà

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh quyền được học tập, được giáo dục của người khuyết tật. Trong những năm qua Đảng và nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chính sách để người khuyết tật được hoà nhập cộng đồng tốt nhất. Quảng Ninh là tỉnh phát triển GD toàn diện. Trong đó có sự quan tâm đến đối tượng trẻ khuyết tật, tự kỷ.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị Sở GD&ĐT tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan chủ động tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục có các chính sách trong công tác giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật, tàn tật, nhất là trẻ tự kỷ. Đồng thời tiếp tục quan tâm bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp cho các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy, chăm sóc trẻ khuyết tật, tàn tật, tự kỷ; có quy hoạch để phát triển trung tâm giáo dục hòa nhập; nhân rộng mô hình phòng hỗ trợ ở các nhà trường.

Thứ trưởng đánh giá cao việc ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Đề án tạo điều kiện giáo dục hoà nhập cho người khuyết tật và trẻ tự kỷ. Quảng Ninh đã có những chuyển biến về chất lượng và điều kiện chăm sóc trẻ khuyết tật, giáo dục cho các cháu tốt hơn. Các thầy cô giáo không chỉ sẻ chia với học sinh mà cả gia đình các em, mỗi thầy cô đã viết lên bài ca đẹp về tình thương yêu và sự sẻ chia.

Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT Thứ trưởng đã gửi lời tri ân sâu sắc tới 60 nhà giáo, mỗi người một cương vị công tác đã viết nên 60 câu chuyện đẹp về tình thương yêu, sự sẻ chia những tấm lòng nhân ái như người cha, người mẹ đối với những đứa trẻ kém may mắn. Trong số đó, 60 thầy cô giáo là những tấm gương sáng làm tươi thắm thêm vườn hoa 2 tốt của ngành GD&ĐT.

Tại buổi lễ, 10 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu trong công tác chăm sóc, giáo dục học sinh khuyết tật, tàn tật, tự kỷ tỉnh Quảng Ninh đã được nhận bằng khen của UBND tỉnh; 51 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu được nhận giấy khen của Sở GD&ĐT.

Ngành giáo dục cần tiếp thu nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Thứ trưởng trong công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật; tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục các khó khăn. Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu đầu tư xây dựng, sửa chữa, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất cho công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, trẻ tàn tật, trẻ tự kỷ; phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn hệ thống y tế các cấp thực hiện các dịch vụ y tế để hỗ trợ giáo dục hòa nhập, tổ chức khám chữa bệnh, chẩn đoán, phân loại, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, trẻ tự kỷ. Cần tiếp tục triển khai tổ chức các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về giáo dục hòa nhập... - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Thu Thuỷ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ