Giáo dục Quảng Ninh: Nỗ lực tinh giản biên chế

GD&TĐ - Là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trên phạm vi toàn tỉnh, những kết quả đạt được trong việc sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế của Quảng Ninh đã đạt được kết quả nhất định.

Giờ thực hành Vật lý tại Trường THPT Yên Hưng, Quảng Ninh
Giờ thực hành Vật lý tại Trường THPT Yên Hưng, Quảng Ninh

Nói như NGƯT Vũ Liên Oanh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh: Đây là nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành Giáo dục.

Những con số biết nói

Từ năm 2014, Sở GD&ĐT đã xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” trong ngành Giáo dục. Trong đó đưa ra các giải pháp để tinh giản bộ máy, biên chế là: Sắp xếp hợp lý theo hình thức dồn ghép, sáp nhập các trường, điểm trường có quy mô nhỏ lẻ, gần nhau;

Thực hiện kiêm nhiệm một số vị trí nhân viên phục vụ như văn thư, thủ quỹ, thư viện; Dùng chung nhân viên kế toán, nhân viên y tế trường học cho cụm trường gồm các trường gần nhau, chuyển y tế trường học về trạm y tế cấp xã trên địa bàn; Đào tạo lại giáo viên, nhân viên dôi dư sau sắp xếp để bố trí việc làm mới; Bố trí giáo viên cùng một lúc dạy nhiều trường để khắc phục việc thừa thiếu cục bộ.

Tại thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án, toàn ngành có 657 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học. Hầu hết các đơn vị cấp xã đều có đủ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, các thôn bản đều có điểm trường lẻ với 618 điểm trường tiểu học và 595 điểm trường mầm non.

Để tạo điều kiện thực hiện Đề án, Quảng Ninh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ tiền ăn và kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông bán trú ngày, bán trú tuần tại trường; hỗ trợ kinh phí tổ chức học hè cho trẻ em mầm non; tổ chức và hỗ trợ kinh phí đào tạo lại giáo viên, nhân viên; đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung thiết bị dạy học để đảm bảo học sinh có điều kiện học tập tốt hơn ở trường, điểm trường mới.

Đến nay, đã giảm nhu cầu sử dụng 1.444 người làm việc trong các cơ sở giáo dục; Đã giảm 9 trường; giảm 188 điểm trường; Tổ chức lớp ghép, điều chỉnh phù hợp sĩ số học sinh/lớp mầm non, tiểu học, tăng sĩ số học sinh/lớp đối với cấp THCS để giảm 609 lớp;

Thực hiện kiêm nhiệm đối với 574 vị trí (kế toán kiêm văn thư, y tế trường học kiêm thủ quỹ, thư viện kiêm thiết bị thí nghiệm) và không hợp đồng lao động các vị trí nhân viên còn thiếu so với định mức khi đã thực hiện kiêm nhiệm; ký hợp đồng với trạm y tế cấp xã để thực hiện chức năng y tế học đường, giảm nhân viên y tế ở 152 cơ sở giáo dục THCS, THPT; Thí điểm thực hiện mô hình hợp tác công - tư tại 3 cơ sở giáo dục.

Bài học kinh nghiệm

Chia sẻ bài học kinh nghiệm khi triển khai, NGƯT Vũ Liên Oanh – Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Rất khó khăn khi triển khai thực hiện, nhưng với quyết tâm chính trị cao của toàn ngành, cùng với sự gánh vác, chia sẻ của các nhà trường mà trực tiếp là giáo giới chúng tôi đã làm và bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

Như việc dồn ghép điểm trường, chúng tôi rà soát, khảo sát thật kỹ trước khi thực hiện: Không sắp xếp, dồn ghép, cắt giảm một cách cơ học, theo chỉ tiêu; dự báo quy mô dân số độ tuổi đi học (bao gồm cả biến động tự nhiên và biến động cơ học); không giảm số người ở vị trí việc làm này nhưng lại làm tăng số người làm việc ở vị trí khác; ở khu vực định canh định cư, khu vực sát biên giới là “phên dậu” của Tổ quốc cần có dân để giữ đất, giữ rừng thì xem xét thật kỹ việc dồn ghép, sắp xếp”.

Được biết, trong việc chuyển nhân viên y tế trường học về trạm y tế cấp xã, dùng chung nhân viên kế toán, chuyển chức năng “giáo dục nghề nghiệp” từ Trung tâm GDNN - GDTX cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp… tất cả đều đảm bảo nguyên tắc sau khi sắp xếp, tinh giản thì hiệu quả, chất lượng tăng lên so với trước, bao gồm cả hiệu quả sử dụng nguồn lực vật chất, đội ngũ, cả chất lượng giáo dục và việc cải thiện đời sống của cán bộ, giáo viên. Không áp đặt cứng nhắc việc tinh giản, tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục được chủ động, linh hoạt trong việc sắp xếp, giảm số người làm việc phù hợp với đặc thù của cấp học và tình hình thực tế của địa phương.

Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Liên Oanh cũng cho biết thêm: “Bên cạnh việc triển khai quyết liệt, chúng tôi cũng có đánh giá thật kỹ tác động của việc sắp xếp, tinh giản - đặc biệt là những tác động không mong muốn để có giải pháp xử lý, phòng ngừa, khắc phục như:

Sự an toàn của trẻ khi đi học xa hơn, đặc biệt trong mùa mưa lũ hoặc qua khu vực nhiều sông suối, hiểm trở, vắng người; sự an toàn của giáo viên khi di chuyển giữa các trường, điểm trường; chất lượng và hiệu quả của việc đào tạo lại nhân viên, giáo viên để bố trí vào vị trí làm việc mới hoặc vị trí kiêm nhiệm; việc quản lý, sử dụng cơ sở vật chất còn lại của điểm trường sau khi dồn ghép”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.