Tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019

GD&TĐ - Hôm nay, ngày 25/7, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam, UBND TP Hà Nội tổ chức cuộc Gặp mặt tuyên dương 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen cho các thương binh nặng tại buổi gặp mặt
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen cho các thương binh nặng tại buổi gặp mặt

Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện các bộ, ban, ngành và 500 thương binh nặng tiêu biểu, đại diện cho 12 nghìn thương binh nặng trong 1,2 triệu thương binh trên cả nước.

Đây là sự kiện có ý nghĩa sâu sắc nằm trong các hoạt động sôi động đang diễn ra trên khắp cả nước kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019).

Các đại biểu đều mất sức lao động 81% trở lên, trong đó có hơn 100 đại biểu tỷ lệ mất sức lao động trên 90%, 8 đại biểu mất sức lao động 100%, 406 thương binh đang sống cùng gia đình và người thân, 94 đại biểu thương binh hiện đang được chăm sóc tại các Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng; 30 thương binh là người dân tộc thiểu số, 44 đại biểu thương binh nặng là nữ, 35 đồng chí thương binh bị mất thị lực hoàn toàn, 68 đồng chí di chuyển bằng xe lăn, 29 đồng chí sử dụng chân giả và phần đông các đại biểu ở độ tuổi 70 - 80 tuổi.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi lễ 

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ: Đảng và nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Hoàn thiện các chính sách, chế độ, hoạt động đền ơn đáp nghĩa ngày càng thiết thực. Các phong trào xây nhà tình nghĩa, tặng số tiết kiệm, quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng bà mẹ liệt sĩ, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, tu sửa nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ,... đã ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội.

Hằng năm, ngân sách Nhà nước đã dành hơn 32 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Cùng với đó, nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” thiết thực đã được thực hiện sâu rộng trong xã hội như nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công.

Tính từ năm 2010, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận gần 6,5 nghìn tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155 nghìn căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13 nghìn tỷ đồng; tặng trên 124 nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng; hơn 6 nghìn Mẹ Việt Nam anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Hiện nay, hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ