Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công với thân nhân 468 liệt sĩ là một hoạt động trọng tâm nằm trong chuỗi các hoạt động lớn trong dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, qua hơn 3 năm triển khai, cả nước đã rà soát, xem xét trên 6 ngàn hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận hơn 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý cho đối tượng. Dịp kỷ niệm 27/7 năm nay đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 468 liệt sĩ. Việc xác nhận được tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch và đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Trong số 468 liệt sĩ được công nhận, rất cảm động và day dứt bởi có đến 144 liệt sĩ hy sinh từ những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước. Người hy sinh cách đây lâu nhất là cụ Nguyễn Văn Trượng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long) hy sinh năm 1940 trong hoàn cảnh bị địch bắt và tra tấn đến chết trong tù.
Gần 20 trường hợp là đội viên du kích tham gia chống càn tại tỉnh Bắc Giang, Hải Dương sau nhiều năm thu thập thông tin, chứng cứ, đến nay mới xác nhận được...
Để có được kết quả như trên, là sự cố gắng, tập trung rất lớn của toàn thể các cấp, các ngành, đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia ủng hộ của nhân dân, của các chứng nhân lịch sử, các đồng chí lão thành cách mạng, những người đồng chí, đồng đội của người có công với cách mạng đã hết sức nỗ lực trong việc tìm kiếm, chắt lọc, xác minh chứng cứ ở hồ sơ lưu trữ, các quân khu và các tỉnh, huyện liên quan,... từ đó xem xét, xác nhận đối tượng người có công với cách mạng.
Những trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đều đạt sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và công khai trên các phương tiện thông tin của địa phương và Trung ương.