Đây là những chia sẻ của bà Võ Thị Hà Giang - Giám đốc truyền thông Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên Legend tại Lễ ký kết hợp tác với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp triển khai Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025”; phối hợp đào tạo nghề và tạo việc làm cho HSSV.
Tinh thần quốc gia khởi nghiệp
Đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” được triển khai nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV; trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp giúp các em tự tin, chủ động, sáng tạo trong việc khởi nghiệp, chủ động tự tìm việc làm, tự tạo việc làm sau tốt nghiệp…
Chia sẻ về tinh thần quốc gia khởi nghiệp, bà Võ Thị Hà Giang cho biết: Trung Nguyên đã có nhiều năm đồng hành cùng các ban, ngành, tổ chức, cá nhân để đặt nền tảng đầu tiên về khái niệm, ý nghĩa và tinh thần một quốc gia khởi nghiệp. Đến nay, khởi nghiệp đã trở thành một phong trào đang dần được cụ thể hóa bằng những đề án như 1665/QĐ-TTg cùng với sự vào cuộc của các ngành như: Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ KH&ĐT… cùng xây dựng tinh thần, ý chí khởi nghiệp, trong đó đối tượng trọng yếu và cốt lõi là HSSV. Thanh niên chính là thế hệ sẽ gánh vác trách nhiệm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trong khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh này, đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” với sự chung tay của các tập đoàn, công ty là một giải pháp cụ thể hóa tinh thần khởi nghiệp thiết thực, giúp cho HSSV có thể tự tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp với những kiến thức, nghề nghiệp đã được đào tạo. Đây cũng là điều quan trọng nhất trong hành trình khởi nghiệp của mỗi HSSV.
Tham gia chương trình hợp tác với Tổng cục GDNN hỗ trợ HSSV khởi nghiệp, Trung Nguyên cam kết đồng hành trong tầm nhìn dài hạn để cùng thúc đẩy HSSV khởi nghiệp, cam kết đầu tư, hỗ trợ xây dựng các không gian khởi nghiệp, giáo án, tài liệu về khởi nghiệp, giới thiệu và kết nối mạng lưới chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, giúp cho HSSV có những ý tưởng khởi nghiệp ngay từ lúc còn trên ghế nhà trường.
Khởi nghiệp là một nghề
HSSV ra trường đều có mong muốn khởi nghiệp. Các khảo sát gần đây cho thấy, Việt Nam luôn nằm trong top các quốc gia có các chỉ số tinh thần lạc quan về khởi nghiệp rất cao, có tới 84% các bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp. Tuy nhiên thực tế, hầu hết các bạn còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm, thiếu hướng dẫn, đào tạo… Chính vì vậy, cũng có tới hơn 80% các công ty khởi nghiệp không có cơ hội làm sinh nhật lần thứ nhất. Bà Giang cho biết, đây là một trăn trở mà Trung Nguyên mong muốn được chia sẻ.
Bà Giang cho rằng, có thể xem khởi nghiệp là một nghề, vì khi phong trào khởi nghiệp của một quốc gia đang được khơi dậy mạnh mẽ, nhưng đến nay vẫn chưa có giáo trình hay bộ môn để hình thành là một nghề. Trong khi đó, HSSV hay các doanh nhân khởi nghiệp đều từng được chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của những tấm gương doanh nhân trên thế giới cũng như ở Việt Nam bằng những bài học đi đến thành công.
Nhìn nhận khởi nghiệp là một nghề, lấy ví dụ về học nghề, bà Giang phân tích: Khi học các nghề như: May, nấu ăn, cơ điện… để khởi nghiệp thì cần có những kiến thức về việc mở một tiệm may, bởi làm nghề may rất khác với làm chủ một tiệm may. Cũng như người đầu bếp nên có những kiến thức của chủ nhà hàng, hay một kỹ sư điện thì cũng cần có kiến thức của một giám đốc công ty…
Vì vậy, cần có giáo trình cho HSSV khi ra trường có thể khởi nghiệp. Nhìn nhận khởi nghiệp là một nghề chính là một việc làm cụ thể hóa tinh thần khởi nghiệp, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.