Tuyển dụng đặc cách: 'Phá rào' nếu thực sự cần thiết

GD&TĐ - Tuyển dụng, sử dụng nhân tài không chỉ là vấn đề cơ chế, chính sách đãi ngộ, mà cần môi trường để “dụng võ”.

Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC
Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: NTCC

Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ cùng Báo Giáo dục & Thời đại về giải pháp thu hút nhân tài bền vững.

Còn nhiều rào cản

- Ông nhìn nhận thế nào về chủ trương, chính sách thu hút nhân tài cho đất nước nói chung, lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ nói riêng?

- Thu hút người có tài, đức là cần thiết trong tất cả lĩnh vực công và tư. Chúng ta “chiêu hiền đãi sĩ” không chỉ với công dân Việt Nam, mà còn cả công dân Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, Việt kiều; thậm chí người nước ngoài có mong muốn, nguyện vọng tham gia vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục.

Tất nhiên, chúng ta “trải thảm” để đón người tài, đức, thực sự mong muốn phụng sự, trung thành với Tổ quốc Việt Nam chứ không phải người “thùng rỗng kêu to”. Trong tất cả lĩnh vực, ngành nghề cần người như thế; trong đó tôi quan tâm đến giáo dục, khoa học và công nghệ - lĩnh vực được coi là “Quốc sách hàng đầu”, đột phá chiến lược để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Dù được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm thông qua ban hành nhiều văn bản, nghị quyết để thu hút nhân tài, song thẳng thắn nhìn nhận, cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh; đặc biệt chính sách về tuyển, sử dụng, đãi ngộ nhân tài còn hạn chế nhất định.

Hiện nay, thu hút nhân tài ở lĩnh vực công, trong đó có ngành Giáo dục còn nhiều khó khăn, vướng mắc và ràng buộc bởi cơ chế, chính sách khác nhau. Đây chính là một trong những rào cản, nút thắt cần tháo gỡ để hiện thực hóa chủ trương thu hút nhân tài cho đất nước nói chung và lĩnh vực giáo dục, khoa học - công nghệ nói riêng nhằm xây dựng và phát triển xã hội.

Ông Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH

Ông Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH

Có thể “phá rào”?

- Vậy theo ông, chúng ta cần tháo gỡ từ đâu và như thế nào?

- Nguyên lý chung là, “nút thắt” ở đâu, tháo gỡ ở đó. Trước mắt, cần giải quyết vấn đề tuyển và sử dụng nhân tài. Về tuyển dụng, tôi cho rằng, chúng ta không thể áp dụng “cứng” theo Luật Công chức, Luật Viên chức và các nghị định về tuyển, sử dụng đối với công chức, viên chức. Theo đó, cần áp dụng linh hoạt những cơ chế đặc thù; tiêu chí, tiêu chuẩn riêng và “mềm dẻo”.

Nên nhớ, chúng ta đang “mở cửa” và “trải thảm” để thu hút nhân tài chứ không tuyển dụng để lấp đầy chỉ tiêu biên chế. Khi có nhận thức đúng và trúng vấn đề sẽ biết cách tháo gỡ. Trong bối cảnh hiện nay, trước hết chúng ta cần tháo gỡ từ cơ chế, chính sách; thậm chí có thể “phá rào” nếu thấy thực sự cần thiết, miễn là tốt cho quê hương, đất nước và lợi cho nhân dân.

Về sử dụng nhân tài, việc đầu tiên cần làm là chế độ đãi ngộ. Chúng ta không thể thu hút nhân tài bằng hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp của công, viên chức, với hệ số lương khởi đầu 2,34 dành cho người tốt nghiệp đại học. Đã là “trải thảm”, chắc chắn phải có ưu đãi riêng. Có thể vận dụng linh hoạt phương thức trọng dụng người có năng lực của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Họ luôn có chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút và giữ chân người giỏi.

Tôi cho rằng, tới đây Chính phủ cần có cơ chế, chính sách riêng để thu hút nhân tài cho đất nước ở tất cả lĩnh vực, ngành nghề. Tất nhiên, cơ chế đó phải rành mạch, rõ ràng với tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.

Cần “đất dụng võ”

- Ngoài cơ chế, chính sách đãi ngộ, ông nghĩ sao về vấn đề môi trường làm việc để thu hút nhân tài?

- Môi trường làm việc là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút nhân tài. Tuyển dụng về phải có “đất” để họ “dụng võ”. Theo đó, môi trường làm việc cần thông thoáng theo cả nghĩa đen lẫn bóng. Việc phân công, bố trí công việc phải đúng vị trí, năng lực. Làm sao để họ phát huy tố chất, tài năng, mang lại giá trị, hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, hầu hết người tài đều là “kẻ sĩ”, nên nếu môi trường làm việc không tốt, thiếu “đất dụng võ” họ sẵn sàng buông bỏ, “dứt áo ra đi” dù chúng ta có chế độ, chính sách đãi ngộ tốt đến mấy; bởi sau cánh cửa này, nhiều cánh cửa khác chào đón họ.

- Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, một số đại biểu cho rằng, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cất trong ngăn kéo gây lãng phí. Quan điểm của ông thì sao?

- Tôi cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, để có sức mạnh quốc gia phải có sức mạnh trí tuệ và nền khoa học công nghệ tiên tiến. Muốn vậy cần “cởi trói” thủ tục hành chính cho lĩnh vực này. Đây cũng là giải pháp để thu hút nhà khoa học giỏi tham gia nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, đâu đó có tình trạng giấy tờ, thủ tục hành chính “nặng” hơn nội dung đề tài nghiên cứu; Nhiều đề tài khoa học bỏ trong ngăn kéo. Đây là sự lãng phí, tôi thấy tiếc, xót xa, cần sớm tháo gỡ.

- Với lĩnh vực GD-ĐT, giải pháp nào để thu hút người tài, thưa ông?

- Tôi nhấn mạnh và ủng hộ quan điểm: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Chúng ta tìm người tài để đào tạo là phương án tốt. Vì thế, cần có chính sách, chế độ riêng, thậm chí “vượt khung” để thu hút nhân tài cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo; song cần kiểm soát chặt chẽ để tránh tư lợi.

Muốn thu hút nhân tài lĩnh vực này, cần làm bài bản, khoa học và có tính bền vững. Trước mắt, cải thiện chế độ tiền lương, thu nhập cho đội ngũ nhà giáo.

Theo đó, quá trình cải cách lương, cần xác định lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng miền. Ngoài ra, cần có chế độ, chính sách ưu đãi với sinh viên sư phạm. Giải quyết những vấn đề nêu trên, tôi tin sức hút vào ngành sư phạm sẽ cao hơn; chất lượng đầu vào ngày càng tốt.

- Xin cảm ơn ông!

“Với từng địa phương nên có nghị quyết riêng về thu hút nhân tài. Tôi nhắc lại, cần chú trọng thu hút nhân tài cho lĩnh vực giáo dục, khoa học và công nghệ. Đây là hai lĩnh vực quan trọng liên quan đến các lĩnh vực, ngành nghề khác”, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.