Để thu hút nhân tài, thực hiện Nghị định 140/2017/NĐ-CP (Nghị định 140), những năm qua, các địa phương, cơ sở giáo dục đại học có nhiều chính sách thông qua tuyển dụng đặc cách, cơ chế đãi ngộ và tạo môi trường làm việc thuận lợi.
Nước chảy chỗ trũng
Năm 2020, ĐH Đà Nẵng phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự cho GS.TSKH Lê Thành Nhân - giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Nice-Sophia Antipolis (UNS) thành viên ĐH Côte d’Azur (UCA), Cộng hòa Pháp và là Viện trưởng Viện Công nghệ Quốc tế, ĐH Đà Nẵng (DNIIT).
GS.TSKH Lê Thành Nhân là người khởi xướng, tham gia chủ trì thành lập DNIIT, hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Đại học Nice Sophia Antipolics vào năm 2017 nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đào tạo sau đại học... Đây là mô hình đặc thù, có tính tiên phong tiêu biểu của ĐH Đà Nẵng mà trước đây chưa có tiền lệ; phù hợp với xu thế “đại học không tường” và cách mạng công nghiệp 4.0.
Trên cương vị Viện trưởng Viện DNIIT, GS.TSKH Lê Thành Nhân đã lãnh đạo, triển khai nhiều hoạt động khoa học và đào tạo, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, quy tụ nhà khoa học Pháp và Việt Nam, chủ trì Đề án xây dựng hạ tầng mạng LoRa để Đà Nẵng trở thành “thành phố thông minh” (Smart City).
Nhiều giáo sư, chuyên gia hàng đầu đã đến công tác, giảng dạy tại ĐH Đà Nẵng, mở ra cơ hội hợp tác, kết nối những dự án về chuyển giao chương trình đào tạo nghiên cứu khoa học như GS Lê Thành Nhân (quốc tịch Pháp – Việt Nam), GS.TSKH Trần Quốc Tuấn (quốc tịch Pháp – Việt Nam), TS.BS Lê Trọng Phi (quốc tịch Đức), GS Marc Danie (Pháp), GS Junichi Mori (Nhật Bản), GS Goeff Perkes (Anh), GS Helen Griffiths (Anh), GS Yulan He (Anh)...
Tương tự, TS Nguyễn Duy Thái Sơn chọn trở thành giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đà Nẵng) vào năm 2003 theo chính sách thu hút nhân tài của thành phố.
Trước đó, ông có 5 năm được mời làm giáo sư và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm quốc tế về Vật lý lý thuyết thuộc Cộng hòa Ý, Trường ĐH Ohio (Hoa Kỳ), ĐH Kyoto Sangyo (Nhật Bản), ĐH Vienna (Cộng hòa Áo). Trong thời gian 7 năm giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, ông đã mang về cho Đà Nẵng 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng Toán quốc tế, truyền lửa đam mê môn Toán cho nhiều thế hệ học trò.
Theo hợp đồng giữa TS Nguyễn Duy Thái Sơn với Sở Nội vụ Đà Nẵng theo diện thu hút nhân tài, TS Sơn có thể đi sau 5 năm công tác nhưng rồi Đà Nẵng với những chính sách đãi ngộ cùng tình cảm của đồng nghiệp, học trò đã giữ chân ông lâu hơn thế. Sau 7 năm giảng dạy ở môi trường giáo dục phổ thông, TS Nguyễn Duy Thái Sơn chuyển về giảng dạy tại Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng).
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ phong tặng danh hiệu Giáo sư danh dự cho GS.TSKH Lê Thành Nhân (bìa trái). Ảnh: T.G |
Tre chưa già, măng đã mọc
Cô Phạm Thị Mỹ Hảo - giáo viên Vật lý, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam) là một trong những sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm xuất sắc được Sở GD&ĐT Quảng Nam đặc cách tuyển dụng theo Nghị định 140 của Chính phủ. Dù tuổi nghề non trẻ nhưng cô Hảo vẫn được tin tưởng giao nhiệm vụ giảng dạy đội tuyển học sinh giỏi lớp 11 của trường và sau đó làm chủ nhiệm đội tuyển học sinh giỏi lớp 12 môn Vật lý. Học trò của cô Hảo đã gặt hái nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Những giáo viên được tuyển dụng đặc cách theo Nghị định 140 được Sở GD&ĐT Quảng Nam phân công về dạy học tại 2 trường THPT chuyên của tỉnh. Theo nhận xét của thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (tỉnh Quảng Nam), đây là đội ngũ được đào tạo bài bản, quá trình học tập và rèn luyện đạt kết quả xuất sắc từ phổ thông đến đại học.
Ngoài trình độ chuyên môn thì tin học và ngoại ngữ đều vững, có tình yêu nghề và khát vọng cống hiến. Đây là nguồn nhân lực quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của trường chuyên cũng như quá trình đổi mới giáo dục, đào tạo khối phổ thông hiện nay.
5 năm qua, khối đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Quảng Trị đã có 11 giáo viên được đặc cách tuyển dụng theo Nghị định 140. Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết, ngành GD-ĐT ưu tiên tuyển dụng theo diện thu hút của Nghị định 140 rồi mới đến tổ chức thi tuyển viên chức.
“Tùy theo vị trí tuyển dụng từng năm học, những giáo viên này có thể không được phân công dạy tại trường chuyên. Tuy nhiên, qua theo dõi, nhân sự diện thu hút theo Nghị định 140 đều hòa nhập nhanh vào môi trường giáo dục. Thậm chí, có người bắt đầu tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi ở các trường với một số chuyên đề nhất định”, bà Hương thông tin.
Trước khi Nghị định 140 của Chính phủ có hiệu lực, HĐND tỉnh Quảng Nam đã ban hành chính sách thu hút nhân tài ngành sư phạm với Nghị quyết 31/2016. Theo đó, “sinh viên nguyên là học sinh các trường THPT chuyên tham gia thi học sinh giỏi đoạt giải Ba cấp tỉnh trở lên, đăng ký theo học ngành sư phạm và tốt nghiệp loại giỏi được ưu tiên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế vào trường THPT chuyên và THPT công lập…”.
Thời điểm đó, chính sách này của Quảng Nam là một trong những động lực để nhiều học sinh giỏi các trường THPT toàn tỉnh chọn theo ngành sư phạm. Như trường hợp của cô Phạm Thị Tâm – giáo viên Hóa, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam), sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng được nhận vào dạy hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế.
Sau đó, xét tuyển đặc cách theo Nghị định 140 và phân công công tác tại trường đã có thời gian dạy hợp đồng. Với những đãi ngộ theo diện thu hút của Nghị định 140, cô Phạm Thị Tâm chia sẻ rằng, so với nhiều đồng nghiệp trẻ, bản thân có điều kiện tập trung cho công việc giảng dạy, theo học thạc sĩ.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, thu hút các nhà khoa học nổi tiếng, nhiều kinh nghiệm sau khi nghỉ hưu ở nước ngoài về tham gia giảng dạy, nghiên cứu có lợi trên nhiều phương diện. Việc kết nối cơ sở giáo dục đại học trong nước với cộng đồng khoa học toàn cầu, giúp giảng viên thường xuyên tiếp xúc thông tin khoa học mới, nuôi dưỡng môi trường thúc đẩy nghiên cứu khoa học.