Tuyển dụng đặc cách: Áp lực 'thầy già, con hát trẻ'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dạy học trường chuyên đòi hỏi giáo viên năng lực chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm mới có thể tham gia và hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Thầy Phùng Ngọc Thành (thứ 2 từ trái sang) cùng giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu có học sinh quốc tế được lãnh đạo tỉnh Nghệ An khen thưởng. Ảnh: T.G
Thầy Phùng Ngọc Thành (thứ 2 từ trái sang) cùng giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu có học sinh quốc tế được lãnh đạo tỉnh Nghệ An khen thưởng. Ảnh: T.G

Chính vì vậy, đối với thầy, cô giáo trẻ diện thu hút hoặc có nền tảng là học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, thì việc được tham gia bồi dưỡng đội tuyển không dễ dàng và luôn phải nỗ lực phấn đấu.

Quả ngọt mùa đầu

Năm học vừa qua, thầy giáo trẻ Phùng Ngọc Thành - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) gặt hái quả ngọt từ “mẻ” học sinh thi quốc gia và quốc tế đầu tiên của mình cùng các thầy cô trong hội đồng bồi dưỡng đội tuyển môn Hóa học.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2023, đội tuyển môn Hóa học của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu có 10 em đoạt giải, gồm: 1 giải Nhất, 8 giải Nhì và 1 giải Ba. Trong đó, em Mai Văn Đức – nguyên học sinh lớp 12A4 sau 2 năm liên tiếp giành giải Nhất quốc gia đã lọt vào đội tuyển thi Olympic Hóa học quốc tế và xuất sắc giành Huy chương Bạc.

Người trực tiếp dẫn dắt, đồng hành với đội tuyển từ năm đầu tiên vào trường cho đến cuộc thi quốc gia, quốc tế là cô Trần Thị Quỳnh Anh (chủ nhiệm lớp) và thầy Phùng Ngọc Thành. Trong khi cô Quỳnh Anh đã có kinh nghiệm và nhiều lần đưa học sinh dự thi, thì thầy Phùng Ngọc Thành tốt nghiệp đại học và công tác tại trường mới 4 năm.

Theo thầy giáo trẻ, năm đầu tiên vào nghề đã tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia khối 12. Năm tiếp theo, nhà trường phân công phụ trách, trực tiếp giảng dạy từ lớp 10 các khóa 49 và 50 chuyên Hóa. Đây là cơ hội không phải giáo viên trẻ nào cũng có, song cũng đặt ra cho thầy Thành nhiều áp lực.

Các mảng ôn thi học sinh giỏi quốc gia rộng và khó, ngày càng nhiều dạng bài buộc giáo viên thường xuyên cập nhật, nghiên cứu. Để tránh chồng chéo, mỗi giáo viên trong tổ bồi dưỡng phụ trách mảng riêng để chuyên sâu hơn. Thầy Phùng Ngọc Thành phụ trách chủ yếu phần Hóa học hữu cơ.

“Thời gian đầu còn bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm giảng dạy, soạn bài. Nhờ thầy cô đi trước chia sẻ, hỗ trợ, tôi dần tự tin đứng lớp. Khi nhận kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm nay, tôi không quá bất ngờ, nhưng vui, phấn khởi bởi những nỗ lực không mệt mỏi của thầy và trò cùng giáo viên tổ bộ môn Hóa học được đền đáp xứng đáng”, thầy giáo trẻ tâm sự.

Nếu như ôn thi học sinh giỏi quốc gia vất vả một, thì bồi dưỡng học sinh thi vòng 2 chọn đội tuyển dự thi Olympic quốc tế khó gấp 10. Vì lúc này, trong 32 học sinh được gọi của cả nước sẽ sàng lọc dần để lấy 4 em dự thi quốc tế, tỷ lệ chọi là 1/8. Đặc biệt, các em trong top 10 đều xuất sắc, quyết tâm nên sức cạnh tranh lớn. Lúc này, giáo viên ngoài dạy học, còn phải động viên tinh thần, thổi đam mê và động lực để trò không nản chí. Học sinh ôn tập càng “căng”, giáo viên càng vất vả.

Thầy Thành cho hay: “Các em thông minh, làm bài nhanh, có câu hỏi chỉ mất 5 – 10 phút đã giải xong, trong khi tôi phải mất cả buổi để soạn bài. Áp lực bài vở của giáo viên vì vậy cũng rất lớn. Trong khi vòng 2 và thi quốc tế có nhiều kiến thức hiện đại, nâng cao. Ngoài tài liệu tiếng Anh, tôi phải tìm hiểu thêm tài liệu tiếng Nga, Ba Lan để cập nhật cho học trò”.

Tập thể lớp 12A4 chuyên Hóa học, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An do thầy Phùng Ngọc Thành trực tiếp giảng dạy, cô Quỳnh Anh chủ nhiệm. Ảnh: T.G

Tập thể lớp 12A4 chuyên Hóa học, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An do thầy Phùng Ngọc Thành trực tiếp giảng dạy, cô Quỳnh Anh chủ nhiệm. Ảnh: T.G

Bồi dưỡng đội ngũ kế cận

Gặp khó khăn, vất vả khi chưa nhiều kinh nghiệm bồi dưỡng đội tuyển, nhưng thầy Phùng Ngọc Thành chia sẻ bản thân có thuận lợi, may mắn. Đó là được nhà trường tạo cơ hội, điều kiện để phát triển, thầy cô trong tổ bộ môn san sẻ áp lực công việc, biến thành động lực để cố gắng. “Bản thân có thời gian, sức khỏe chính là lợi thế để nghiên cứu, phát huy kiến thức, chuyên môn. Qua đó, tôi kế tục, tiếp nối công việc của thầy cô và giờ đây là đồng nghiệp của mình”, thầy Phùng Ngọc Thành nói.

Chia sẻ về công tác ôn thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, cô Trần Thị Quỳnh Anh - đại diện hội đồng bồi dưỡng đội tuyển môn Hóa học năm học 2022 – 2023, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng là đội ngũ giáo viên. Riêng môn Hóa của trường có lợi thế hơn so với môn khác, bởi thầy cô có thâm niên kinh nghiệm giảng dạy, ôn thi. Nhưng, trong số đó một số người tuổi đã khá cao và phải nghĩ đến đội ngũ kế cận. May mắn bộ môn còn 2 giáo viên trẻ, là cựu học sinh giỏi quốc gia, chuyên môn tốt, năng động cùng đứng lớp.

“Thầy Phùng Ngọc Thành - người đồng hành với tôi trong nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển Hóa học dù trẻ nhưng có năng lực, nhiệt tình, tâm huyết. Phụ trách 2 mảng kiến thức khác nhau, nên vai trò độc lập của giáo viên rất lớn. Thành có nền tảng, tôi và hội đồng bồi dưỡng có thể yên tâm thầy sẽ nỗ lực hoàn thành tốt vai trò, nhiệm vụ. Cái mà Thành đang thiếu là kinh nghiệm tổ chức đội tuyển, tôi và các thầy cô sẽ hỗ trợ”, cô Quỳnh Anh cho hay.

Ngoài Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp nhận giáo viên thuộc diện thu hút, hoặc tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi, xuất sắc. Tuy nhiên, những giáo viên này cần thời gian để làm quen thực tế, đặc điểm học sinh, tích lũy kiến thức trước khi được giao nhiệm vụ phụ trách chính bồi dưỡng học sinh giỏi.

Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) thông tin, đội ngũ giáo viên của trường đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó nhiều thầy cô trẻ được đào tạo bài bản, có nền tảng là học sinh giỏi tỉnh, quốc gia. Có thể kể đến cô Ngũ Hà Trang - giáo viên môn Lịch sử - đoạt giải Nhất, Nhì học sinh giỏi quốc gia khi học phổ thông, sau đó tốt nghiệp sư phạm loại xuất sắc.

“Tuy nhiên, để phụ trách bồi dưỡng học sinh giỏi cần không chỉ kiến thức, mà cả kinh nghiệm, phương pháp dạy học. Quan điểm của nhà trường là luôn tạo điều kiện, cơ hội để đội ngũ phát huy năng lực, thế mạnh, kể cả giáo viên trẻ. Đồng thời phân công nhiệm vụ phù hợp từng người để đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn của nhà trường”, cô Hạnh cho hay.

Thầy Phùng Ngọc Thành là cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, từng đoạt giải quốc gia, sau đó vào học ngành Sư phạm Hóa học, Trường ĐHSP Hà Nội. “Những năm tháng sinh viên, mỗi dịp nghỉ hè, hoặc kiến tập, thực tập, tôi may mắn được trường cũ tạo điều kiện tham gia dạy một số chuyên đề cho đội tuyển học sinh giỏi quốc gia. Thời gian đó, tôi chủ yếu chia sẻ kinh nghiệm thi cử, cách giải các dạng bài hay cho học sinh khóa sau. Nhưng đó cũng là tiền đề để khi tốt nghiệp đại học, đỗ tuyển dụng vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, tôi lập tức được giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi cùng thầy cô tổ bộ môn Hóa học”, thầy Phùng Ngọc Thành chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ