Tuyến buýt nhanh (BRT) Hà Nội: Sai phạm nghiêm trọng

GD&TĐ - Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác khảo sát, đấu thầu, thi công… dẫn đến lãng phí hàng chục tỷ đồng tại dự án buýt nhanh BRT Hà Nội.

Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng nhà chờ luôn… vắng khách
Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng nhà chờ luôn… vắng khách

Đường riêng nhưng gây ùn tắc

Xe buýt nhanh (BRT) thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị do Sở Giao thông – Vận tải (GTVT) Hà Nội làm chủ đầu tư. Năm 2007, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt dự án nhưng đến năm 2013 Hợp phần BRT mới khởi công, chậm 6 năm so với thời gian phê duyệt và sau 9 năm (hoàn thành 31/12/2016) mới hoạt động. Giá trị nghiệm thu, thanh toán cho toàn bộ hợp phần là hơn 706 tỷ đồng; tổng giá trị đã thanh toán là 657,5 tỷ đồng.

Kết luận số 1468/KL-TTCP ký ngày 4/9/2018 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra nhiều sai phạm đối với tuyến BRT này. Theo đó, dự án chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang vận tải công cộng; nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện, chưa hỗ trợ người khuyết tật.

Xe BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm. Thanh tra Chính phủ nhận định, dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng của thành phố.

Sai phạm tài chính

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra sai phạm liên quan tới tài chính ở các gói thầu trong hợp phần I. Tổng số tiền sai phạm là 43.570,77 triệu đồng, gồm: Gói thầu 04/BRT-TB (BRT CP08), bao gồm: 42.405,65 triệu đồng do Công ty Cổ phần Thiên Thành An xuất bán cho chủ đầu tư 35 xe buýt BRT, giá trị chênh lệch tăng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện; 206,83 triệu đồng đối với đơn giá dịch vụ kiểm sửa xe (chi phí tiền ăn, thuê xe…) do chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu vượt so với hợp đồng đã ký, không đúng quy định.

625,91 triệu đồng trong gói thầu Old/BRT-XL (BRT CP4d) bao gồm: Dự toán được duyệt tại Quyết định số 2224/QĐ-SGTVT ngày 29/10/2015 áp đơn giá vật liệu sai thời điểm, làm tăng giá trị là 79,6 triệu đồng; thiếu sót trong công tác lập, thẩm tra, phê duyệt dự toán điều chỉnh trạm biến áp phê duyệt tại Quyết định số 1368/QĐ- SGTVT ngày 20/10/2014, làm tăng chi phí phần vỏ máy và vận chuyển máy phát điện không đúng 26,48 triệu đồng; 102,59 triệu đồng tiền đắp cát K95; 417,24 triệu đồng tiền không thực hiện bu lông, kích dầu. 332,38 triệu đồng đối với khoản mục chi phí huy động, giải thể công trường trong dự toán 7 gói thầu xây lắp (BRT CP4a, CP4b, CP4c, CP4d, CP4e, CP4f, CP4k) do lập không đúng quy định.

Liên quan tới gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị, đoàn xe BRT (35 xe), Thanh tra Chính phủ xác định chủ đầu tư thực hiện một số thủ tục chưa tuân thủ theo mẫu hồ sơ mời thầu và hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới, không lập dự toán Nhóm A và B theo nhóm xe sản xuất, lắp rắp trong nước; lấy báo giá xe nhập khẩu nguyên chiếc để làm căn cứ mời thầu cho cả 3 nhóm A, B và C (nhóm xe nhập khẩu) nên không có cơ sở quản lý giá và căn cứ để so sánh giữa các nhóm với nhau trong việc lựa chọn nhà thầu.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội về kết quả vận tải hành khách đối với tuyến xe buýt nhanh BRT 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách bình quân là 39,9 người/lượt, mới chỉ đạt 44,3% so với công suất thiết kế (90 người/lượt); lượng khách bình quân giờ cao điểm chỉ đạt 75,4% công suất (69,7/90 người/lượt).

Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm đối với những sai phạm nêu trên thuộc: UBND TP Hà Nội, Sở GTVT, Ban QLDA, Tư vấn thiết kế.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát đối với Gói thầu 04/BRT-TB trong công tác tổ chức đấu thầu cũng như việc các bên liên danh nhà thầu thực hiện không đúng khối lượng được phân chia theo hợp đồng dẫn đến Công ty Cổ phần Thiên Thành An hưởng lợi số tiền hơn 42,405 tỷ đồng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện.

Đồng thời, TTCP đề xuất UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục những tồn tại bất cập trong quá trình đầu tư xây dựng, khai thác tuyến BRT; chỉ đạo chủ đầu tư điều chỉnh giảm khối lượng tính thừa 316m2 tương ứng giá trị 823,83 triệu đồng đối với Gói thầu xây Trạm trung chuyển bến xe Kim Mã, rà soát hồ sơ nghiệm thu 158,774 tấn thép mà nhà thầu chưa chứng minh đủ hồ sơ, hóa đơn đưa vào thi công với giá trị hơn 1,055 tỷ đồng.

Tổng chiều dài tuyến BRT là 14,7 km. Lộ trình tuỵến đi: Bến xe Yên Nghĩa - Ba La - Quang Trung (Hà Đông) - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - Giang Văn Minh - Kim Mã.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ