TTCP mới đã có Kết luận số 1468/KL-TTCP ký ngày 4/9/2018 về quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm định phê duyệt kế hoạch cũng như đầu tư xây dựng của dự án xe buýt nhanh BRT (Hà Nội) hợp phần 1 có nhiều sai phạm gây thất thoát ngân sách cần phải được làm rõ.
Cào bóc mặt đường 15 tỷ
Thanh tra dự án, TTCP phát hiện việc lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu hợp phần BRT từ 2008 - 2014 thiếu đồng bộ, quy mô gói thầu chưa hợp lý, phải bổ sung điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc tổ chức đấu thầu bị chậm, không đúng theo kế hoạch được phê duyệt.
Theo kết luận, trong dự toán 7 gói thầu xây lắp của hợp phần dự án BRT, có khoản chi phí huy động, giải thể công trường đã nằm trong chi phí trực tiếp, chi phí chung. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn lập thêm để mời thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 0,33 tỷ đồng.
Với dịch vụ kiểm tra xe và vận hành, đào tạo và chuyển giao công nghệ, chủ đầu tư cũng thanh toán cho nhà thầu một số khoản mục chi phí vượt so với hợp đồng đã ký hơn 0,2 tỷ đồng.
Tại hạng mục cừ, giằng chống tầng hầm của gói thầu CP4d, chủ đầu tư chấp thuận để lại 83 cây cừ larsen với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Ngoài ra, gói thầu bị chậm tiến độ 417 ngày.
Tại gói thầu CP4a xây dựng đường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến Khuất Duy Tiến, gói thầu CP4b xây dựng đường trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến - bến xe Yên Nghĩa, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng, gây lãng phí ngân sách nhà nước hơn 15 tỷ đồng...
Thủ phạm gây ùn tắc giờ cao điểm
TTCP đánh giá việc đầu tư dự án chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng, như các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho người sử dụng, một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ cho người khuyết tật.
Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.
Theo kết luận thanh tra, dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra và có nhiều vấn đề trong suốt quá trình khảo sát, đầu tư xây dựng dự án.
Cụ thể, dự án chậm tiến độ 6 năm so với thời gian phê duyệt, còn trước đó, UBND TP Hà Nội tổ chức 3 đoàn đi nghiên cứu, khảo sát tại Brazil, Colombia, Ecuador, Indonesia nhưng 1 đoàn không có báo cáo kết quả và 2 đoàn có báo cáo nhưng không thể hiện nội dung liên quan đến khảo sát.
Các tổ được cử đi không có tài liệu để tham gia, đóng góp đối với việc lập dự án đầu tư, thiết kế, dự toán xe BRT, không đạt mục tiêu của việc khảo sát.
Việc lập và phê duyệt kế hoạch đấu thầu từ năm 2008-2014 thiếu đồng bộ, quy mô gói thầu chưa hợp lý, phải bổ sung điều chỉnh nhiều lần, dẫn đến việc tổ chức đấu thầu bị chậm, không đúng theo kế hoạch được phê duyệt, vi phạm quy định.
Trong dự toán 7 gói thầu xây lắp có khoản chi phí huy động, giải thể công trường đã nằm trong chi phí trực tiếp, chi phí chung nhưng chủ đầu tư vẫn lập thêm để mời thầu, ký hợp đồng, nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu, gây thất thoát ngân sách nhà nước số tiền 332,380 triệu đồng.
Thất bại được cảnh báo từ trước
TS Nguyễn Đình Thám - Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng những sai phạm tại dự án BRT Hà Nội là phổ biến, chỉ khác nhau ở mức độ và quy mô sai phạm của từng dự án.
Không chỉ chuyện đội vốn, chậm tiến độ, dự án BRT còn gây tranh cãi nhiều liên quan tới tiền chênh lệch mua xe buýt.
Bây giờ TTCP đã chỉ rõ sai phạm, tất cả đều cho thấy nghi ngờ của dư luận là hoàn toàn có cơ sở", vị TS cho biết.
Ngoài ra, vị TS còn đặc biệt lưu ý tới một điểm vô lý cũng được TTCP nhắc tới, đó là việc "cào" mặt đường nhựa để đổ bê tông.
"Đã gọi là buýt nhanh thì tốc độ phải nhanh. Để bảo đảm yêu cầu cho BRT hoạt động tốt thì yêu cầu kỹ thuật cũng cao hơn, điều kiện hạ tầng cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn, vì thế, ở nước ngoài, đường dành cho BRT phải là đường được thiết kế riêng.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, nói là buýt nhanh nhưng không nhanh hơn được buýt thường. Với điều kiện vận chuyển, kỹ thuật như ở Việt Nam, thì BRT hoàn toàn có thể tận dụng nền đường có sẵn để vận hành mà vẫn bảo đảm an toàn lại tiết kiệm được chi phí thi công.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, những sai phạm tại dự án buýt nhanh BRT Hà Nội cho thấy cảnh báo trước đây đã thành hiện thực.
Theo TS Thủy, ngay từ khi nắm được chủ trương sẽ thực hiện dự án BRT, ông đã nói thẳng là phải đánh giá kỹ lưỡng giữa hiệu quả và chi phí thực hiện dự án này. Nhất là trong bối cảnh hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, nhiều điểm nghẽn giao thông chưa được giải quyết, tình trạng ùn tắc còn xảy ra nghiêm trọng thì việc thiết kế đường riêng, xây dựng hệ thống nhà chờ mới, hệ thống cầu đi bộ riêng... nhìn đã thấy lãng phí, không khả thi.
Tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động từ 1/1/2017. Theo đơn vị quản lý buýt nhanh, sau hơn 3 tháng vận hành, loại hình vận tải này có bình quân 41,1 hành khách mỗi lượt; 13.600 hành khách mỗi ngày. Ngày cao nhất, xe buýt nhanh vận chuyển 17.400 lượt hành khách.
Tuyến buýt nhanh này có tổng mức đầu tư 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng). Giá mỗi chiếc xe buýt để lăn bánh trị giá hơn 5 tỷ đồng.