(Viết tặng thầy cô và cựu học sinh Trường Cấp III VHVL Tân Lâm, Quảng Trị)
“Em mãi là 20 tuổi
Ta mãi là mùa xanh xưa
Giữ trọn tình người cho đẹp”
Nhà thơ Quang Dũng đã có một mơ ước thật phi lý, biết vậy mà tôi vẫn muốn ước như ông.
Ngày chúng tôi nhận quyết định về Trường Cấp III vừa học vừa làm Tân Lâm mới trên 20 tuổi chút ít, tôi và Mộng Lương cùng khóa ở Đại học 1973 - 1977, Dương Cầm làm em vì về sau và ít tuổi hơn. Chúng tôi có nhiều chữ đồng: Cùng từ lò luyện đan Đại học Sư phạm Huế, cùng giới tính; cùng yêu nghề, yêu người; được phân công ở cùng nhau một phòng, độc thân, chung mâm; cùng thích nấu nướng, yêu ca hát; cùng khá hồn nhiên, ham chơi; cùng chia buồn sẻ vui; cùng dí dỏm hài hước;… Nhiều khi nghĩ lại, chắc kiếp trước có tu nên kiếp này ba nường chúng tôi được gặp nhau… và hợp nhau, quý nhau như chị em một nhà và hơn thế nữa.
Ngày đầu về trường, đoàn Huế ra tháng 10 năm 1977, gồm 4 người chỉ mình tôi là nữ (quý thầy: Hồ Cử, Võ Hàng, Hoàng Kim Khánh), nên tôi hơi đơn độc. Không hiểu vì vóc dáng nhỏ bé của tôi, hay vì tôi mặc chiếc áo vải màu xanh da trời cổ cánh sen có thêu hoa cúc họa mi trắng với quần tây đen ống nhỏ gọn gàng, hay vì tóc dài tôi thắt thành hai bím, hay vì…(?) mà đã có người bảo rằng tôi là thiếu nhi trong Huế ra.
Thời ấy, trường chưa có máy nước, tất cả mọi người phải tự xuống suối, xách nước lên để dùng. Lần đầu tiên, một mình vừa xuống suối… rồi xách xô nước suối lên, tôi thở phì phò, tưởng như nếu có ai đi bên cạnh chắc sẽ nghĩ tôi không ‘phình phường’ tí nào. Và tôi cũng có cảm giác lo sợ e mình không thể dạy dỗ gì ở đây được rồi, mới có xách nước mà nghỉ đến mấy chặng dốc và thở theo dốc ri thì còn nói năng chi nữa… May rồi cũng quen dần và thấy suối trong xanh đẹp hơn nhiều. May là những lúc cùng theo học sinh đi lao động… ngồi không cũng buồn nên tự học thêm được nhiều thứ: Làm cỏ dứa, đánh tranh làm choái tiêu, hái tiêu, chăn nuôi lợn,… Hai nường bạn tôi cũng vậy, thích nghi cực giỏi.
Thời ấy trường chưa có điện. Thời ấy nấu bằng củi. Thời ấy thiếu thốn nhiều bề… Còn một cái chung của ba chúng tôi là chung kỷ niệm riêng. Ấy là lúc cơm độn hạt bo bo (nấu hàng giờ mới chịu chín), độn những lát sắn khô to dày (rất khó để nấu mềm),… một thời gian ngắn được thay bằng bột mì. Chao ôi, các tay khéo chúng tôi ‘tối tạo’ đủ thứ… Chiều chiều, cả ba dắt tay nhau lên đồi dốc sau lưng nhà, tìm mấy nhánh cây khô về làm củi, hái mấy lá rau tàu bay về nấu cháo bột mì (đổ lộn rau vào, nói thiệt, nhìn không khác chi nồi cháo tạp cho lợn, rứa mà ba nường xì xà xì xụp, lại còn thấy thương học trò hơn…).
Bánh bột mì của chúng tôi bỏ lên chảo nhưng chiên bằng lá chuối thay dầu phụng… Nấu một nồi nước bồ kết gội đầu, ba chị em chia nhau gội (có hôm có người gội trước bị một người giận,… rất chi là yêu). Có hôm cả ba đạp xe đạp (mượn mãi mới được xe, chuyện ni nếu viết ra dài lắm nên xin hẹn dịp khác) cùng về nhà thăm ba mẹ tôi ở Đông Hà. Trên đường gần đến nhà, gặp mẹ tôi gánh vịt và mấy thứ nhà trồng đi bán… nàng Mộng Lương khuyên mẹ tôi đem về hôm sau rồi đi bán, vì mẹ tôi tắm cho vịt nên lông của chúng ướt ép lại, thấy ốm nhom… Về nhà, mẹ cho chúng tôi mấy con gà mái lên nuôi để nó đẻ trứng cải thiện bữa ăn.
Thời ấy, lịch của trường hầu như một tuần có ngày thứ 8, mà vắng ngày Chủ nhật. Lúc thì dành cho họp hành (có khi bay cả tối Chủ nhật luôn. Nghĩ lại giờ vẫn thấy thương, họp Chấp hành Công đoàn từ chiều tối đến gần 12 giờ đêm mà vẫn chưa xong cho một công việc: Phân lợn giống.
Nông trường phân cho trường số con lợn giống chỉ bằng một nửa số đơn xin mua lợn giống… xét mãi… ! Nhưng cũng có lúc vui, ấy là lúc chúng tôi ngồi xếp gói quà tặng cho quý thầy cô có thành tích được Công đoàn khen thưởng. Tôi và cô Mộng Lương - đã ghi vào quà thưởng (một hộp 6 chiếc ly thủy tinh) của thầy Hoàng Kim Khánh một tờ lệnh: “Sau khi đồng chí Khánh nhận quà xong, được giữ lại giấy khen, quà đem tặng lại cho ba cô Quỳnh Cầm Lương…”, tất nhiên chúng tôi chỉ dám trêu người hiền thôi…). Lúc thì lao động Đoàn, Hội, Trường,… toàn rơi vào ngày Chủ nhật. Các ngày Đại hội - đương nhiên diễn ra vào ngày thứ 8 rồi. Vậy mà ai dường như cũng vui lòng, chẳng thấy kêu ca gì, hay thiệt.
Thời ấy, giao thông vận tải còn hạn chế. Từ Đông Hà chỉ có vài chuyến xe, nhưng có 2 bến đỗ xa nhất là Khe Sanh, gần nhất là Cam Lộ. Tân Lâm ở lưng chừng giữa, nên nếu bạn muốn đi xe đò lên Tân Lâm, chịu khó trả đủ tiền lên Khe Sanh; hoặc kẹt tiền thì đi xe Cam Lộ, rồi đi bộ lên trường chừng 8 cây số nữa. Học sinh đi xe đờ-mi-cuốc là chuyện thường ngày ở nơi rừng mới này.
Đặc biệt ngày cuối năm, năm nào cũng như năm nào, cả thầy cô trò kéo nhau về quê ăn Tết hệt như đoàn hùng binh hành quân trong đêm (không cần lá ngụy trang) khởi từ trường thả dốc Minh Lai, thả tiếp dốc Mậu Lộ và tiến thẳng về Đông Hà khi trời kịp sáng. Vì vậy, chiếc xe đạp vô cùng quan trọng.
Cả trường hình như người có xe đạp đếm trên đầu ngón tay, có người luôn khóa xe vào chân giường cho chắc. Và cũng vì vậy mà ba chúng tôi đã mong ước xiết bao: Trường có một chiếc xe ngựa, để chở người ốm về bệnh xá Cam Lộ chữa trị. Mãi vẫn chỉ là ước mơ, thầy cô, cán bộ, học sinh ai đau cũng đều được một tiểu đội nam sinh (đột xuất có thể có nữ sinh) khỏe mạnh, độ cao đồng đều, cáng chạy 8 km đường…
Hôm thầy Luyễn đi cấp cứu, hình như tôi và Mộng Lương có chạy dọi theo, về đến nơi, y sĩ mới tiêm thử mà thầy phản ứng thuốc kinh khủng, cô trò xanh mắt nhìn thầy… cầu cứu các lương y… Khổ rứa nên thương quý nhau nhiều là phải thôi.
Thời ấy, sân khấu, phim ảnh là hàng xa xỉ cao cấp. Suốt 3 năm dạy ở trường, tôi chỉ được xem ké bộ phim hài: “Chú rể ở đâu?” (gọi là ké vì sư đoàn đóng quân dưới Nông trường một chặng không ngắn tổ chức, và chúng tôi (gồm nhiều bầu đoàn thê tử, cô trò…) lũ lượt đi bộ thể dục về xem. Phim nhắc nhở luật giao thông theo trình sơ cấp… nên không chỉ Văn tôi, mà cô giáo đưa học sinh du lịch qua giờ Địa lý và cô giáo yêu môn Sinh học, đều có hơi thất vọng… Nhưng hôm sau lại thấy vui vui, là lạ, vì các em học sinh lớp thầy Khánh đi xem phim hôm ấy về được viết bài kiểm tra theo dạng đề Văn. May nghỉ hè chúng tôi về lại Huế, và được xem hai vở kịch cổ điển phương Tây cực hay (Đoàn kịch nói Hải Phòng diễn tại Rạp Hưng Đạo): “Con cáo và chùm nho”, “Vụ án người đốt đền”, bù lại phần nào…
Thời ấy, nói như nhà thơ họ Chế : “Phải đặt người trồng hoa sau người trồng lúa/ Phải đặt những thiên tài viết về Điện Biên sau những Điện Biên” nên hoa hồng để lại, bánh mì lên ngôi.
Tôi chỉ trồng mấy bông hoa dừa cạn hồng trắng trước sân nhà, í quên, trước sân phòng, mà nhận bao nhiêu lời khuyên can chân thành: Trồng rau đi, hay hơn nhiều hoa hòe hoa sói… Tôi cứ hát: “May còn có Lương đời còn dễ thương…” vừa đùa với hai nường cùng phòng, vừa vui vì cả ba có tên toàn thanh bằng, nên lỡ có hát thay tên cho vui thì cũng không phá nhạc nhiều. Mà ghép lại thì tôi luôn có Lương có Cầm, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nếu có đảo đi đảo lại thì vẫn rất có nghĩa, không vô vị chút nào. Vậy nên, ba chúng tôi cùng nhau đạt chỉ tiêu chăn nuôi, trồng trọt nhà trường giao, không ai bị cắt Tiên tiến cả.
Và cứ thế, chúng tôi cùng mơ có một ngày ai đó lái máy bay đưa cả ba nường mơ mộng đi rải đủ loại hạt giống hoa lên khắp núi đồi, để rừng mới ni bốn mùa hoa khoe sắc. Tôi còn mơ, sẽ có một vườn hoa và một vườn cây thuốc trong những góc sân… thêm sắc hương làm đẹp cho trường.
Thời ấy, chưa có a-lô, nỗi nhớ gia đình, người thân, người ấy… nói chung người ở xa - được nén vào trong những lá thư viết tay trau chuốt nắn nót dưới ngọn đèn dầu trong đêm… Nhà thơ quê Cam Lộ, đã viết bài “Chiều” rất lâu rồi (từ thập niên 60 của thế kỷ XX) nhưng quá hay và quá đúng với tâm trạng đợi chờ của chúng tôi: “Núi mờ và núi đậm/ Rừng xa chen rừng gần/ Chiều trung du đến chậm/ Như thư của người thân”. Cảm xúc này giờ gần bay biến mất rồi, cuộc sống hiện đại đã khiến cho quá khứ của chúng tôi, nói như nhà thơ Nguyễn Quang Hà: “Những chuyện bây giờ thành cổ tích xa xưa”.
Thời ấy, trường có nhiều giọng ca vàng không thua gì ca sĩ. Cô Hòa (dạy Văn) sở hữu một giọng ca cao vút, thánh thót trong ngần. Nghe cô Hòa hát “Nắng Ba Đình”, rất nhớ mùa Thu Hà Nội trong ngày Độc lập. Thầy Tùng (dạy Toán) giọng ca âm vang, tràn chất lính kiên cường, hát bè cao, bè trầm đều hay. Thầy Hà (Phó Hiệu trưởng) luôn là giọng ca trầm hùng, không có tuổi, trẻ mãi với thời gian (băng qua 2 thế kỷ XX và XXI). Thầy Cường (phòng Thí nghiệm) giọng ca nhiệt huyết, gần gũi, đặc biệt cao trào khi hát tất cả những bài ca về Tân Lâm (cho đến bây giờ, thầy vẫn hát không cần chữ, mà nếu có karaoke đi nữa thì làm chi tìm được những bài hát Tân Lâm xưa?).
Hình ảnh thầy giáo trẻ Anh Tú cầm đàn và hát vang nhiều lúc, nhiều khi và chúng tôi đôi khi phụ họa “nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi” (thơ Tố Hữu) luôn là hình ảnh đẹp của Tân Lâm yêu đời vô cùng tận...
Thời ấy, tiễn các em đi nghĩa vụ quân sự, chúng tôi, ỷ có cô Mộng Lương luôn với cây đàn guitar trong tay, những lúc vui buồn (cô mang đàn từ Huế ra), ỷ luôn được mọi người cổ vũ (hát hay không bằng hay hát), nên luôn chọn bài hát vui phù hợp để cùng hát tặng các em. Đó là bài “Lá xanh” và “Tiểu đoàn 307”. Một kỷ niệm vui, lúc chúng tôi rời “sân khấu” đã có mấy thầy giáo trẻ tặng khen bằng câu hát nhại: “Tiểu đoàn 307 đánh đâu trật nấy…” …Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn là nhóm Tam ca chung bè (không bè phức điệu, cũng chẳng bè hòa âm…), chung bè nếu có trôi thì trôi cùng nhau trong âm nhạc cũng như trong cuộc đời.
Thời ấy, chỉ có trường Tân Lâm mới có: Ngày 20/11 hàng năm, chúng tôi luôn nhận quà tặng yêu thương từ tay các em làm (Những chiếc khăn tay nhỏ xinh, trắng tinh khôi, thêu chút hoa làm điểm nhấn,… hoặc một kỷ vật nho nhỏ xinh xinh...).
Điều đặc biệt, các em cùng khối là đi cùng nhau và hình như thăm hết thầy cô trong trường, không chỉ thăm và tặng thầy cô có dạy mình, càng không phân biệt tặng riêng chủ nhiệm lớp mình… Phòng chúng tôi, vì vậy, nhất là năm đầu tiên, bất ngờ quá, cô trò chỉ biết trao nhau những câu chuyện vui vui, những nụ cười hồn nhiên, ấm áp. Nhận món quà thật tình cảm chân thành, quá hay, quá đáng yêu. Những mùa Hiến chương ấy, đóng đinh vàng trong tâm hồn tôi, một đi không lặp lại, một đi không trở lại bao giờ trong hơn 40 năm dạy học của mình. Xin một và thêm nhiều lần nữa… cảm ơn trái tim vô cùng trong trẻo của các em Tân Lâm xưa rất nhiều.
Ngôi trường mới 10 tuổi đã được phong danh hiệu Trường Anh hùng Lao động (1985). Vậy mà năm 2025, trường tròn 50 tuổi nhưng sẽ không còn là trường cấp 3 năm xưa nữa. Chúng tôi biết xin ai để tụ về làm sinh nhật cổ tích cho trường?