Café chủ nhật

Ngày xưa đi học

GD&TĐ - Chỉ nghĩ thôi mà những kỷ niệm ngày xưa ùa về. Trong thoáng chốc, dường như tôi thấy mình là một cô gái nhỏ ngày đầu được mẹ dắt đến trường...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khi những tia nắng đầu Thu dịu dàng len vào ô cửa nhỏ, thềm nhà còn sót lại vài chiếc lá vàng rơi rụng đêm qua, cũng là lúc tôi chuẩn bị cặp sách, quần áo để các con đến trường, bắt đầu năm học mới. Nhìn những bộ quần áo mới tinh tươm, sách mới được bao sạch sẽ, tôi bỗng nhớ những năm một nghìn chín trăm hồi đó, cái thời mà có cái gì mới cũng là một điều xa xỉ.

Chỉ nghĩ thôi mà những kỷ niệm ngày xưa ùa về. Trong thoáng chốc, dường như tôi thấy mình là một cô gái nhỏ ngày đầu được mẹ dắt đến trường, trên con đường làng thơm thơm hương lúa.

Ngày xưa, năm học mới chỉ chính thức bắt đầu từ ngày khai giảng. Mấy anh em tôi đến trường với bộ sách giáo khoa được thừa kế từ anh chị lớn hơn. Mà sách không bao giờ được đủ bộ, thiếu mấy môn phụ là chuyện bình thường, có khi còn mất trang hoặc rách góc.

Nhớ hồi đó, tôi nâng niu từng cuốn sách mượn được như báu vật rồi bao lại bằng giấy báo hoặc giấy cắt được từ mấy bao xi măng. Ba mẹ bận việc, đứa nào cũng tự mày mò làm lấy chứ đâu được chuẩn bị sẵn như trẻ con bây giờ.

Ngày xưa tôi đi học với bộ quần áo cũ má sửa lại của chị. Cái áo cổ lá sen màu trắng đã chuyển sang ngà và chiếc quần đen theo tôi cả mấy năm cấp một.

Ngày xưa đi học toàn là đi bộ đến trường. Nhà tôi không xa lắm, chỉ cách một bờ đê và một quãng đường hai bên là đồng lúa. Sáng nào tôi cũng nghe xong chương trình ca nhạc thiếu nhi từ chiếc đài radio nhỏ xíu rồi tung tăng đến trường.

Sáng sớm, những vệ cỏ ven đường còn đọng sương đêm, tôi vừa đi vừa để ý tìm cụm hoa xuyến chi để hái trang trí trên bàn cô giáo. Hồi đó, tôi luôn được phân công giữ chổi và bình hoa nên đi sớm để quét lớp. Hoa thì hái các loại như hoa điệp vàng, hoa cúc nở ngày hay là hoa móng tay, có khi không có hoa gì tôi còn hái cả bông vạn thọ.

Khi lớp đã sạch sẽ và bình hoa chỉ toàn hoa dại được chưng lên, thì cũng là lúc chuông reo vào học. Cả lớp đứng dậy chào thầy cô và tổ phó văn thể mỹ bắt nhịp một bài hát để tất cả hát cùng, buổi học nào cũng bắt đầu với tiếng vỗ tay rộn rã.

ngay xua di hoc (1).jpg
Ảnh minh họa.

Ngày xưa đi học viết bằng mực tím. Mỗi ngày đến trường, đứa nào cũng mang theo một bình mực được đựng trong chiếc lồng xinh xắn. Chiếc lồng ấy cũng là một kỷ niệm thời học sinh, bọn tôi hay làm bằng những trang giấy đôi đã viết đầy chữ của năm học trước. Mỗi lần viết bài thì chấm ngòi viết vào bình mực, đến khi mờ lại chấm tiếp. Thành ra, tay đứa nào đứa nấy toàn lấm lem màu mực tím có khi vấy bẩn lên cả quần áo.

Lớn hơn một chút, bọn tôi dùng loại viết được bơm mực sẵn như viết Hồng Hà. Hôm nào lỡ quên bơm thì mượn của đứa ngồi gần vài giọt rồi hứa “ngày mai tao trả” mà chả khi nào trả. Ngày xưa đúng nghĩa là thời “mực tím” hồn nhiên, có lẽ vì thế mà có tờ báo dành cho lứa tuổi học trò tên là “Mực Tím”.

Ngày xưa được đi học đã là một niềm hạnh phúc, có đứa nhà nghèo cha mẹ không có đủ tiền cho tất cả các con đi học thành thử đứa lớn phải nghỉ học đi làm phụ cha mẹ nuôi đứa nhỏ hơn. Nếu may mắn được đi học thì buổi chiều cũng phải phụ việc nhà, chăn trâu, bò, cắt cỏ…

Hồi đó, cứ chiều về là tôi vừa đi “vòng” bò vừa học bài, sở dĩ gọi là “vòng” vì người ta đóng cọc ở nơi nhiều cỏ rồi cho bò ăn cỏ vòng quanh đó với điều kiện độ dài của dây cột nằm trong phạm vi an toàn, không để bò ăn lúa, hoa màu khác. Đóng cọc đâu đó xong xuôi tôi lên đê nằm hóng mát, nghe gió đồng xa lồng lộng ùa về. Mở vài trang sách mang theo, chưa đọc được bao nhiêu thì đôi mắt đã ríu lại.

Giấc ngủ trẻ thơ nông thôn bên trang sách mơ màng, khi ngọn khói lam chiều lơ lững bay lên từ những mái nhà thì cũng là lúc bò ăn no cỏ. Những cô bé, cậu bé chăn trâu, bò hăm hở về nhà, để ngày mai lại trở thành những cô cậu học trò với bao kiến thức mới lạ đang chờ đợi.

Mới đó mà đã vài chục năm, những ai có ký ức giống như tôi chắc cũng thuộc thế hệ 7X, 8X. Chúng tôi giờ nhắc lại hay nói đùa là “tuổi thơ dữ dội”, vì để có được con chữ, những đứa trẻ ngày xưa phải nhọc nhằn biết mấy. Nhưng cũng không thiếu những kỷ niệm vui bên mái trường mà bây giờ không có được.

Những trò chơi nhảy dây, chơi ô ăn quan, hoặc chơi bắn thun, bắn bi… với những trận cười nắc nẻ. Khi viết những dòng này tôi dường như nghe thấy cả tiếng líu lo của bầy trẻ tan trường, trên đường đi học về ghé vệ đường hái cỏ gà thi nhau, có một cô bé lúc ấy không thích đá cỏ gà, mà mải mê tìm những cành hoa dại lung linh trong nắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giàu có nhưng kém văn minh

GD&TĐ - Mạng xã hội đang lan truyền đoạn clip nói về một người đàn ông ở Nha Trang có hành vi kém văn minh.