Từ ánh mắt dõi theo...

GD&TĐ - Cô giáo kính yêu! Thêm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay là em xa mái trường, xa cô đã gần 30 năm.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cô giáo kính yêu!

Thêm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay là em xa mái trường, xa cô đã gần 30 năm. Dẫu thời gian ngày một nối dài nhưng mãi mãi trong em luôn vẹn nguyên cảm xúc khi nhớ về những tháng ngày được cô dạy dỗ, về món quà đặc biệt cô tặng trong ngày 20/11…

Ngày ấy, từ nơi xa theo bố mẹ về quê hương an cư, mọi thứ đối với em thật lạ lẫm: Nơi ở, trường học, bạn bè... Bởi vậy, lòng cô bé tuổi 15 luôn chất đầy biết bao dò xét, lo lắng, ngại ngần…

Vậy nhưng, thật lạ kỳ khi lần đầu nhìn thấy cô bước tới, em thầm mừng rỡ như thể được gặp người thân giữa chốn xa lạ. Em vẫn nhớ mãi khi đó cô rất trẻ trung, xinh đẹp trong bộ quần xanh áo trắng đóng thùng gọn gàng. Cô cười thật tươi gật đầu chào chúng em – những học sinh lớp 10 háo hức ngày đầu đến trường nhận lớp quá sớm nên phải đứng ngoài chờ tới giờ cổng mở.

Rồi thì, em đã mừng vui biết bao nhiêu khi thấy cô bước vào lớp trong tiết Lý đầu tiên ở ngôi trường mới. Khoảng cách lần đầu gặp gỡ với học trò nhanh chóng được cô xóa nhòa bằng những lời thăm hỏi, trò chuyện thật gần gũi, sôi nổi.

Nhưng cô cũng nghiêm khắc đưa ra quy ước học tập, ngắn gọn lại là: Học hết mình, chơi ra chơi chứ không được à uôm, bông phèng, khiến mấy đứa toan quậy phá cũng phải dè chừng.

Và cách cô dẫn dắt chúng em bước vào bài học mới cũng thật khác biệt, được bắt đầu từ những tình huống, câu chuyện trong đời sống nên ai cũng có cơ hội đi từ ồ à để rồi ùa vào khám phá. Với riêng mình, em hay lặng ngắm thật lâu lúc cô viết bảng.

Vì những dòng chữ bay bổng, đều đẹp hiện lên bảng đen ấy làm em nhớ về cô giáo dạy lớp 6 ở trường chuyên. Hồi đó, cô ấy đã rèn và khai phá cho em biết rằng chữ em rất đẹp chứ không phải loằn ngoằn như giun mà em vẫn viết suốt thời cấp 1, lúc nào cũng bị phạt về nhà viết chính tả để rồi mẹ em thở dài phiền não. Thêm nữa, em còn rất thích ngắm nhìn cô cười, một nụ cười lan tỏa những niềm vui, niềm tin yêu vào học trò thơ bé.

Cứ thế, em say sưa theo từng bài giảng, câu chuyện, nét chữ, nụ cười của cô và ngạc nhiên khi thấy mình có những thay đổi thật nhanh chóng - từ học sinh chuyên Văn thường bị mặc định sẽ không biết gì về các môn học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh; nhưng giờ đây không chỉ có thành tích môn Lý xuất sắc nhất mà các môn “họ hàng” kia cũng chẳng kém ai.

Không chỉ vậy, ước mơ của em cũng nhanh chóng theo đó mà dịch chuyển, từ ý nghĩ sẽ trở thành quân nhân cầm súng bảo vệ Tổ quốc (dù bản thân là con gái) thì giờ lại là mong muốn cháy bỏng sẽ trở thành nhà giáo giống như cô.

Nghĩa là, em cũng luôn xinh đẹp, rạng rỡ; luôn đắm say với học trò trong từng bài giảng cùng những câu chuyện cuộc đời… Nhưng có một bí mật thế này cô ạ, lúc đó em ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn chứ không dạy Lý vì môn Văn mới là sở trường từ nhỏ còn môn Lý thì chỉ đến khi được cô dạy dỗ em mới bỗng dưng “tỏa sáng”, một món quà bất ngờ em may mắn được nhận từ sự giỏi nghề và nhiệt huyết truyền lửa của cô.

tu-anh-mat-doi-theo-1.png
Minh họa/INT

Ngày 20/11 năm đó, em cùng các bạn hân hoan đến chúc mừng cô với món quà siêu giản dị (bộ ấm chén) để rồi tha hồ tung tăng trẩy hết quả đầu vụ (kể cả quả non cũng không bỏ sót) của vườn táo cô trồng sau nhà.

Nhìn đám học trò bị gai táo cào rách tay, cô vừa xuýt xoa vừa hắng giọng bảo rằng để có được trái ngọt thì phải vượt qua chông gai. Và đây cũng là dịp chúng em được nghe cô kể biết bao câu chuyện về cuộc sống để lúc thì cười nắc nẻ nhưng cũng có khi cùng lắng lại.

Cô còn hát tặng đám trò nhỏ bài “Mừng tuổi mẹ” (nhạc sĩ Trần Long Ẩn) rồi hướng về phía em cùng lời nhắn nhủ: “Cô thấy thật thấm với câu hát: “Mỗi mùa Xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi/ Mỗi mùa Xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần...”. Bởi vậy, hãy hăng say học tập, rèn luyện nên người để mẹ cha an lòng nhé!”.

Lúc ra về, bỗng cô gọi em ở lại và đưa tới tấm vải voan trắng rất đẹp. “Cô tặng em, nhớ may tấm áo thật đẹp và hàng ngày diện đến trường nhé!”, vừa nói cô vừa trao gửi ánh mắt yêu thương.

Đó cũng là năm duy nhất cả lớp đến chúc mừng cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhưng với em, từ đó, nhà cô trở thành nơi thân thuộc để em đến mỗi khi có dịp và nhớ về khi xa quê hương. Riêng lúc còn đi học, mỗi lần về gặp cô em đều diện chiếc áo voan trắng cổ sen xinh xắn được may từ tấm vải cô tặng. Ánh mắt cô luôn lấp lánh niềm vui khi vừa thấy bóng dáng học trò…

Thực ra, cô trực tiếp dạy em chỉ có năm học đầu tiên của cấp 3. Lên lớp 11 và 12 là thầy giáo khác phụ trách môn Lý. Cô biết không, đâu chỉ riêng em mà cả lớp đã rất buồn và có hành động phản ứng hơi thái quá là không hợp tác với thầy. Với riêng mình, mỗi bài học em chỉ hoàn thành cho có chứ không hào hứng tìm hiểu, đào sâu như hồi cô còn dạy.

Có những khi thầy giáo gọi lên bảng chữa bài, em còn giả đò không biết. Thầy đã rất giận dữ, trách phạt cho điểm thấp cảnh cáo vậy mà em vẫn lặng im… Đến giờ nhớ lại, em thấy mình thật tệ vì đã làm phiền lòng thầy biết bao nhiêu và chắc hẳn khi biết chuyện cô cũng buồn lắm nhỉ!

Nhưng rồi em cũng sớm lấy lại sự cân bằng của cảm xúc khi vẫn được gặp và trò chuyện với cô trong những buổi họp bí thư chi đoàn các lớp. Cũng vì, bên cạnh giảng dạy, cô còn đảm nhiệm vai trò Bí thư Đoàn trường. Có thể nói, đó là những tháng năm tuổi hoa niên thật ngời sáng khi chúng em được thủ lĩnh tài giỏi, năng động, sáng tạo như cô dẫn dắt, hối thúc cháy hết mình.

Nhất là dịp 26/3 kỷ niệm ngày thành lập Đoàn, chúng em được sống và học tập trong khí thế hăng hái, xông pha của tuổi trẻ, đắm mình vào lễ hội suốt mấy tuần mà vẫn không muốn bước ra. Ngoài các hoạt động thường xuyên như thi đấu thể thao, văn nghệ, học sinh thanh lịch… năm học lớp 11 chúng em còn được tham gia cắm trại.

Với chủ đề “Ước mơ xanh” cùng toàn bộ sản phẩm, hoạt động đều do các bạn thực hiện, không phải đóng góp kinh phí để thuê đồ mà trại của lớp vẫn xuất sắc giành giải cao làm em rất hãnh diện. Cô còn nhớ không, buổi hôm đó, khi cô cùng ban giám khảo bước tới gian trại lớp 11D, em đã bắt nhịp cho cả lớp vừa hát vừa vỗ tay bài “Nối vòng tay lớn” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Rồi em mời ban giám khảo tham quan gian trại theo từng câu chuyện có chủ điểm. Giữa lúc say sưa kể chuyện em gặp ánh mắt của cô dõi theo đầy tin tưởng, tự hào. Ánh mắt ấy đem đến cho em nguồn năng lượng mới, giúp em thấy mình như được chắp thêm đôi cánh để vươn cao giữa bầu trời lộng gió…

Với em, dù đi đến đâu hay làm bất cứ việc gì, đôi mắt của cô vẫn luôn ở bên vui cười khi em thành công; chở che, tin cậy khi em thất bại. Và, giờ đây, dẫu không thể trở thành cô giáo như đã từng mơ ước nhưng em nghĩ rằng dù làm nghề gì ở bất cứ môi trường nào dẫu thuận lợi hay gian khó bản thân vẫn luôn là người tràn đầy nhiệt huyết – nguồn năng lượng vô giá em được nhận từ cô. Đó là năng lượng của những đam mê, tận tâm trong công việc; của lòng yêu thương vô bờ bến với cuộc đời…

Học trò của cô!

Hoàng Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.

Cùng Bộ Tư lệnh Binh đoàn B70 lên phương án chỉ đạo chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Từ trái qua: Hoàng Phương, Lê Trọng Tấn, Võ Nguyên Giáp, Cao Văn Khánh, Phạm Hồng Sơn. Ảnh tư liệu.

Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn*

GD&TĐ - Trên tất cả các mỹ từ, nhân văn đức độ của một vị tướng như ông tỏa sáng như một bậc hiền nhân: “Văn lo vận nước, Văn thành Võ/Võ thấu lòng dân, Võ hóa Văn”.