Các nhà khoa học ước tính đến năm 2050, 50% thủ đô Funafuti, nơi hơn một nửa dân số của quốc gia này sinh sống, sẽ bị nhấn chìm bởi thủy triều.
Đi hay ở?
Ở Tuvalu, đất đai thuộc sở hữu chung và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người dân ở đây chôn cất tổ tiên trong các ngôi mộ cạnh nhà. Đất đai lưu giữ người thân, lịch sử và truyền thống, khiến cho câu hỏi có nên rời đi hay không trở nên khó giải quyết đối với người dân đảo.
Trong bóng tối của mối đe dọa sống còn này ẩn chứa một câu hỏi đối với người Tuvalu: Nên đi hay ở lại? Một số người Tuvalu đang cân nhắc việc rời đi để được an toàn hơn, nhưng phần lớn đều có kế hoạch ở lại.
“Đúng là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến chúng tôi, nhưng chúng tôi muốn ở lại”, Fenuatapo Mesako - nhân viên thuộc Hiệp hội Sức khỏe Gia đình Tuvalu nói và nhấn mạnh. “Chúng tôi không muốn là người Tuvalu ở một quốc gia khác. Chúng tôi muốn là người Tuvalu ở Tuvalu”.
Biến đổi khí hậu đã ăn sâu vào hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống hằng ngày. Nước biển đã xâm nhập vào đất của hòn đảo và khiến việc trồng các loại cây lương thực chính của người Tuvalu như khoai môn, sa kê và dừa trở nên khó khăn.
Triều cường ngày càng dữ dội hơn trong những năm gần đây. Nước biển tràn từ đại dương qua hòn đảo mỗi tháng một lần, làm ngập đường băng và nhà cửa của người dân.
“Tôi cảm thấy những tin tức kiểu như vậy làm mọi người sợ hãi một cách không cần thiết. Chúng tôi có thể tổ chức hội thảo này đến hội thảo khác, nhưng nếu dành 365 ngày một năm để nói về biến đổi khí hậu, chúng tôi sẽ không thể không lo cho cuộc sống của mình ở đây”, Afelle Falema Pita - cựu Đại sứ Tuvalu tại Liên Hợp Quốc, người đã rời bỏ cuộc sống ở New York để mở một khu nghỉ dưỡng sinh thái giản dị cùng vợ tại đất nước này cho biết.
Đây là một sự cân bằng khó khăn. Một mặt, biến đổi khí hậu không phải là một hiện tượng xa vời ở Tuvalu, nó đòi hỏi sự chú ý ngay bây giờ. Tuy nhiên, đảo quốc này còn nhiều điều cần quan tâm hơn là thủy triều dâng cao.
Làm thế nào để tồn tại?
Tháng 11 năm ngoái, Tuvalu và Australia đã ký một hiệp ước song phương về khí hậu và di cư - Hiệp ước Falepili. Trong đó, Tuvalu được cung cấp 11 triệu AUD cho các dự án phục hồi bờ biển và thị thực cho 280 người Tuvalu để trở thành thường trú nhân Australia mỗi năm.
Người dân ở Funafuti có nhiều ý kiến trái chiều về thỏa thuận này. Một số cảm thấy đây là con đường chào đón những người muốn rời đi, còn những người khác lo ngại nó xâm phạm chủ quyền của Tuvalu.
Chính phủ đang cố gắng đảm bảo rằng Tuvalu có thể giữ được chủ quyền và quyền đối với các vùng đánh cá của mình, ngay cả khi biến đổi khí hậu khiến các đảo không thể sinh sống được.
Quốc gia này cũng đang tiến hành hai dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Đầu tiên là sáng kiến cải tạo đất, chủ yếu được tài trợ bởi Quỹ Khí hậu Xanh của Liên Hợp Quốc, bao gồm vận chuyển cát từ giữa đại dương để xây dựng hai dặm vuông đất được bảo vệ mới trên Funafuti.
Thứ hai là Dự án Future Now, một “cuộc di cư kỹ thuật số” của các dịch vụ chính phủ và hiện vật lịch sử vào không gian ảo, cho phép Tuvalu giữ lại bản sắc văn hóa của mình ngay cả khi đất đai không còn tồn tại.
Trong khả năng tốt nhất, Tuvalu đang cố gắng đặt các giá trị của mình hướng đến cộng đồng. Ví dụ, khi các vụ cháy rừng chết người xảy ra ở Australia vào năm 2020, chính phủ Tuvalu đã quyên góp 300 nghìn AUD để hỗ trợ các nạn nhân.
Một số quan chức chính phủ phản đối. Họ nghĩ rằng số tiền này chỉ là một giọt nước trong đại dương đối với một quốc gia lớn như Australia. Nó sẽ tạo ra sự khác biệt gì?
Nhưng số tiền quyên góp không phải là vấn đề chính. Simon Kofe, lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu, cho biết: “Không thể có sự tách biệt giữa cách chúng ta hành động trong chính phủ và cách chúng ta sống ở cấp độ cộng đồng. Nếu vậy, chúng ta chỉ đang hành động giống như mọi quốc gia khác, chỉ được thúc đẩy bởi lợi ích riêng”.
Vì vậy, trong khi cộng đồng quốc tế có thể nhìn Tuvalu với sự thương hại vì quốc gia này đang bị đe dọa nhấn chìm, thì có lẽ người Tuvalu mới là những người nên thương hại các nước phương Tây phát triển, những nước đang theo đuổi sự giàu có vật chất và tăng trưởng vô tận, phần lớn đã không còn chú ý đến hành động tập thể để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Tổng cộng 9 hòn đảo tạo nên Tuvalu có diện tích đất liền khoảng 26km2, dân số 11.312 người (2022). Bên cạnh là tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, Tuvalu còn được biết đến với hai điều: Là một trong những quốc gia ít được viếng thăm nhất trên thế giới, và sở hữu hậu tố tên miền .tv - nguồn thu lớn thứ hai, sau bán quyền đối với các vùng lãnh thổ đánh bắt cá. Với đất đai khan hiếm và chỉ có bốn chuyến bay trong một tuần, đường băng còn có thể dùng làm đường cao tốc nhiều làn, sân bóng chuyền và điểm đến dã ngoại, tùy thuộc vào thời gian trong ngày.