Biến đổi khí hậu làm tăng nhiễu động không khí?

GD&TĐ - Hầu hết các chuyến bay đều trải qua hiện tượng nhiễu động, tuỳ mức độ.

Nhiễu động trời trong không thể phát hiện bằng công nghệ hiện nay.
Nhiễu động trời trong không thể phát hiện bằng công nghệ hiện nay.

Mỗi năm, trên thế giới có hàng triệu chuyến bay cất cánh. Tuy nhiên, trường hợp một hành khách tử vong và 30 người bị thương trên chuyến bay của hãng Singapore Airlines là rất hiếm gặp.

Lý giải về nhiễu động

Theo dữ liệu từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), tại Mỹ, thị trường du lịch hàng không lớn nhất thế giới, chỉ có 163 người người bị thương phải nhập viện từ năm 2019 đến năm 2022 do đi máy bay.

Còn Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Mỹ chưa báo cáo bất kỳ trường hợp tử vong nào liên quan đến nhiễu loạn trên máy bay thân rộng trong giai đoạn trên.

Như vậy, trường hợp nhiễu động khiến một hành khách tử vong trên chuyến bay của Singapore hồi tháng 5 là một tình huống rất hiếm gặp. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo tình huống trên sẽ ngày càng phổ biến trong tương lai.

FAA lý giải nhiễu động là sự chuyển động của không khí được tạo ra bởi áp suất khí quyển, các luồng phản lực, không khí xung quanh các ngọn núi, các khu vực thời tiết lạnh hoặc ấm hoặc giông bão.

Đơn cử, địa hình núi cao có thể làm dịch chuyển luồng không khí, đẩy nó lên cao hơn so với địa hình tự nhiên và gây ra tình trạng xáo trộn giữa các luồng không khí.

Hầu hết các chuyến bay đều trải qua hiện tượng nhiễu động, tuỳ mức độ. Gần mặt đất, gió lớn quanh sân bay có thể gây nhiễu động khi máy bay cất hoặc hạ cánh. Ở độ cao cao hơn, các luồng không khí đi lên hoặc đi xuống trong các đám mây bão có thể gây nhiễu động từ nhẹ đến nghiêm trọng khi máy bay bay qua hoặc đến gần.

Hiện tượng nguy hiểm nhất là nhiễu động trời trong, chỉ những nhiễu động xảy ra bên ngoài các đám mây (Clear Air Turbulence – CAT). Đây cũng có thể là loại nhiễu động mà máy bay Singapore gặp phải.

Hiện tượng này gây ra bởi sóng trọng lực nên không thể quan sát bằng mắt thường hay phát hiện bằng công nghệ. Cách duy nhất để phi công biết về nó là nghe từ một phi công vừa di chuyển từ đường bay đó. Nếu không, chỉ khi đi vào trong CAT, phi công mới phát hiện ra nó.

Trong khi đó, phi công có thể dự báo các loại nhiễu động khác để lập kế hoạch đường bay. Các chuyên gia tại trung tâm khí tượng thuỷ văn có thể dự đoán hiện tượng nhiễu động dựa trên dữ liệu thu thập từ các cảm biến và vệ tinh trên mặt đất, sau đó truyền đạt dự đoán cho phi công. Trên máy bay, phi công sử dụng radar để xác định các đám mây để tránh bão. Nhưng radar không thể phát hiện nhiễu động trời trong.

GS Paul Williams - chuyên gia khoa học khí quyển tại Đại học Reading, Anh, mô tả: Có một thang đo mức độ nhiễu động. Ở mức nhẹ nhất, hành khách có thể gặp một chút khó khăn khi đi lại quanh cabin nhưng vẫn được phép di chuyển.

Ở mức trung bình, dây thắt an toàn sẽ căng lên, bất cứ thứ gì không được cố định chắc chắn sẽ bung ra. Việc di chuyển trở nên khó khăn. Tiếp viên hàng không ngồi tại chỗ.

Ở mức độ nghiêm trọng nhất, nhiễu động còn mạnh hơn trọng lực. Nếu hành khách không thắt dây an toàn, họ sẽ bị va đập lung tung trong cabin và gặp phải chấn thương nghiêm trọng như gãy xương.

Máy bay có thể gặp nhiễu động khi bay qua nơi có địa hình cao.

Máy bay có thể gặp nhiễu động khi bay qua nơi có địa hình cao.

Tần suất tăng đáng kể

Nghiên cứu của Đại học Reading (Anh) công bố vào năm 2023 chỉ ra, từ năm 1979 đến năm 2020, nhiễu động trời trong đã tăng 55% trên Bắc Đại Tây Dương, một trong những tuyến bay bận rộn nhất thế giới. Phát thải khí nhà kính được cho là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên.

Lý do là phát thải khiến nhiệt độ ấm lên. Biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến tốc độ gió ở tầng thượng quyền. Bằng chứng là số lượng ca nhiễu động trời trong tăng rõ rệt nhất trong những thập kỷ gần đây ở khu vực vĩ độ trung, nơi chịu ảnh hưởng không nhỏ từ việc Trái đất nóng lên.

Tương tự, các nhà nghiên cứu tại Đại học Chicago (Mỹ) cho biết, Trái đất cứ ấm lên một độ C thì tốc độ gió sẽ tăng 2%. Dự kiến đến cuối thế kỷ 21, Trái đất sẽ tăng thêm 4 độ C nếu việc phát thải khí nhà kính tiếp tục tăng.

Các chuyên gia cảnh báo tốc độ gió dự kiến sẽ phá kỷ lục nên các hãng hàng không sẽ cần giảm tốc độ máy bay di chuyển để hạn chế tác động từ nhiễu động.

Hiện tượng nhiễu động được dự đoán sẽ gia tăng mạnh mẽ nhất ở Bắc Đại Tây Dương, tuyến đường huyết mạch nối Bắc Mỹ và châu Âu. Ngoài ra, sự gia tăng nhiễu động sẽ xuất hiện ở phía Đông Nam Trung Quốc, phía Tây Thái Bình Dương và phía Bắc Ấn Độ.

Hiện tượng nhiễu động gây ảnh hưởng đến hành khách và phi hành đoàn nhiều hơn là lên máy bay. Họ càng gặp nguy hiểm hơn khi không thắt dây an toàn đúng cách, trong đó, phi hành đoàn chiếm 79% tổng số thương tích liên quan đến nhiễu động.

Bất chấp nhiễu động rất hiếm gặp, hiện tượng này khiến ngành hàng không thiệt hại tới 500 triệu USD mỗi năm. Dự đoán thiệt hại sẽ càng tăng lên khi hiện tượng nhiễu động tăng lên trong những năm tới. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa đi máy bay sẽ kém an toàn hơn.

Nếu gặp nhiễu động, máy bay không rơi khỏi bầu trời vì nó được chế tạo với những thông số kỹ thuật và độ an toàn cao. Chúng có thể chịu đựng những nhiễu động khủng khiếp nhất trong tương lai.

Nhưng thời gian nhiễu động trung bình sẽ tăng lên. Thông thường, trên một chuyến bay xuyên Đại Tây Dương, hành khách có thể gặp nhiễu động trong 10 phút. Trong vài thập kỷ nữa, thời gian này có thể tăng lên 20 – 30 phút. Vì vậy, luôn thắt dây an toàn là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ chấn thương do nhiễu động trên máy bay.

Một nghiên cứu năm 2021 của Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) dự đoán số chuyến bay gặp hiện tượng nhiễu động trời trong sẽ tăng 15% vào năm 2059. Vấn đề trên tại khu vực châu Á Thái Bình Dương là mối lo ngại ngày càng tăng với ngành hàng không, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đặt mục tiêu vượt Mỹ để trở thành thị trường du lịch hàng không có số lượng hành khách lớn nhất vào năm 2037.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.