“Tương tư thảo” tiến Vua

GD&TĐ - Người dân 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo – Hải Phòng gọi cây thuốc lào là “tương tư thảo”. Thuốc lào làng An Tử Hạ nay là thôn Nam Tử 1, xã Kiến Thiết “danh chấn thiên hạ” bởi nó chính là thương hiệu tiến vua.

Từng phên thuốc lào được phơi dưới nắng vàng.
Từng phên thuốc lào được phơi dưới nắng vàng.

Cuối 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thuốc lào Vĩnh Bảo.

Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý

Huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo là 2 địa phương có truyền thống trồng cây thuốc lào và cũng là nơi có diện tích trồng thuốc lớn nhất thành phố. Từ Bắc tới Nam, miền ngược hay miền xuôi có rất nhiều người mê vị thuốc lào. Việc trồng, chế biến, phân phối thuốc lào của người Hải Phòng được lưu truyền từ đời này qua đời khác và cứ thế tiếp diễn.

Chậm chạp véo điếu thuốc lào, trầm ngâm sau làn khói thuốc bảng lảng lúc chiều tà, cụ Hoàng Văn Tề (85 tuổi, quê xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo) tự hào: “Khói thuốc say mơ màng này đã nuôi lớn tuổi thơ của tôi.

Những ngày hè oi ả, rời cặp sách, tôi lại cùng các anh chị theo bố mẹ ra đồng bẻ thuốc. Ngày ấy không biết thưởng thức vị êm say của nó, mà chỉ biết rằng đây là loại cây đặc sản của quê hương”.

Không riêng cụ Tề, người dân quê hương Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tự hào có những thửa ruộng chân chua cao tại xã Lý Học, nơi sản xuất ra những điếu thuốc lào đậm vị.

Độ tháng 3, tháng 4 âm lịch, ghé qua mảnh đất hiếu học nơi có đền thờ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, khách thăm sẽ cảm nhận được mùi ngai ngái, thơm nồng của vị thuốc lào tươi. Phía sau đền thờ là những cánh đồng trồng thuốc lào thẳng tắp đang độ thu hoạch.

Với người nông dân, sau 5 tháng vun trồng, chăm bón thì mùa thu hoạch là mùa vui. Trên cánh đồng, rộn ràng tiếng nói cười, họ ới nhau, mời nhau đến nhà cùng rọc thuốc. Dưới ánh trăng ngày hè, từng mẻ thuốc bày ra sân, làng xóm cùng thay nhau đến giúp đỡ.

Cứ luân phiên, nay dồn công hộ nhà này, mai sang nhà khác, cánh đồng thuốc được thu hoạch gọn gàng. Với người dân quê, thuốc lào không chỉ là sản phẩm mang lại giá trị kinh tế mà nó còn gắn bó tình làng, nghĩa xóm.

Tại cánh đồng thôn Tiềm Am, xã Lý Học, bà Nguyễn Thị Hồng đang nhanh tay thu hoạch thuốc và vẽ cây thuốc giống mang về ươm trồng vụ sau. “Thuốc làng tôi là giống Ré đen. Đây là loại không năng suất nhưng chất lượng đứng đầu bảng so với các giống khác.

Thuốc đậm vị, êm say, khách hàng rất thích nên giá thành cao hơn hẳn. Nếu là một người hút thuốc lào lâu năm, chỉ cần nhìn thôi là người ta biết ngay chất thuốc. Ngoài chọn giống thì điều kiện thời tiết, đặc điểm thổ nhưỡng khiến cho cây thuốc lào ở đây phát triển rất tốt và mang hương vị rất đặc trưng”.

Bằng mắt thường quan sát, thuốc lào ngon là những nắm thuốc có màu nâu đậm. Sợi thuốc dẻo, dùng tay nắm chặt thuốc lại thì sẽ không bị bung ra sau đó. Điều quan trọng nhất, khi hút, người ta sẽ thấy êm, không bị sốc thuốc.

Thửa thuốc lào sắp được thu hoạch.

Thửa thuốc lào sắp được thu hoạch.

Để có những mẻ thuốc ưng ý từ khâu chọn giống, ươm trồng đến lúc thu hoạch đòi hỏi người nông dân phải cần cù, tỉ mỉ, một nắng hai sương.

Theo kinh nghiệm có sẵn, trước vụ thu hoạch (tháng 3, tháng 4), khi cây được khoảng 20 lá thì người nông dân cấm ngọn để thuốc tập trung dinh dưỡng vào lá. Lúc này những cây to khỏe, lá to sẽ được chọn làm giống gối vụ sau.

Những cây này không được cấm ngọn để ra hoa, mỗi cây có thể cung cấp hạt cho 3 sào ruộng. Vì thế, chỉ cần 3 cây là đủ giống cho mùa thuốc sau.

Cây giống sau khi đậu hạt già được mang về nhà treo. Khoảng tháng 11 âm lịch, khi mưa bụi phủ cánh đồng là lúc người dân mang hạt giống đi ươm. Cây thuốc lên khỏi mặt đất 2 lá, người ta lấy lá chuối tươi cuộn thành khuôn, nhồi đất. Thuốc được nuôi trong khuôn đến khi ra 3 - 4 lá là người dân mang ra đồng trồng.

Từ khi đặt thuốc xuống luống người dân thường xuyên phải tưới, chăm bón, tỉa nhánh để cây phát triển tốt. Thuốc thu hoạch về được rọc bỏ cuống, cuốn thành cuộn, ủ từ 3 - 4 ngày và đem ra thái. Thuốc phơi lên cáng, được nắng cũng phải gần tuần mới đóng gói và hoàn tất quy trình để ra những điếu thuốc ngon.

Bà Hồng cho hay, tùy theo diện tích to nhỏ mà tính thu nhập của người dân sau mỗi vụ thuốc. Nhưng với gần một mẫu ruộng nhà bà mỗi vụ cho thu nhập vào trăm triệu đồng.

Cuối năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thuốc lào Vĩnh Bảo. Đây là tin vui cho người dân quê hương Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

“Hàng độc” tiến Vua

Mùa thu hoạch thuốc lào cánh đồng xã Kiến Thiết rộn vang tiếng cười.

Mùa thu hoạch thuốc lào cánh đồng xã Kiến Thiết rộn vang tiếng cười.

Nhiều đời nay, thôn Nam Tử 1, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng nổi tiếng với sản phẩm thuốc lào tiến Vua. Giá trị từ cây thuốc mang lại cho đời sống cư dân thêm khấm khá.

Cụ Vũ Văn Tình (78 tuổi, xã Kiến Thiết) kể: Không biết từ đời nào người ta truyền nhau thương hiệu thuốc lào tiến Vua. Điều này để nói lên giá trị “độc nhất vô nhị” của cây thuốc lào làng An Tử Hạ nay là thôn Nam Tử 1, xã Kiến Thiết.

Thuốc lào thuộc loại cây thảo mộc, ra hoa, kết hạt, gieo trồng theo chu kỳ mùa vụ hàng năm. Có giả thiết, thuốc lào được du nhập từ những nước láng giềng, do những người buôn rải rác.

Thấy cây cỏ dại mọc bên đường, lá to như tai voi có mùi hắc đắng, đốt hút tạo ra mùi thơm, sảng khoái nên người dân mang về trồng. Sau nhiều người ưa dùng nên cây thuốc lào trở nên phổ biến.

Cụ Tình chia sẻ, người dân 2 huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo còn gọi cây thuốc lào là cây “tương tư thảo”, hoặc cây say như điếu đổ… Nhiều người hút thuốc không chỉ cho đỡ cơn thèm theo thói quen, mà còn là sự thưởng thức, thể hiện nét “văn hoá hút” của người Việt.

Ông Vũ Ngọc Ngưng - Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng nhận định rằng, với những sản phẩm nông nghiệp thì cây thuốc lào cho người nông dân thu nhập kinh tế cao. Thuốc lào Kiến Thiết có hương vị đặc trưng riêng và khó lẫn.

Với những người ưa dùng loại thuốc này thì khó có thể thay thế bằng thuốc lào ở nơi khác. Đó là điều đặc biệt tạo nên thương hiệu thuốc lào tiến Vua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...