Những câu hỏi được đặt ra gồm: Liệu các đợt bùng phát sẽ xảy ra vài lần trong năm, mỗi năm một lần hay vài năm một lần? Những đợt bùng phát đó có thể sẽ gây ra bao nhiêu bệnh?
Mô hình ít hỗn loạn
Các nhà dịch tễ học gọi sự tồn tại của mầm bệnh trong một cộng đồng hoặc quần thể là đặc hữu. Cách biểu hiện của tính lưu hành thay đổi tùy theo mầm bệnh. Tại Mỹ, một số virus hô hấp, như cúm và virus hợp bào còn được gọi là R.S.V., thường xuất hiện nhiều hơn vào mùa đông.
Những loại virus này thường xuyên gây ra thiệt hại cho xã hội, bao gồm khía cạnh việc làm, hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải và số ca tử vong. Ước tính, có khoảng 12 nghìn đến 52 nghìn người chết vì bệnh cúm mỗi năm ở Mỹ.
Tuy nhiên, không phải tất cả các virus đường hô hấp đều tuân theo mô hình này. Một số, chẳng hạn như rhinovirus, lưu hành quanh năm ở mức độ thấp hơn và ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người hơn.
Những loại như parainfluenza, có thể bùng phát một cách thất thường hơn hoặc trong các mùa khác. Vậy mô hình của SARS-CoV-2, loại virus gây ra Covid-19, sẽ như thế nào khi nó trở thành bệnh đặc hữu? Đồng thời, nó sẽ gây ra bao nhiêu sự gián đoạn?
“Câu trả lời ngắn gọn là: Chúng ta chưa biết. Mô hình lưu hành của bất kỳ bệnh nào cũng dễ hiểu hơn khi hồi cứu. Coronavirus ở với chúng ta chỉ khoảng hai năm. Tuy nhiên, có những dấu hiệu và yếu tố mà tất cả chúng ta có thể theo dõi.
Từ đó, hiểu được Covid-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chúng ta trong các mùa và năm tới. Những dấu hiệu đó đáng được thảo luận và đánh dấu, khi chúng ta tiến tới một xã hội hoạt động bình thường hơn”, Tiến sĩ Jeffrey Shaman - nhà nghiên cứu mô hình bệnh truyền nhiễm và dịch tễ học tại Columbia (Mỹ) cho biết.
Theo chuyên gia này, một kịch bản lạc quan là SARS-CoV-2 sẽ ổn định thành một mô hình “flulike” (tương tự cúm). Mô hình này sẽ gây ít hỗn loạn hơn. Khi đó, virus sẽ tạo ra các đợt bùng phát vào mùa đông, với tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn chúng ta đã chứng kiến vào năm 2020 và 2021.
Một kịch bản bi quan hơn là virus tiếp tục tạo ra các biến thể né tránh khả năng miễn dịch. Đồng thời, có khả năng lây nhiễm cho số lượng lớn dân số.
Mức độ của đợt bùng phát
Không ai biết liệu SARS-CoV-2 sẽ tạo ra biến thể nào tiếp theo. |
Theo ông Shaman, mặc dù rất khó để biết Coronavirus lưu hành sẽ biểu hiện như thế nào, nhưng có hai đặc điểm quan trọng cần được theo dõi trong những tháng và năm tới. Đó là tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát.
Hai yếu tố này sẽ phân định sự gián đoạn do Coronavirus gây ra trong tương lai. Tần suất bùng phát Coronavirus trong tương lai có liên quan chặt chẽ đến khả năng miễn dịch của quần thể và sự thay đổi của virus. Sức đề kháng của một quần thể đối với các biến thể đang lưu hành phụ thuộc vào tiền sử nhiễm trùng, tiêm chủng và mũi tăng cường của người dân.
Các biến thể chỉ có sự khác biệt nhỏ so với công thức vắc-xin hoặc biến thể cũ. Yếu tố đó có thể giúp virus không lây lan cho nhiều người. Tuy nhiên, một biến thể với những thay đổi cơ bản - chẳng hạn như Omicron - có thể lây nhiễm sang nhiều người bằng cách trốn tránh khả năng miễn dịch. Mùa đông năm nay, nhiều người đã được bảo vệ tốt trước Delta. Song, họ vẫn dễ bị mắc Omicron.
“Một ẩn số lớn là liệu SARS-CoV-2 có thể tiếp tục tạo ra các biến thể né tránh hệ thống miễn dịch như Delta và Omicron hay không. Nếu virus có khả năng này, các đợt bùng phát có thể xảy ra vài lần trong năm, tương tự năm 2021.
Dạng đặc hữu này có thể tồn tại trong vài năm nữa hoặc vô thời hạn”, chuyên gia nhận định. Mặt khác, nếu virus không có khả năng tạo ra các biến thể né tránh miễn dịch, các phiên bản tương lai của SARS-CoV-2 có thể ít hung hãn hơn. Khi đó, virus sẽ tạo ra ít đợt bùng phát hơn. Tần suất có lẽ sẽ là mỗi năm một lần trong mùa đông, tương tự bệnh cúm.
Tiến sĩ Shaman cho rằng, mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm khả năng nội tại của các biến thể mới. Đến nay, không phải tất cả các biến thể SARS-CoV-2 đều tạo ra mức độ bệnh giống nhau. Ví dụ, Omicron thường gây bệnh nhẹ hơn.
“Mặc dù, virus không được thúc đẩy trở nên nhẹ hơn, nhưng các yếu tố khác, như bảo vệ khỏi nhiễm trùng trước đó, tiêm chủng, mũi tăng cường và thuốc đặc trị, sẽ giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đồng thời, giảm tỷ lệ nhập viện, thời gian nằm viện và nguy cơ tử vong do Covid-19.
Ví dụ, vắc-xin mRNA đã làm giảm khả năng nhập viện và tử vong xuống khoảng 1/10 so với người không được tiêm chủng. Điều quan trọng là hiệu quả của vắc-xin tiếp tục được theo dõi. Các công thức vắc-xin cũng đang được cập nhật khi cần thiết để có thể chống lại bất kỳ biến thể nào”, Tiến sĩ Shaman cho biết.
Với tất cả những điều không chắc chắn này, chuyên gia nhận định, chúng ta không nên chủ quan. Coronavirus lây lan nhanh và dễ dàng hơn nhiều so với bệnh cúm. Vì vậy, điều quan trọng là thế giới cần phải chú ý theo dõi. Bởi, không thể chắc chắn rằng bất kỳ sự tạm lắng nào cũng có thể kéo dài.
“Chúng ta không nên cho rằng, Covid-19 cuối cùng sẽ trở thành một sự phiền toái nhẹ. Thay vào đó, hãy chuẩn bị tinh thần: Tiêm phòng và tăng cường sức khỏe. Đồng thời, lắng nghe lời khuyên về sức khỏe cộng đồng, chuẩn bị sẵn một số thiết bị xét nghiệm Covid tại nhà.
Sử dụng chúng nếu nghi nhiễm hoặc cảm thấy không khỏe và đeo khẩu trang khi cần thiết. Việc theo dõi tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát trong tương lai cũng là yếu tố vô cùng quan trọng”, Tiến sĩ Shaman cho biết.