Tương lai châu Á phụ thuộc tân Tổng thống Mỹ

GD&TĐ - Cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ sẽ định hình vai trò của nước này trên thế giới trong những năm tới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhất là ở châu Á – nơi cạnh tranh địa chính trị ngày càng căng thẳng, các quốc gia đang chờ kết quả bỏ phiếu sau 4 năm nắm quyền đầy biến động của ông Donald Trump. 

Châu Á sẽ chịu nhiều tác động quan trọng từ cuộc bầu cử của người Mỹ. Địa chính trị châu Á vốn phức tạp, nhiều thay đổi đã diễn ra trong những năm qua. Trước đây các đối tác có thể trông cậy vào Mỹ để định hình cân bằng quyền lực trong khu vực, nhưng ông Trump trong nhiệm kỳ của mình đã thay đổi chiến lược châu Á thành hàng loạt cuộc mặc cả chiến thuật song phương. 

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây đã bị bỏ rơi và làm mất đi lợi thế cạnh tranh thực sự cho ngành công nghiệp Mỹ, đặc biệt là nông nghiệp. Khi chính quyền Trump hướng sự chú ý sang chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chiến lược này đã bị ngắt quãng, có lúc tưởng như bị giải tán. 

Trong khi các mục tiêu quân sự của Mỹ trong khu vực vẫn còn nguyên vẹn, thì các công cụ kinh tế và ngoại giao đã không được sử dụng hết. Các hiệp định song phương với đòn bẩy có lợi cho Mỹ đã làm các nước ít nhiệt tình thiết lập quan hệ đối tác với Mỹ. 

Việc Mỹ rút đi sự ủng hộ với các diễn đàn khu vực đã gửi đi thông điệp quan trọng rằng Mỹ không quan tâm đến một khu vực nơi việc tạo mạng lưới và xây dựng sự đồng thuận dựa trên chủ nghĩa đa phương - trang Channel News Asia nhận định.

Theo trang này, chính sách ngoại giao của chính quyền Trump gây khó hiểu nhiều nhất khi các nhà ngoại giao và quân đội Trung Quốc thể hiện sức mạnh mới của họ. 

Trong khi đó đội ngũ ông Biden đang tạo nên các tiếp cận khác để theo đuổi lợi ích của Mỹ ở châu Á.

Đội ngũ này do cựu Thứ trưởng Ngoại giao chính quyền Obama Antony Blinken đứng đầu, và bao gồm nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại từng phục vụ trong chính quyền và sẽ được các đồng sự của họ trong khu vực công nhận.

Họ tôn trọng và tận dụng các điểm đến đa phương để có lợi cho Mỹ, đánh giá cao cách tiếp cận quyền lực của Trung Quốc và hiểu rằng đòn bẩy kinh tế cũng như quân sự phải là một phần của cách tiếp cận toàn diện.

Có thể có 4 khác biệt của đội ngũ này so với cách tiếp cận của chính quyền Trump: Ưu tiên đồng minh; tìm ra mục tiêu chung với các nước trong khu vực trong việc xây dựng mạng lưới và các thể chế cho hành động tập thể nếu cần; tăng cường hợp tác với các đối tác châu Á để giải quyết các thách thức toàn cầu liên quan đến đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu; và quan trọng nhất là chính sách về Trung Quốc. 

Sự cạnh tranh chiến lược đã trở nên căng thẳng với cuộc chiến thương mại và sự thù ghét về hệ tư tưởng kiểu lỗi thời. Phong cách của ông Biden sẽ khác, nhưng ý thức khẩn trương huy động để đáp ứng thách thức từ Trung Quốc vẫn được duy trì.

Chính sách về Trung Quốc dưới thời ông Biden sẽ là “đưa đồng minh vào cuộc”. Cố vấn Trung Quốc của ông Biden, Ely Ratner, cho rằng Mỹ sẽ phải chấp nhận rằng việc vươn lên trước thách thức Trung Quốc đòi hỏi những hy sinh và đánh đổi. 

Căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp tục cho dù kết quả bầu cử là ai. Cách hành xử của Trung Quốc khiến Mỹ ngày càng lo ngại, cũng như sự lo ngại của các nước trong khu vực. Ông Trump nếu đắc cử lần hai sẽ đẩy mạnh sự đối đầu đó, song với các bất đồng về thương mại và chia sẻ gánh nặng mà ông Trump xúc tiến, có thể ông sẽ làm giảm lòng tin của đồng minh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.