Công diễn vở tuồng hài ‘Nghêu - Sò - Ốc - Hến’

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trường Ca Kịch Viện cùng Nhà hát Tuồng Việt Nam phối hợp đưa vở tuồng hài ‘Nghêu – Sò – Ốc – Hến’ lên sân khấu.

Công diễn vở tuồng hài ‘Nghêu - Sò - Ốc - Hến’

Tuồng hài ‘Nghêu - Sò - Ốc- Hến’ đã xuất hiện trên sân khấu hàng trăm năm. Tất cả các nhân vật trong vở Tuồng đều là nạn nhân của một xã hội phong kiến suy tàn: Thầy Nghêu lợi dụng tín ngưỡng làm những điều vô lương tâm, Ốc từ cuộc sống nghèo hèn trở thành lưu manh trộm cướp.

Trùm Sò điển hình của tầng lớp địa chủ cường hào, chuyên tìm cách bóc lột sức lao động của người nông dân. Thị Hến người phụ nữ thân phận mỏng manh, bị xã hội phong kiến chèn ép cũng trở thành buôn gian, bán lận.

Vở Tuồng 'Nghêu - Sò - Ốc - Hến' đã xuất hiện từ lâu và được chuyển thể trên nhiều sân khấu.

Vở Tuồng 'Nghêu - Sò - Ốc - Hến' đã xuất hiện từ lâu và được chuyển thể trên nhiều sân khấu.

Xã trưởng, thầy Đề, quan Huyện là các tầng lớp quan lại ức hiếp dân lành, chúng không còn là “Phụ mẫu chi dân”. Vở diễn đã tái hiện lại xã hội thối nát mà thi sĩ Hồ Xuân Hương đã phải thốt lên: ‘Than ôi! Cán cân tạo hoá rơi đâu mất/Miệng túi càn khôn khép lại rồi’.

Từ xa xưa, nghệ thuật Tuồng đã là một bộ môn nghệ thuật sân khấu tổng hợp có các yếu tố văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa… Là một di sản văn hóa có bề dày lịch sử hình thành và phát triển. Tuồng đã kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ độc đáo đáng trân trọng. Tuồng thực sự là “viên ngọc quý” chứa đựng những tinh túy, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc.

Tuồng cổ mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và dân tộc. Trong đó, chất bi hùng được coi là một đặc trưng thẩm mỹ của loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Ngược lại, khi hướng đến đời sống dân gian, Tuồng rũ bỏ lớp áo kiểu cách, rườm rà, lễ nghi từ chốn cung đình. Mang theo tinh thần cởi mở, tiếp thu những hình thức trình diễn ca vũ nhạc khác trong dân gian. Tuồng dần hình thành những màu sắc mới, náo nhiệt hơn, vui tươi hơn.

Tuồng trong dân gian là một phần không thể thiếu trong các lễ hội đình chùa và đời sống tâm linh của người dân. Bởi vậy, mỗi khi đến hội đến lễ, người người nhà nhà nô nức kéo nhau đi xem Tuồng, những buổi biểu diễn Tuồng từ lâu đã đi vào ký ức và hiện diện một cách tự nhiên, gần gũi trong đời sống văn hóa của con người Việt Nam.

‘Nghêu - Sò - Ốc- Hến’ khi lên sân khấu Tuồng đã bộc lộ những đặc trưng cơ bản của nghệ thuật truyền thống. Khi kết hợp với với ca vũ kịch, vở Tuồng càng thêm ấn tượng khi bỏ đi “lớp áo” cung đình để cởi mở hơn khi tiếp cận khán giả.

Dù đã đồng hành cùng Nhà hát Tuồng trong một khoảng thời gian nhưng có lẽ đây là dịp đặc biệt nhất đối với Trường Ca Kịch Viện. Lần đầu tiên trong suốt ba năm hoạt động, dự án nghệ thuật có cơ hội trở thành một phần nhỏ sau cánh gà, phối hợp cùng các nghệ sĩ để thực hiện một chương trình hoàn thiện.

Những câu chuyện đằng sau tấm màn sân khấu hoàn toàn khác với những gì khán giả có thể thấy. Chỉ duy có một điều không thay đổi, đó là sự nhiệt tình, luôn ủng hộ và giúp đỡ những người trẻ làm văn hóa.

Tuồng hài ‘Nghêu - Sò - Ốc - Hến’ được biểu diễn tại Rạp Hồng Hà (51 Đường Thành, Cửa Đông, Hoàn Kiếm - Hà Nội) vào tối 15/1.

Tin tiêu điểm

Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Bậc thầy bonsai ở Dubai

Thế giới
GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.

Đừng bỏ lỡ