Trong 100g óc lợn có: 9g chất đạm, 9,5g chất béo (2/3 là photpholipit), lượng cholesterol: 2.500mg, 1,6g sắt, ngoài ra còn có đường, canxi, phôtpho, nước.
So với gan lợn, óc lợn có lượng đạm, đường và canxi tương đương, nhưng lượng phốt pho kém hơn, đặc biệt sắt thấp hơn 7 lần, lượng nước cao hơn (80% so với 74%).
Nồng độ cholesterol ở óc cao gấp 3 lần so với thận, gấp 5 lần so với gan và hàng chục lần so với thịt nạc. Óc lợn còn có lượng lipid cao hơn 3 lần so với gan lợn.
Nhiều bà mẹ bắt con mỗi ngày ăn 1 bộ óc lợn với hi vọng sẽ giúp con thông minh hơn là không có cơ sở khoa học bởi óc lợn cũng như tất cả các thực phẩm khác, sau khi qua hệ thống tiêu hóa đều được biến đổi thành những thành phần dinh dưỡng nhỏ nhất để hấp thu.
BS Ngô Thị Phi Yến (Trung tâm Dinh dưỡng) cũng cho rằng khác với suy nghĩ của nhiều người, óc heo không hẳn tốt cho trí não tăng cường sự thông minh của trẻ mà ngược lại còn có thể gây hại, nếu trẻ ăn quá nhiều và thường xuyên.
Vì chứa ít chất sắt nên nếu trẻ chỉ ăn đơn thuần trong thời gian dài sẽ dễ bị thiếu máu, thiếu sắt. Tương tự, óc heo không có chứa vitamin A nên nếu không kết hợp với thực phẩm khác thì trẻ rất dễ bị nhiễm trùng và chậm tăng trưởng...
Lưu ý khi sử dụng óc heo
Óc động vật nói riêng và các bộ phận nội tạng của động vật nói chung dễ bị nhiễm bẩn, là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật: vi khuẩn, virus, ký sinh trùng... phát triển trong quá trình giết mổ, vận chuyển, lưu thông và chế biến không đảm bảo điều kiện vệ sinh.
Đặc biệt, các loại óc động vật không rõ nguồn gốc tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm vi khuẩn, virus, ký sinh trùng (giun, sán) lây bệnh sang người.
Do đó khi lựa chọn cho trẻ, các bà mẹ phải đảm bảo nguồn gốc của não động vật, lựa chọn não còn tươi, không có vết nứt, óc không bị chảy ra ngoài, màu còn đỏ hồng, không có mùi hôi và sờ vào não còn tính đàn hồi, hợp vệ sinh thì chọn mua. Và nên kết hợp óc heo vào các thực phẩm khác như đậu Hà Lan, rau ngót, nấu súp, cháo...
Theo BS Tường Vi: “Khi chế biến, cần làm sạch óc heo để óc không bị tanh bằng cách bóc bỏ màng gân máu, rửa sạch lại óc rồi chế biến. Khi nấu nên kết hợp với những gia vị mạnh như củ gừng, lá gừng, rau răm để khử hết mùi tanh còn sót lại của óc”.
Bác sĩ cho biết thêm, khi nấu không nên cho nhiều nước, tốt nhất là chưng cách thủy hoặc hấp trong nồi cơm, vì nếu nấu nhiều nước và nấu chín kỹ thì sẽ làm giảm một lượng lớn phospholipid có trong óc.
Cho trẻ ăn như thế nào là đúng cách?
- Nhu cầu cholesterol hàng ngày của cơ thể trẻ chỉ cần dưới 300 mg. Nếu ăn 100g óc lợn thì lượng cholesterol đã cao gấp 8 lần nhu cầu hàng ngày, nếu cho trẻ ăn quá nhiều thì sẽ có hại.
- Bạn nên cho trẻ ăn các món chế biến từ óc lợn để thực phẩm dành cho bé thêm đa dạng, cũng như các chất dinh dưỡng nhưng chỉ nên cho trẻ ăn vừa phải, mỗi tuần ăn từ 1 - 2 lần, mỗi lần từ 30 - 50g/bữa, không cho trẻ ăn liên tục, cũng không quá nhiều một lần ăn.
- Khi cho bé ăn các món từ óc lợn, bạn bổ sung thêm một chút đạm như thịt, đậu phụ, trứng… cho bữa ăn đó. Đồng thời phải giảm lượng dầu mỡ, quá nhiều chất béo bé sẽ bị rối loạn tiêu hóa.
- Cho bé ăn các món từ óc lợn nhưng bạn phải kết hợp với việc cho trẻ chế độ ăn uống đầy đủ, hợp lý, cân bằng các chất dinh dưỡng như: chất đạm, chất đường, chất béo, các vitamin, khoáng chất và đa dạng các loại thực phẩm.
- Bạn có thể chế biến các món óc đa dạng cho bé như: Óc lợn hầm, nấu cháo óc đậu Hà Lan, óc hấp lá ngải, hấp trứng và đậu phụ, hấp lá răm, hấp gừng, nấu súp với cua, óc chiên giòn…
- Khi chế biến, bạn cần làm sạch óc lợn để óc không bị tanh. Nguyên nhân chính của mùi tanh là màng gân máu bao quanh. Chỉ cần bóc bỏ màng này và sử dụng một số loại gia vị mạnh là có thể khử được hầu hết mùi tanh.
Cách bóc màng gân máu: Đặt bộ óc lợn trong lòng bàn tay, tay kia dùng một chiếc tăm đầu nhọn, lách đầu tăm vào màng máu, cuốn theo một chiều để bóc ra. Cứ làm thế cho đến hết.
Sau khi bóc màng gân máu, rửa sạch lại óc rồi chế biến. Khi nấu mẹ nên kết hợp với những gia vị mạnh như củ gừng, lá gừng, rau răm để khử hết mùi tanh còn sót lại của óc.