Tuổi thọ con người sắp chạm đến giới hạn

GD&TĐ - Con người sẽ đạt giới hạn tuổi thọ trung bình là 87, theo nghiên cứu mới đây.

Tuổi thọ trung bình của con người sẽ đạt 87 tuổi.
Tuổi thọ trung bình của con người sẽ đạt 87 tuổi.

Dù các nhà khoa học tìm cách “chống lại” điều này, song việc làm chậm quá trình lão hóa là bất khả thi.

Lão hóa sinh học

Theo nghiên cứu về tuổi thọ từ năm 1990 - 2019 của GS Jay Olshansky, Đại học Illionois (Mỹ), công bố trên tạp chí Nature Aging, tốc độ tăng tuổi thọ sẽ dừng lại ở con số 87.

Trong 30 năm qua, tốc độ tăng tuổi thọ, vốn bùng nổ trong thế kỷ 20, đã giảm sút rõ rệt. Nghiên cứu thu thập số liệu từ 8 quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới như Australia, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ…

Nghiên cứu mới tiếp nối giai đoạn trước năm 1990, khi GS Olshansky cho thấy, tuổi thọ trung bình toàn cầu là khoảng 72. Từ thời điểm đó, ông đã cảnh báo thế giới đang tiến gần đến điểm kết thúc của “sự trường thọ”.

Y học hiện đại chỉ có thể kéo dài tuổi thọ con người đến một mức giới hạn trước khi nhân loại bước vào quá trình lão hóa. Nghiên cứu mới nhất của ông đã cung cấp bằng chứng rõ ràng hơn để củng cố nhận định này.

Khoảng 100 năm trước, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 50. Đến năm 1990, con số này đã tăng lên khoảng 70. Tại các quốc gia giàu có, thậm chí đạt tới giữa 80 tuổi. Sự thay đổi nhanh chóng này được các nhà nghiên cứu gọi là “cuộc cách mạng trường thọ”.

Những tiến bộ y tế, đặc biệt trong việc ngăn ngừa tử vong ở trẻ sơ sinh và phụ nữ khi sinh nở, đã thúc đẩy gia tăng tuổi thọ đáng kể. Kể từ cuối thế kỷ 20, trọng tâm của ngành y tế đã chuyển sang đối phó với các bệnh lý liên quan đến tuổi già như bệnh tim, ung thư, đột quỵ và Alzheimer. Nhờ những tiến bộ không ngừng trong điều trị và phòng ngừa, ngày nay nhiều người có thể sống sót sau những căn bệnh từng được coi là án tử.

Nghiên cứu mới đã phân tích dữ liệu về tuổi thọ trung bình giai đoạn năm 1990 - 2019. Mốc thời gian kết thúc vào năm 2019 được lựa chọn có chủ đích nhằm loại bỏ các tác động bất thường do đại dịch Covid-19 gây ra. Tại một số quốc gia giàu có, tuổi thọ trung bình đã vượt ngưỡng 85, cụ thể là khoảng 88 đối với nữ giới và 82 đối với nam giới.

Tuy nhiên, nghiên cứu dự đoán rằng tuổi thọ trung bình tối đa sẽ dừng lại ở khoảng 87, trong đó nam giới đạt khoảng 84 và nữ giới có thể chạm mốc 90. Một số quốc gia đã gần đạt tới giới hạn này. Sau đó, tốc độ tăng trưởng tuổi thọ được cho là sẽ ngừng lại.

Trọng tâm của nghiên cứu là khái niệm “entropy của sự sống”, thuật ngữ dùng để mô tả giới hạn sinh học của tuổi thọ con người. Nói cách khác, dù những tiến bộ y học giúp chúng ta sống lâu hơn, nhưng khi con người đạt đến các mốc tuổi ngày càng cao như 70, 80, 90 hay 100, thì một rào cản mới lại xuất hiện. Đó là quá trình lão hóa sinh học.

“Khi con người sống đến những độ tuổi rất cao, họ sẽ phải đối mặt với lực cản không thể tránh khỏi của lão hóa. Đó là sự suy giảm dần dần tế bào, mô, cơ quan và các hệ thống sinh học. Do đó, tốc độ gia tăng tuổi thọ cuối cùng sẽ chậm lại, trừ khi chúng ta có thể can thiệp trực tiếp vào tiến trình lão hóa”, GS Olshansky nói.

Nghiên cứu cũng đưa ra các phát hiện riêng biệt theo từng quốc gia. Một kết quả đáng chú ý là Hồng Kông, Trung Quốc, đang chứng kiến mức tăng tuổi thọ vượt trội so với phần lớn các quốc gia khác, dù nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được làm rõ. Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (năm 2022), tuổi thọ trung bình của người dân Hồng Kông đạt 84, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu là 72 tuổi.

Tại Hồng Kông, sự gia tăng đáng kể về tuổi thọ được cho là kết quả của tăng trưởng kinh tế bền vững và các chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả, đặc biệt là lệnh cấm hút thuốc được triển khai trong giai đoạn từ năm 1990 - 2000.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tại tất cả quốc gia tốc độ cải thiện tuổi thọ trong thập kỷ gần đây nhất đã chậm lại so với giai đoạn cuối thế kỷ 20. Đây là một xu hướng chung được ghi nhận trong toàn bộ nhóm quốc gia được phân tích.

tuoi-tho-con-nguoi-sap-cham-den-gioi-han-2.jpg
Lão hóa là quá trình tự nhiên của con người.

Chống lại lão hóa

Trong số 10 quốc gia được nghiên cứu, Mỹ là nước có tốc độ tăng trưởng tuổi thọ thấp nhất. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới năm 2022, tuổi thọ trung bình tại Mỹ là 77, thấp hơn nhiều so với các quốc gia phát triển khác.

Olshansky cho rằng, sự chững lại trong cải thiện tuổi thọ tại Mỹ phần lớn là do hệ thống chăm sóc sức khỏe thiếu tính bao phủ toàn dân. Khác với nhiều quốc gia phát triển nơi dịch vụ y tế được nhà nước tài trợ thông qua thuế và mọi người dân đều có quyền tiếp cận, Mỹ vận hành một hệ thống y tế dựa trên bảo hiểm. Điều này dẫn đến sự phân hóa rõ rệt giữa những người có điều kiện sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao và những người không đủ khả năng tiếp cận.

Ông nhận định: “Một bộ phận dân số giàu có, có trình độ học vấn cao, họ có thể tiếp cận bác sĩ, sử dụng thuốc đúng lúc và chăm sóc sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, bên cạnh đó là một nhóm dân cư lớn hơn nhiều, những người có trình độ học vấn thấp hơn, ít khả năng tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, dẫn đến mức tuổi thọ trung bình của toàn quốc bị kéo xuống”.

Những thành tựu trong công nghệ y học cho phép tuổi thọ tiếp tục tăng, song vẫn tồn tại giới hạn do lão hóa tự nhiên. Để vượt qua giới hạn này và tiếp tục thúc đẩy “cuộc cách mạng trường thọ”, bước tiếp theo cần thiết là làm chậm quá trình lão hóa. Vì thế, khoa học lão khoa bắt đầu phát triển mạnh.

Khoa học lão khoa là ngành chuyên nghiên cứu về các cơ chế sinh học của quá trình lão hóa, nói cách khác là tìm hiểu điều gì khiến cơ thể chúng ta già đi. Một hướng tiếp cận quan trọng là nghiên cứu những người sống thọ và khỏe mạnh, đặc biệt là những người sống tới 100 và nhóm sống siêu thọ (trên 110 tuổi). Các nhà khoa học hy vọng sẽ khám phá được các yếu tố sinh học hoặc môi trường giúp kéo dài tuổi thọ ở những cá nhân này.

Olshansky nhận định: “Có khả năng những người này mang các gen đặc biệt, giúp sản sinh ra các loại protein có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi những mối đe dọa thường khiến phần lớn chúng ta tử vong ở tuổi trẻ hơn”.

Bất chấp những nỗ lực này, nhiều chuyên gia khoa học đồng tình rằng, việc làm chậm quá trình lão hóa là hành động bất khả thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ