Những loài vật sống lâu nhất

GD&TĐ - Khi nói đến tuổi thọ, đời sống của con người chỉ là cái chớp mắt so với một số loài vật.

Rùa Aldabra.
Rùa Aldabra.

Chúng đã tiến hóa với các gen có tác dụng ngăn chặn quá trình lão hóa, chống lại các bệnh liên quan đến thời gian như ung thư và các rối loạn thoái hóa thần kinh, kéo dài cuộc sống đến hàng trăm năm.

Rùa Aldabra (100 – 200 năm)

Có nguồn gốc từ đảo Aldabra ở Seychelles, Aldabra là loài rùa lớn nhất và lâu đời nhất trên Trái đất. Con đực có thể nặng tới 250kg. Một con Aldabra ở sở thú Kolkata, Ấn Độ được cho là 255 tuổi khi chết vào năm 2006.

Các nhà khoa học từng cho rằng, rùa Aldabra có tuổi thọ cao là do quá trình trao đổi chất rất chậm của chúng. Nhưng giờ đây, họ nhận thấy di truyền và sinh học cũng góp phần vào điều này.

Rùa Aldabra có rất ít hoặc không có kẻ thù săn mồi trong tự nhiên. Do không bị đe dọa tính mạng nên chúng đã tiến hóa khác với hầu hết các loài. Chúng không bao giờ ngừng phát triển, ngừng sinh sản, điều đó có nghĩa là chúng không già đi. Con sống lâu nhất ghi nhận được hiện nay là Jonathan ở Seychelles. Nó sinh năm 1832 và tròn 192 tuổi vào năm 2024.

Cá voi đầu cong (trên 200 năm)

nhung-loai-vat-song-lau-nhat-2.jpg
Cá voi đầu cong.

Cá voi đầu cong sinh sống ở vùng biển Bắc Cực lạnh giá, có đầu nhọn được thiết kế hoàn hảo để xuyên qua lớp băng dày. Chúng dài khoảng 20m và nặng tới 100 tấn, có miệng rất lớn, chỉ riêng lưỡi của nó đã nặng hơn một tấn.

Làm thế nào loài động vật có vú khổng lồ này sống trong hơn hai thế kỷ? Các nhà sinh vật học biển cho biết, họ chưa hề tìm thấy khối u ác tính trên cá voi đầu cong, chúng dường như miễn nhiễm với ung thư. Khi kiểm tra bộ gen, các nhà khoa học phát hiện chúng đặc biệt giỏi trong việc sửa chữa DNA mà không bị lỗi hoặc đột biến, do đó tránh được ung thư và các bệnh liên quan đến lão hóa khác.

Cá mập Greenland (trên 400 năm)

nhung-loai-vat-song-lau-nhat-3.jpg
Cá mập Greenland.

Loài này dành toàn bộ cuộc đời ở vùng nước sâu, Bắc Cực, có thể dài hơn 6 mét, bơi lội cực kỳ chậm và phát triển chưa đến 1 cm mỗi năm.

Người ta có thể tính tuổi của các loài cá mập bằng cách đếm các dải tăng trưởng trên đốt sống của chúng (giống như các vòng cây). Nhưng cá mập Greenland không có mô cứng trong toàn bộ cơ thể.

Mãi đến năm 2016, với phương pháp xác định niên đại bằng carbon, các nhà khoa học mới ước tính những con cá mập Greenland già nhất có thể sống tới 400 năm. Chúng thậm chí không đạt đến độ tuổi trưởng thành về mặt sinh dục cho đến sinh nhật lần thứ 150 của mình.

Giống như các loài sống lâu khác, bí quyết trường thọ của cá mập Greenland có thể nằm ở khả năng chống ung thư của chúng, với bộ gen chứa nhiều bản sao đóng vai trò trong việc sửa chữa DNA và ức chế khối u.

Ngao đại dương (trên 500 năm)

nhung-loai-vat-song-lau-nhat-1.png
Ngao đại dương.

Ngao đại dương (Ocean Quahog) có nguồn gốc từ Bắc Đại Tây Dương, nơi ngư dân chỉ đánh bắt những con trưởng thành - ít nhất 60 năm tuổi trở lên. Năm 2006, một đoàn thám hiểm từ Đại học Bangor ở Xứ Wales đã tìm thấy một con ngao biển đặc biệt lớn ngoài khơi bờ biển Iceland. Sử dụng một kính hiển vi mạnh, họ đã đếm các vòng trên vỏ của nó, mỗi vòng tương ứng với một năm tuổi thọ. Thật đáng ngạc nhiên, con ngao này đã 507 tuổi!

Loài ngao đại dương này sống lâu như vậy là vì chúng hoạt động rất ít. Là loài ăn lọc, chúng dành cả ngày để thụ động hấp thụ nước biển và lọc chất dinh dưỡng. Giống như rùa khổng lồ, ngao đại dương không già đi.

Bọt biển thủy tinh (11.000 năm)

nhung-loai-vat-song-lau-nhat-2.png
Bọt biển thủy tinh.

Bọt biển là loài ăn lọc, bài tiết ra bộ xương ngoài phức tạp làm bằng khoáng chất hấp thụ từ nước biển. Bọt biển thủy tinh - tạo nên những cấu trúc xương mỏng manh giống như thủy tinh làm từ silica nguyên chất - lần đầu tiên tiến hóa cách đây 650 triệu năm, trước cả khủng long. Các nhà khoa học cho rằng, bọt biển thủy tinh đã tuyệt chủng từ lâu, cho đến khi chúng được tìm thấy ở đáy đại dương tại Canada vào năm 1987.

Tuy nhiên, đến năm 2012, một nhóm các nhà khoa học mới có thể ước tính tuổi của những miếng bọt biển lưới tuyệt đẹp này. Bằng cách nghiên cứu thành phần của các lớp silica trên chúng và so sánh với dữ liệu nhiệt độ đại dương trong lịch sử, các nhà khoa học đã tính toán được miếng bọt biển thủy tinh này có tuổi đời khoảng 11.000 năm (với biên độ sai số là ± 3.000 năm).

Theo History

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...