Từng bước gỡ khó nhân lực tư vấn học sinh trong nhà trường

GD&TĐ - Tư vấn học sinh ngày càng có vai trò quan trọng trong nhà trường. 

Tư vấn học sinh tại Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Tư vấn học sinh tại Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, chất lượng công tác này chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của học sinh; hoạt động tư vấn trong các nhà trường còn nhiều vấn đề đặt ra. Sự ra đời của Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, quy định tư vấn học sinh là vị trí việc làm mới được hy vọng dần tháo gỡ khó khăn trong công tác này.

Khó khăn cần tháo gỡ

Khẳng định công tác tư vấn học sinh, trong đó có tư vấn về tâm lý đặc biệt quan trọng, thầy Huỳnh Văn Mến - Hiệu trưởng Trường THPT Lấp Vò (Đồng Tháp) cho rằng: Độ tuổi học sinh trung học là giai đoạn có nhiều biến đổi về thể chất, sinh lý và các trạng thái tâm lý.

Trong giai đoạn này, các em đối mặt với không ít vấn đề trong học tập, cuộc sống, sự hiểu biết về cơ thể, các mối quan hệ bạn bè, quan hệ khác giới, tình bạn, tình yêu, các thành viên trong gia đình và cả vấn đề trong xã hội… cần được tư vấn, tháo gỡ.

Dù vấn đề này được Bộ GD&ĐT quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, nhưng theo thầy Huỳnh Văn Mến, đây vẫn là công tác các nhà trường còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, trường không tuyển dụng được người vào vị trí việc làm tư vấn học sinh.

Phụ trách tư vấn tâm lý là kiêm nhiệm, trong đó có người không được bồi dưỡng. Giáo viên kiêm nhiệm đã thiếu chuyên môn, lại không toàn tâm cho công tác tư vấn nên hiệu quả không cao, dẫn đến thiếu niềm tin trong học sinh.

Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác tư vấn chưa đáp ứng, nơi tư vấn không tạo cảm giác dễ chịu, an toàn thông tin cho học sinh nên thiếu thu hút các em. Bên cạnh đó, học sinh, phụ huynh chưa quen với mô hình tư vấn tại trường nên không chủ động tìm tư vấn viên để được hỗ trợ...

Cùng quan điểm với thầy Huỳnh Văn Mến về tầm quan trọng ngày càng lớn của công tác tư vấn học sinh, cô Phạm Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Từ Sơn (Bắc Ninh) cho rằng: Việc tư vấn giúp học sinh có một điểm tựa để giải quyết những khó khăn cá nhân, giảm bớt căng thẳng và áp lực, đồng thời phát triển kỹ năng sống, tư duy tích cực. Đây là phần không thể thiếu trong môi trường học đường nhằm tạo không gian an toàn, thân thiện, giúp học sinh tự tin phát triển toàn diện.

Cô Phạm Thị Thu Cúc thông tin, hiện nhiều trường triển khai các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh qua các hình thức như: Có đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện tư vấn trực tiếp cho học sinh; tổ chức các buổi học hoặc hội thảo về kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường, kỹ năng giao tiếp và bảo vệ sức khỏe tinh thần…; có hộp thư góp ý để học sinh tự tin hơn khi chia sẻ vấn đề của mình. Về khó khăn trong công tác này thường liên quan đến nhân lực thiếu hoặc chưa đủ chuyên môn; học sinh e ngại, chưa sẵn sàng chia sẻ; hạn chế về thời gian…

“Thầy cô làm công tác tư vấn thông thường là giáo viên kiêm nhiệm nên thiếu sự chuyên nghiệp cần thiết. Nhiều học sinh ngại ngùng, hoặc cảm thấy không thoải mái khi mở lòng về các vấn đề cá nhân. Lịch dạy - học của giáo viên, học sinh khá dày đặc, gây khó khăn trong việc tổ chức các buổi tư vấn chuyên sâu.

Như vậy có thể thấy, dù tư vấn trong nhà trường rất cần thiết để hỗ trợ các em phát triển toàn diện, tuy nhiên còn nhiều thử thách cần khắc phục, đặc biệt là vấn đề nhân lực và tạo môi trường để học sinh sẵn lòng chia sẻ”, cô Phạm Thị Thu Cúc cho hay.

tung-buoc-go-kho7.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Hành lang pháp lý giải quyết khó khăn

Ngày 30/10/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, trong đó tư vấn học sinh là vị trí việc làm mới, được quy định tại nhóm vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, do Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Mỗi trường tiểu học, THCS, THPT được bố trí 1 người làm công tác này. Trường hợp không bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc giáo viên kiêm nhiệm.

Theo thầy Huỳnh Văn Mến, Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn về nhân lực tư vấn học sinh trong nhà trường. Đây là cơ sở để nhà trường đề xuất cấp có thẩm quyên tổ chức tuyển dụng. Khi chưa có nhân sự, việc phân công kiêm nhiệm có quy định số tiết rõ ràng để tính chế độ; có cơ chế đưa giáo viên tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về tư vấn tâm lý học sinh…

Trong điều kiện hạn chế nguồn lực, thời gian qua Trường THPT Lấp Vò đã thành lập tổ tư vấn tâm lý học sinh bao gồm giáo viên được bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn tâm lý làm tổ trưởng; các thầy cô có uy tín, kinh nghiệm trong công tác giáo dục, cán bộ đoàn hội là tổ viên. Trường đa dạng hóa hình thức tư vấn, thông qua nhiều kênh; tư vấn theo chủ đề, chủ điểm; phối hợp với các trung tâm tư vấn tâm lý để tư vấn tập trung, gián tiếp qua mạng xã hội (Zalo, Facebook…).

“Nhà trường tiếp tục đề xuất với sở GD&ĐT có kế hoạch tuyển dụng viên chức để bảo đảm vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường học; chủ động tìm nhân sự phù hợp để giới thiệu hợp đồng hoặc tuyển dụng khi có kế hoạch của sở GD&ĐT.

Để nâng cao hiệu quả công tác tư vấn học sinh, nhà trường cũng đề xuất Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT cho cơ chế mở rộng tiêu chuẩn chuyên môn là các ngành khoa học xã và nhân văn nếu đáp ứng được yêu cầu đối với vị trí tư vấn tâm lý (có chứng chỉ bồi dưỡng tư vấn tâm lý học đường); thường xuyên tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức kỹ năng tư vấn cho tư vấn viên, nhất là giáo viên kiêm nhiệm”, thầy Huỳnh Văn Mến chia sẻ.

Ông Võ Văn Bé Hai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre nhận định Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT sẽ giúp các trường có nguồn nhân lực chuyên cho hoạt động tư vấn học sinh; từ đó nâng cao hiệu quả công tác tư vấn.

Để bảo đảm vị trí việc làm tư vấn học sinh trong trường học, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre, cần đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ đối với viên chức chuyên trách về công tác tư vấn học sinh từ kiến thức đến kỹ năng. Không nên bố trí giáo viên kiêm nhiệm mà cần có biên chế cho vị trí việc làm này.

Khi có vị trí việc làm cho công tác tư vấn thì hiệu quả sẽ tốt hơn do thầy cô được đào tạo chuyên sâu. Nhà trường sẽ cân đối nguồn lực cụ thể để huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên phù hợp với công tác tư vấn thực hiện nhiệm vụ.

Mong rằng, quy định nhà trường có 1 biên chế vị trí việc làm về tư vấn học sinh sẽ sớm thực hiện. Nếu không bố trí được biên chế thì hợp đồng lao động hoặc bố trí giáo viên kiêm nhiệm và có cơ chế cụ thể rõ ràng cho giáo viên kiêm nhiệm. - Cô Nguyễn Thị Ngà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.