Vị trí việc làm với nhân viên tư vấn học sinh: Cần thiết nhưng phải hợp lý

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn chức danh, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh.

Cán bộ tham vấn học đường tại Trường Tiểu học Times School (Hà Nội) trò chuyện cùng học sinh. Ảnh: TG
Cán bộ tham vấn học đường tại Trường Tiểu học Times School (Hà Nội) trò chuyện cùng học sinh. Ảnh: TG

Nghiên cứu dự thảo, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, Bộ GD&ĐT nên đề xuất vị trí việc làm đối với nhân viên tư vấn tâm lý học đường. Đội ngũ này sẽ có đủ năng lực để thực hiện công việc mà giáo viên thông thường không thể xử lý.

Phân biệt rõ khái niệm

- Bà đánh giá ra sao về nội dung dự thảo của Bộ GD&ĐT về vị trí việc làm viên chức tư vấn học sinh?

- Theo dự thảo, viên chức làm nhiệm vụ tư vấn học sinh trong trường học có nhiệm vụ chính như: Tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tư vấn học sinh của nhà trường; báo cáo định kỳ, thường xuyên theo quy định; quản lý, theo dõi hệ thống hồ sơ, sổ sách liên quan đến công tác tư vấn học sinh.

Lực lượng này cũng thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh khi gặp vấn đề khó khăn, có thể ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất; chủ trì phối hợp với giáo viên, nhân viên trong nhà trường, tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường đánh giá, rà soát phòng ngừa và thực hiện các hoạt động tư vấn học sinh (tư vấn cá nhân, nhóm, tập thể) dưới nhiều hình thức.

Người làm công tác tư vấn học sinh trong trường học phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc một trong các ngành: Tâm lý học, công tác xã hội, xã hội học, đào tạo giáo viên theo chuyên ngành tương ứng với cấp học được tuyển dụng. Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định. Đây là những điều cần thiết và phù hợp thực tế.

Tuy nhiên, chúng ta không nên “hành chính hóa” vị trí này mà cần thực sự coi họ là những người có chuyên môn về hỗ trợ tâm lý học sinh trong nhà trường.

- Theo bà, vị trí nhân viên tư vấn học sinh cần đáp ứng những yêu cầu gì để phù hợp thực tiễn?

- Việc bổ sung vị trí việc làm cho nhân viên tư vấn học sinh rất cần thiết tại các nhà trường. Tuy nhiên, theo tôi nên đặt tên cho vị trí này là “Tư vấn tâm lý học đường”. Bởi lẽ tư vấn học sinh gồm nhiều việc như tư vấn học tập, hướng nghiệp, tâm lý học đường… mà mỗi giáo viên phải có năng lực tư vấn cho học sinh ở cấp học tương ứng. Còn tư vấn tâm lý học đường cần có kiến thức chuyên sâu về tâm lý học ứng dụng đối với học sinh.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền.

Vai trò quan trọng

- Theo bà vai trò công tác tư vấn tâm lý học đường thể hiện ở những khía cạnh nào?

- Tư vấn tâm lý học đường là hình thức hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, nhờ đó trẻ có đủ khả năng tự giải quyết các vấn đề học tập, thi cử cùng mối quan hệ xã hội. Đó là quá trình tư vấn về tâm lý, đặc biệt là những em có vấn đề liên quan như stress, rối loạn thần kinh, lo âu, trầm cảm…

Do vậy, công tác tư vấn tâm lý học đường đóng vai trò quan trọng cùng với giáo dục và định hướng học sinh. Tư vấn tâm lý học đường góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tâm lý trong quá trình học tập và vấn đề khác trong cuộc sống để học sinh cảm thấy thoải mái, dễ chịu, giảm căng thẳng, mệt mỏi giúp việc học tập hiệu quả hơn, cuộc sống cũng được cân bằng, có động lực để phấn đấu và phát triển bản thân.

Đồng thời, tư vấn tâm lý học đường giúp cha mẹ, thầy cô hiểu được suy nghĩ của trẻ để có định hướng đúng đắn; hoặc có thể can thiệp kịp thời những vấn đề khó khăn trẻ đang mắc phải; xử lý được nguy cơ tiềm ẩn có thể khởi phát như bỏ học, đánh nhau, tự hủy hoại bản thân hoặc sa ngã vào tệ nạn xã hội. Từ đó giúp học sinh cải thiện tốt mối quan hệ giữa học trò với thầy cô, bạn bè, con cái với cha mẹ; tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện, hòa đồng cho các em.

- Dưới góc độ chuyên gia, bà đề xuất gì để công tác tư vấn cho học sinh ở trường học đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp thực tiễn?

- Theo dự thảo thông tư Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến, tôi thấy vị trí việc làm “tư vấn học sinh” còn chung chung. Nên chăng, chúng ta cần bổ sung vị trí việc làm với nhân viên tư vấn tâm lý học đường ở các nhà trường. Bởi đa số thầy cô chỉ được đào tạo về sư phạm là chính, còn để tư vấn tâm lý chuyên sâu thì chưa đủ khả năng.

Theo tôi, vị trí nên đưa vào các nhà trường chính là “nhân viên tư vấn tâm lý học đường” để làm rõ chức năng, nhiệm vụ đội ngũ ngày mà không làm mất đi vai trò tư vấn của giáo viên. Đội ngũ tư vấn tâm lý học đường phải được đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu và có chuyên môn về tâm lý học đường. Ở nhiều trường ngoài công lập hiện nay có phòng tư vấn tâm lý học đường. Nhân viên gặp riêng để trò chuyện, khai vấn, gợi mở cho học sinh để có định hướng, biện pháp hỗ trợ tương ứng sao cho hiệu quả nhất.

Giáo viên thông thường chỉ có thể làm tốt việc tư vấn học tập hoặc tâm lý cho học sinh ở các tình huống phổ biến. Trường hợp cần tư vấn tâm lý chuyên sâu, hoặc phát hiện vấn đề về tâm lý như trầm cảm hay bệnh lý khác thì cần nhân viên tư vấn tâm lý học đường. Nhân viên tư vấn tâm lý có nhiệm vụ theo dõi chuyên sâu và những giải pháp tư vấn phù hợp từng trường hợp cụ thể.

Từ thực tế đó, tôi cho rằng Bộ GD&ĐT chỉ nên đề xuất vị trí việc làm đối với nhân viên tư vấn tâm lý học đường. Đội ngũ này sẽ có đủ chuyên môn về tâm lý học đường và kỹ năng hỗ trợ tâm lý học sinh trong nhà trường mà giáo viên thông thường không thể xử lý.

- Xin cảm ơn bà!

Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập được ban hành là căn cứ để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tư vấn học sinh trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập, khắc phục tình trạng không có biên chế tuyển dụng như hiện nay.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm rà soát đề án vị trí việc làm, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Làm cv online hiệu quảTrang web làm cv online miễn phí