Từng bước đẩy lùi định kiến giới

GD&TĐ - Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang có những bước tiến mạnh mẽ trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới. Song, vấn đề này vẫn đang còn tồn tại nhiều thách thức, bất cập.

Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

Quá trình tiến tới bình đẳng giới vẫn chậm

- Việt Nam đã có những chính sách, luật nhằm tiến tới bình đẳng giới. Song, một số ý kiến cho rằng, quá trình tiến tới bình đẳng giới vẫn còn khá chậm. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Việt Nam đã thực thi nhiều chính sách và luật để thúc đẩy bình đẳng giới. Đồng thời, đã có nhiều thành tựu trong mảng công tác này. Theo báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu năm 2022 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố vào tháng 7/2022, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam là 83/146 quốc gia. Con số này tăng 4 bậc so với năm 2021 (năm 2021 Việt Nam xếp thứ 87/144 quốc gia).

Trong đó, các chỉ số về trao quyền cho phụ nữ, lĩnh vực sức khỏe và giáo dục có những bước tiến bộ rõ rệt. Kinh phí cho công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, bố trí và lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia, từng bước đảm bảo nguồn lực cho việc triển khai các nhiệm vụ của lĩnh vực bình đẳng giới.

Tuy nhiên, ở một số lĩnh vực, quá trình tiến tới bình đẳng giới vẫn còn khá chậm, điển hình như sự tham gia của nữ giới vào lĩnh vực chính trị - hành chính. Nam giới vẫn đang nắm đa số các vị trí lãnh đạo chủ chốt, cấp trưởng.

Tỷ lệ nữ giới theo học các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ (STEM) khá thấp so với nam giới. Chất lượng giáo dục với trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái vẫn luôn là thách thức.

Những niềm tin văn hóa về ưa thích sinh con trai, gán nhãn nữ giới là người duy nhất phải chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình (người bệnh) và đảm bảo quyền lợi cho các thành viên khác vẫn tồn tại khá phổ biến, thậm chí ở các thành phố lớn. Nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại tuyển lao động nữ vì các quy định về ưu đãi lao động, nghỉ thai sản, chăm sóc trẻ em.

- Theo ông, sự bất bình đẳng giới thể hiện rõ nhất qua những lĩnh vực nào?

- Tôi muốn nói thêm về bất bình đẳng trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý. Ví dụ, Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035”.

Dù có tính bảo vệ phụ nữ, nhưng vẫn có sự chênh lệch về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ đến năm 2035 là 2 năm. Như vậy, nữ giới sẽ bị mất 2 năm cơ hội để phấn đấu vào các vị trí quản lý, đặc biệt là lãnh đạo quản lý cấp cao.

Chúng ta cũng có quy định về chỉ tiêu cấp ủy nữ tối thiểu đạt 15%. Song, chỉ tiêu quy hoạch cấp ủy nữ hiện hành còn thiếu tính khoa học. Bởi, muốn đạt tối thiểu 15% nữ cấp ủy thì quy định về chỉ tiêu quy hoạch cấp ủy nữ phải cao hơn con số 15%.

“Định hình” trong suy nghĩ nhiều thế hệ

PGS.TS Trần Thành Nam.

PGS.TS Trần Thành Nam.

- Nhiều quan niệm bất bình đẳng giới đã “ăn mòn” vào suy nghĩ của các thế hệ. Cần có những biện pháp thế nào để bảo vệ phụ nữ, đặc biệt là trẻ em nhằm tiến tới bình đẳng?

- Nhiều niềm tin mang tính định kiến giới vẫn tồn tại dai dẳng, như công việc chính của phụ nữ chỉ là sinh đẻ và nấu ăn. Vì vậy, các gia đình vẫn dạy trẻ em gái nữ công gia chánh để trở thành người nội trợ tốt, vâng lời, kiên nhẫn và hiền dịu. Khuôn mẫu giới xuất hiện trong rất nhiều những ấn phẩm truyền thông.

Thậm chí, trong sách giáo khoa có những hình ảnh nam giới là lãnh đạo, học giả, kỹ sư trình độ cao với tính cách mạnh mẽ, lý trí, tự tin. Trong khi đó, nữ giới lại được dùng nhiều để minh họa làm nông nghiệp, bán hàng, bán thực phẩm. Nữ giới được mô tả là người nhút nhát, tình cảm, chăm chỉ, phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, dành thời gian cho việc chăm sóc con.

Chính những khuôn mẫu giới này khiến cho tâm lý trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại ở một bộ phận người dân. Cha mẹ có xu hướng ứng xử theo cách bắt con gái phải hy sinh các nhu cầu cá nhân (như học hành, sự nghiệp, sức khỏe) để chăm sóc người khác.

Khuôn mẫu giới này cũng dẫn đến việc nhiều phụ nữ và trẻ em gái trở thành nạn nhân của bạo lực, lạm dụng cả về thể chất và tinh thần. Từ đó, để lại hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ.

Vì vậy, để bảo vệ phụ nữ, cần giải phóng họ. Trước tiên, phải để phụ nữ được tiếp cận với giáo dục và tham gia vào lao động sản xuất chung cùng nam giới. Từ đó, dần khẳng định và có địa vị bình đẳng với nam giới.

Chúng ta cũng cần ghi nhận lao động chăm sóc và việc gia đình không được trả lương, để không còn dán nhãn đó là “công việc của phụ nữ”, mà là công việc của toàn xã hội.

- Ông có thể nêu về vai trò cũng như trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, tuyên truyền bình đẳng giới?

- Toàn xã hội cần tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đa dạng hóa các hình ảnh của nữ giới với vai trò và nghề nghiệp khác nhau, đặc biệt trong vị trí lãnh đạo, quản lý.

Chúng ta cần đưa nội dung bình đẳng giới vào hệ thống giáo dục quốc dân. Từ đó, tạo nên những thế hệ công dân Việt Nam có tư tưởng bình đẳng giới và sớm được tiếp xúc với tư tưởng bình đẳng giới từ những cấp học đầu đời cho đến các cấp học cao hơn như đại học và sau đại học. Qua đó, giúp từng bước nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong gia đình và toàn xã hội.

Cần có chiến lược lồng ghép bình đẳng giới vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên viên, cán bộ lãnh đạo trong toàn bộ hệ thống chính trị. Từ đó, nhằm từng bước đẩy lùi định kiến giới tại công sở và nâng cao trách nhiệm của công chức, viên chức nữ và nam trong việc nhận thức, vận dụng kiến thức và kỹ năng để thúc đẩy bình đẳng giới.

Xã hội cũng từng bước thay đổi vai trò của nam giới trong gia đình bằng việc chia sẻ trách nhiệm đối với những công việc lao động không được trả công trong gia đình thông qua nhiều hình thức tuyên truyền, vận động và tôn vinh nam giới chia sẻ công việc gia đình.

Mỗi gia đình cần từng bước thay đổi nhận thức của nữ và nam về bình đẳng giới, về vai trò, vị trí và năng lực bình đẳng của các giới trong gia đình, tại công sở và ngoài xã hội.

Qua đó, nhằm giúp cả nam và nữ vượt qua nhận thức của mình về vai trò giới truyền thống còn mang tính gia trưởng. Đây là nhận thức có tác động hạn chế cơ hội tham gia bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vai trò lãnh đạo, quản lý.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ