Bình đẳng giới trong giáo dục: Cần chính sách đủ mạnh, đầu tư thỏa đáng

GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chia sẻ kết quả cũng như hạn chế khi triển khai bình đẳng giới trong giáo dục...

Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” huyện Đông Anh (Hà Nội) lần thứ VI, năm học 2020-2021. Ảnh minh họa.
Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” huyện Đông Anh (Hà Nội) lần thứ VI, năm học 2020-2021. Ảnh minh họa.

Nỗ lực của Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục thời gian qua đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) năm 2022. Đánh giá kết quả cũng như một số hạn chế, tồn tại, bài học kinh nghiệm rút ra khi triển khai công tác này được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chia sẻ trên Báo GD&TĐ.

Đề cao vai trò, vị trí nữ nhà giáo

- Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030. Bộ GD&ĐT đã thực hiện các chỉ tiêu liên quan đặt ra trong Chiến lược này như thế nào, thưa Thứ trưởng?

- Bộ GD&ĐT có trách nhiệm triển khai 4 chỉ tiêu (chỉ tiêu 1, 2, 3, 4) trong Mục tiêu số 5 của Nghị quyết số 28/NQ-CP. Đến nay, Bộ đã nghiên cứu cụ thể hóa các chỉ tiêu này vào Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPV) và BĐG giai đoạn 2021 - 2030 (Kế hoạch số 49/KH-BGDĐT hoạt động năm 2023 của Ban VSTBPV Bộ GD&ĐT). Đặc biệt, năm 2023, Ban VSTBPV dự kiến xây dựng Đề án đưa nội dung về BĐG vào chương trình đào tạo giáo viên (GV).

Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách về GD&ĐT được Bộ GD&ĐT lồng ghép giới, bảo đảm BĐG, tạo hành lang pháp lý cho cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục triển khai các giải pháp để tăng cường vai trò, sự tham gia của cả nam và nữ trong quá trình đổi mới GD&ĐT. Nhiều chế độ, chính sách cho cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên trên tinh thần bảo đảm BĐG được thực thi có hiệu quả.

Công tác chỉ đạo, triển khai kế hoạch hoạt động được thực hiện đồng bộ, thống nhất, gắn với nhiệm vụ từng năm học. Trong đó chú trọng tạo điều kiện, có cơ chế chính sách phù hợp, kịp thời nhằm thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em trai và gái trong tiếp cận giáo dục, tăng tỷ lệ biết chữ của trẻ em gái, phụ nữ dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn.

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và BĐG có chuyển biến tích cực trong các cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục; có sự phối hợp đồng bộ hơn giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nhiều chương trình truyền thông có hiệu quả đã khuyến khích thay đổi hành vi, thái độ về các vấn đề BĐG nhằm xóa bỏ định kiến giới, phân biệt đối xử, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” trong cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục và xã hội. Công tác giáo dục BĐG được chú trọng, là một trong những nội dung giáo dục chính và được lồng ghép trong chương trình của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến đại học.

Công tác vận động nữ và VSTBPV của ngành Giáo dục có chuyển biến rõ rệt. Vai trò, vị trí của nữ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) ngày càng được coi trọng, đề cao. Trình độ chuyên môn, quản lý, lý luận chính trị của nữ nhà giáo, CBQL được nâng cao; đời sống vật chất tinh thần được cải thiện, tạo động lực cho nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động. Tỷ lệ nữ CBQL toàn ngành đạt trên 63%.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh.

Vẫn còn những khó khăn, vướng mắc

- Cùng với kết quả đạt được, Thứ trưởng nhìn nhận việc triển khai Chiến lược quốc gia về BĐG trong ngành Giáo dục còn có hạn chế, khó khăn, vướng mắc như thế nào?

- Hạn chế đầu tiên là công tác truyền thông ở một số đơn vị chưa hiệu quả. Hoạt động của Ban VSTBPV ở không ít sở GD&ĐT, trường đại học còn đơn điệu về nội dung, hình thức, thiếu tính kế hoạch; chủ yếu tập trung vào một số hoạt động nữ công công đoàn, củng cố vai trò truyền thống của nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động, tạo khuôn mẫu mà chưa nhấn mạnh vai trò kép của phụ nữ, dẫn đến công tác truyền thông về BĐG còn hạn chế. Còn thiếu vắng hoạt động, tài liệu hướng dẫn tổ chức truyền thông để thu hút sự tham gia của nam giới. Còn ít các mô hình, hoạt động truyền thông vấn đề về giới, BĐG, vấn đề liên quan đến giới được kết hợp giữa học sinh, nhà trường, gia đình, cộng đồng.

Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu chưa thực chất, sát sao, chưa quan tâm đúng mức cho công tác BĐG ở một số địa phương. Nhiều đơn vị triển khai kế hoạch hoạt động chưa hiệu quả, thiếu tính hệ thống, chưa rõ nét. Một số sở GD&ĐT chủ yếu triển khai ở các đơn vị trực thuộc, gặp khó khăn trong tổ chức thực hiện với khối phòng GD&ĐT.

Công tác chăm lo bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nữ ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Chưa chú trọng tỷ lệ nữ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, nhất là chức danh có thẩm quyền ra quyết định. Phối hợp giữa các ban ngành với ngành Giáo dục có lúc chưa thường xuyên, nội dung lựa chọn để phối hợp chưa thực sự hiệu quả, thiết thực.

- Nguyên nhân những hạn chế, khó khăn vướng mắc nói trên là gì, theo Thứ trưởng?

- Những hạn chế, vướng mắc nêu trên, trước hết vì nhận thức của lãnh đạo một số đơn vị về triển khai kế hoạch hoạt động còn nặng tính hình thức. Chưa quan tâm đúng mức đến truyền thông, nâng cao nhận thức về BĐG và các vấn đề liên quan đến giới. Do đó, hoạt động này chưa thu hút được cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên, phụ huynh, cộng đồng cùng tham gia.

Việc thực hiện phân cấp quản lý giáo dục ở các địa phương chưa thống nhất. Cơ chế phối hợp giữa sở GD&ĐT và sở, ngành, UBND cấp huyện có những vướng mắc, do đó thực hiện kế hoạch hoạt động với bậc học mầm non, tiểu học, THCS còn nhiều khó khăn.

Công tác tham mưu, chăm lo bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nữ ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Chưa chú trọng, quyết liệt đảm bảo tỷ lệ nữ trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ, nhất là chức danh có thẩm quyền ra quyết định. Một bộ phận nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động có tư tưởng tự ti, an phận, chưa sẵn sàng tham gia các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Hoạt động của Ban VSTBPV chưa được nhiều đơn vị quan tâm đầu tư thỏa đáng. Ban VSTBPV, cán bộ làm công tác VSTBPV là kiêm nhiệm, thay đổi thường xuyên, thiếu kinh nghiệm, ít nghiên cứu nghiệp vụ tổ chức hoạt động, chưa chú trọng tập huấn về kỹ năng nên ảnh hưởng phần nào tới chất lượng hoạt động, triển khai kế hoạch. Không ít đơn vị, địa phương có biểu hiện khoán trắng công tác này cho Ban Nữ công Công đoàn. Cá biệt có đơn vị chưa xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, phù hợp; chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát. Việc kiện toàn Ban VSTBPV chưa kịp thời, hoạt động chưa rõ nét, có biểu hiện xem nhẹ hoạt động này. Việc bố trí nguồn lực thiếu sự quan tâm, chưa chủ động bố trí kinh phí để thực hiện. Không tổ chức tập huấn theo chuyên đề về giới mà phải tổ chức lồng ghép cùng các hoạt động khác. Chưa coi trọng chế độ thông tin, báo cáo, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, đánh giá, tổng hợp.

Các chỉ tiêu thống kê được ban hành, tuy đã thể hiện rõ về giới, nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp khó khăn nhất định. Một số chỉ tiêu phải tính toán và có liên quan đến số liệu về tổng dân số. Nhưng số liệu này do Tổng cục Thống kê công bố chưa được phân chia đầy đủ theo tổ như các chỉ tiêu thống kê của Bộ GD&ĐT.

Công đoàn Giáo dục Hà Nội khen thưởng nữ nhà giáo có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Ảnh minh họa.

Công đoàn Giáo dục Hà Nội khen thưởng nữ nhà giáo có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. Ảnh minh họa.

Tiếp tục thay đổi nhận thức về BĐG

- Từ thực tế, Bộ GD&ĐT rút ra những bài học kinh nghiệm gì để triển khai tốt hơn công tác BĐG giai đoạn tới, thưa Thứ trưởng?

- Bài học kinh nghiệm đầu tiên là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật BĐG, các văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BĐG và VSTBPV. Lựa chọn phương thức truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức về BĐG. Lồng ghép hiệu quả nội dung BĐG, chú trọng biện pháp thúc đẩy BĐG, chính sách hỗ trợ nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên. Triển khai hiệu quả phong trào thi đua, cuộc vận động trong ngành, làm tốt công tác thi đua, khen thưởng.

Cùng với đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác BĐG, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị. Nâng cao năng lực quản lý nhà trường và sự phối hợp của tổ chức đoàn thể trong triển khai kế hoạch hoạt động và công tác VSTBPV. Chú trọng công tác chỉ đạo, triển khai kế hoạch hoạt động một cách đồng bộ, thống nhất trong toàn ngành. Kiên trì các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hoạt động trong tham mưu, đề xuất xây dựng nghị quyết, kế hoạch, chương trình, đề án, tạo điều kiện thực hiện BĐG và vì sự tiến bộ đối với cán bộ nữ.

Phối hợp tích cực với các ban, ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ để thực hiện hiệu quả mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hoạt động đã đề ra. Chủ động rà soát, đề xuất, xóa bỏ định kiến giới trong các văn bản, tài liệu, chương trình GD&ĐT bảo đảm BĐG trong mọi lĩnh vực.

Kịp thời kiện toàn tổ chức, nhân sự tham gia công tác VSTBPV, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ này. Đồng thời đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đối với cán bộ làm công tác BĐG, trong đó tập trung vào nội dung liên quan đến kiến thức, kỹ năng lập kế hoạch, nghiệp vụ công tác BĐG đối với Ban VSTBPV tại cơ sở GD&ĐT.

Cuối cùng, cần có sự quan tâm, đầu tư các nguồn lực. Bên cạnh bố trí cán bộ có trách nhiệm, tâm huyết với công việc cần bảo đảm kinh phí để triển khai có hiệu quả công tác này.

Cần cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương

- Bộ GD&ĐT có những đề xuất, kiến nghị gì để triển khai hiệu quả công tác BĐG trong ngành Giáo dục trong thời gian tới?

- Để triển khai hiệu quả công tác BĐG trong ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách, chế tài nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành trong thực hiện quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ. Bổ sung trong Luật Bình đẳng giới các quy định nhằm xác định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và có chế tài phù hợp khi không chấp hành nghiêm túc việc thực hiện pháp luật, chủ trương chính sách về công tác phụ nữ, BĐG nói chung, BĐG trong GD&ĐT nói riêng. Ưu tiên giải quyết vấn đề phụ nữ dân tộc thiểu số và phụ nữ ở vùng KT-XH khó khăn, chú ý đến điều kiện tiếp cận giáo dục, tăng cơ hội học tập cho trẻ em gái, học sinh nữ. Chỉ đạo các địa phương, bộ, ngành đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BĐG, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, văn bản có liên quan.

Các bộ, ngành, địa phương cần có cơ chế phối hợp trong việc thực hiện các chính sách về nữ, như: Trao đổi thông tin về dân số, lao động nữ trong quá trình triển khai chính sách, pháp luật, xây dựng cơ sở, dữ liệu về giới cũng như nghiên cứu liên quan đến vấn đề giới, làm cơ sở đề xuất chính sách. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quyền BĐG, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, các văn bản có liên quan. Tuyên truyền, phổ biến đến mọi người dân về đạo đức, lối sống, sống có trách nhiệm với gia đình và thực hiện BĐG. Xây dựng hệ thống tiêu chí, yêu cầu thống kê thống nhất giữa Tổng cục Thống kê và các ngành, lĩnh vực, quan tâm đến vấn đề giới.

Đề nghị UBND các địa phương quan tâm, có cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; công trình vệ sinh, nước sạch, nhà công vụ GV, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, thân thiện cho học sinh. Ban hành các tài liệu chuyên đề, thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn, hoạt động hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động về giới, lồng ghép giới, BĐG và VSTBPV. Có hướng dẫn cụ thể về kinh phí chi cho hoạt động VSTBPV và BĐG, trong đó quan tâm đến chế độ đối với cán bộ làm công tác này.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ