Tức anh ách vì “cái gai” ở nhà chồng

GD&TĐ - Bạn bè bảo số tôi son vì lấy được chồng tốt. Dù tôi phải đảm đương trách nhiệm dâu trưởng nhưng bố mẹ chồng tôi hiền, anh chị em trong gia đình cũng rất biết điều.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chính tôi cũng từng nghĩ, cuộc sống cứ đáng yêu như thế này thì mình chỉ việc rung đùi mà hưởng thụ. Nhưng “cái gai” trong mắt tôi đã sớm xuất hiện khiến tôi cảm thấy vô cùng khó chịu.

Bố mẹ chồng tôi cũng là con trưởng nên phải gánh trách nhiệm làm giỗ cho các cụ. Mỗi lần như thế tôi mới có dịp gặp gỡ đầy đủ anh chị em dâu rể họ hàng bên chồng. Trong số ấy, có một cô em dâu họ vô cùng “đặc biệt”. Thấy tôi đang nhặt rau ngoài sân giếng, cô ấy mon men đến gần, hỏi: “Chị ơi, hôm nay nhà mình làm những món gì đấy?”.

Ban đầu tôi không hề biết cô ta điều tra thông tin này nhằm mục đích gì, nhưng tôi vẫn trả lời khôn: “Thực đơn món ăn đã được mẹ chị và các thím quyết định rồi em ạ”.

Chưa đạt được mục đích, cô ta hỏi tiếp: “Nhưng cụ thể là món gì hả chị? Chắc bác cả cũng phải bàn với chị nữa chứ, chị là đầu bếp chính mà”. Tôi trả lời đại khái: “Thì những món cơ bản của những đám cỗ, thịt gà, giò, xôi, nem,… kèm một đĩa xào”.

Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu với cô em dâu này, nhặt rau xong, tôi chạy vào bếp kiểm tra chõ xôi.

Tầm dăm phút sau cô ta đã kịp ngồi cạnh tôi, chủ động “xin công”: “Chị ơi, để em giúp chị”. Tôi trả lời “ừ hứ” cho xong, thấy tôi chuẩn bị chia xôi ra các đĩa, cô ta lanh chanh: “Để em bưng đĩa đẹp nhất đặt lên bàn thờ cúng cụ”.

Tôi không ưa hành động của cô ta tẹo nào, người khác nhìn vào sẽ nghĩ cô ta mới chính là “tác giả” của món xôi thơm nức ấy.

Tôi chưa hết bực thì cô ta lại nhanh nhảu giơ chiếc bát lên: “Chị cho em một ít để em nếm nhé, em thích ăn chỗ xôi nát quanh chõ ấy”. Tôi cố ý vét chõ thật mạnh để cô ta biết tôi đang rất khó chịu, nhưng dường như cô ta chẳng thèm để ý.

Chén xôi xong, cô ta lại hỏi: “Chị ơi, tí nữa chị ngồi mâm nào?”. Tôi ngập ngừng vài giây để suy đoán mục đích của cô ta rồi mới trả lời: “Chị ngồi chung với mấy đứa trẻ con ấy mà, chị không dám ngồi mâm người lớn đâu, phải uống rượu em ạ”.

Tôi tưởng mình sắp cắt được “cái đuôi” dai dẳng và khó chịu với câu trả lời ấy, nhưng không ngờ mắt cô ta sáng rực: “Aaa, chị giống em đấy, em cũng chỉ thích được ngồi cùng mâm trẻ con thôi”.

Sau khi bưng bê đầy đủ các món cho những mâm quan trọng, tôi mới yên tâm ngồi cùng mấy đứa trẻ, cô ta đã ngồi chờ sẵn: “Chị ngồi cạnh em này, ăn đi chị, chắc chị đói lắm rồi”.

Cô ta càng ra vẻ quan tâm gần gũi tôi, tôi càng thấy khó chịu, tôi trả lời rất lạnh lùng: “Ừ, em ăn đi, tự nhiên nhé, không phải gắp cho nhau đâu”.

Dường như không cần nghe tôi nhắc, cô ta ăn rất nhiệt tình. Thấy cô ta lật tung cả 2 đĩa thịt gà luộc, tôi góp ý thẳng: “Em ăn miếng nào thì gắp miếng ấy nhé, em chạm đũa vào như thế thì ai dám ăn nữa?”. Cô ta không hề ngại mà còn phàn nàn: “Ai chặt thịt gà đấy chị? Cứ xếp úp các miếng thế này thì biết miếng nào ngon, miếng nào không ngon, haiz”.

Tôi phải cố ngậm miệng để không phát ra tiếng cười to, sợ bề trên giật mình. Nhưng cô ta không ngừng khiến tôi ngạc nhiên về mức độ hồn nhiên đến mức vô duyên. Khi tôi chưa biết trả lời ra sao thì cô ta ghé tai tôi: “Ngồi cùng mâm với trẻ con mới được ăn uống tự nhiên thoải mái chị ạ, hí hí”.

Ăn cỗ xong, cô ta nhanh nhảu dồn hết thức ăn thừa vào một chiếc túi nilon rồi thông báo: “Em phải về trước đây, chị dặn bác cả tí nữa chia phần cho nhà em thì cứ đưa cho mẹ em nhé”. Nhìn túi thức ăn to tướng cô ta cầm trên tay, tôi ngán ngẩm: “Mang từng kia về rồi còn đòi chia phần nữa, bó tay!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.