Tuần làm việc 4 ngày

GD&TĐ - Cuộc thử nghiệm tại Iceland diễn ra với sự tham gia của 2.500 người trưởng thành, tương đương 1% dân số trong độ tuổi lao động của quốc đảo châu Âu này.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cuộc thử nghiệm kéo dài 4 năm về mô hình tuần làm việc 4 ngày tại Iceland vừa đưa ra được kết luận hồi đầu tháng 7/2021, trong đó các nhà nghiên cứu khẳng định mô hình này thành công mỹ mãn, cung cấp bài học thực tiễn cho các nước khác đang có đề xuất tương tự nhằm tạo ra một sự thay đổi mang tính cách mạng.

Cuộc thử nghiệm tại Iceland diễn ra với sự tham gia của 2.500 người trưởng thành, tương đương 1% dân số trong độ tuổi lao động của quốc đảo châu Âu này.

Theo đó, những người này chỉ làm việc 4 ngày mỗi tuần với thu nhập giữ nguyên như trước trong thời gian từ năm 2014 đến 2019 để các nhà khoa học thu thập dữ liệu phân tích.

Ông Will Strong, giám đốc nghiên cứu của tổ chức tư vấn chính sách Autonomy tham gia cuộc thử nghiệm, nhấn mạnh trong kết luận đưa ra hôm 5/7 rằng, khu vực công hoàn toàn đủ điều kiện áp dụng mô hình tuần làm việc 4 ngày.

Kết quả tại Iceland được cho là bài học thực tế quý giá cho các chính phủ khác tham khảo, qua đó đánh giá về đề xuất thời gian làm việc trong tuần ngắn hơn so với truyền thống.

Cuộc thử nghiệm tại Iceland diễn ra trong nhiều môi trường làm việc khác nhau, từ văn phòng đến bệnh viện tại thủ đô Reykjavik và một số nơi khác. Kết luận từ thử nghiệm cho thấy, đời sống người lao động được cải thiện trên nhiều khía cạnh, đặc biệt là sức khỏe và sự cân bằng giữa công việc với cuộc sống hàng ngày. Trong khi đó, năng suất lao động vẫn được đảm bảo hoặc tốt hơn so với trước.

Tương tự như tại Iceland, một số nước cũng đã áp dụng thí điểm tuần làm việc 4 ngày và ghi nhận một số lợi ích như giảm đáng kể ô nhiễm, giảm sử dụng phương tiện giao thông và rõ ràng nhất là cải thiện sức khỏe người lao động.

Hồi tháng 6/2020, Thủ tướng New Zealand từng đề xuất ý tưởng giảm số ngày làm việc mỗi tuần xuống con số 4 khi bàn về phục hồi kinh tế hậu Covid-19. Nước này chưa có cuộc thử nghiệm mang tính quốc gia như Iceland, nhưng nhiều công ty và tập đoàn đã đi trước chính phủ cho áp dụng tuần làm việc 4 ngày.

Từ một ý tưởng từng bị cho là “điên rồ”, mô hình tuần làm việc 4 ngày đang ngày càng trở thành một xu hướng mang tính toàn cầu và được áp dụng rộng rãi trên quy mô doanh nghiệp.

Nổi bật là khoảng 200 công ty tại Tây Ban Nha đã đi tiên phong thực thi tuần làm việc 4 ngày kể từ đầu năm 2020. Đây cũng là cương lĩnh tranh cử của một đảng chính trị ở nước này là Mas Pais nhằm thu hút sự ủng hộ.

Hàng loạt công ty tại Anh, Đan Mạch và Nhật Bản, đất nước vốn nổi tiếng là có thời gian lao động khắc nghiệt, cũng đang tham gia vào xu hướng giảm thời gian làm việc mỗi tuần của người lao động.

Hai doanh nghiệp lớn tại Nhật là Uniqlo và Microsoft Japan đang đi tiên phong trong cuộc thử nghiệm này với sự tham gia của hơn 10.000 người lao động. Quốc hội Nhật Bản cũng đã đưa ra thảo luận chính thức về đề xuất tuần làm việc 4 ngày hồi đầu năm 2021.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài trên khắp thế giới, mô hình làm việc tại nhà được dự đoán sẽ trở thành xu hướng mới ngay cả khi dịch bệnh qua đi. Đây cũng được coi là cơ hội để thúc đẩy mô hình tuần làm việc 4 ngày đang manh nha phát triển tại một số nước trên thế giới.

Nếu xu hướng này được luật hóa nó sẽ trở thành một thay đổi mang tính cách mạng nhất kể từ sau khi chế độ ngày làm việc 8 tiếng bắt đầu được áp dụng lần đầu tiên hơn 100 năm trước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...