Tự xét nghiệm HIV: Người dân chủ động phát hiện bệnh

GD&TĐ - HIV tuy không còn đáng sợ như nhiều năm trước đây nhưng với số người mắc hiện tại cộng với hình thái dịch có sự thay đổi khiến chúng ta chưa thể kiểm soát được dịch bệnh.

Tự xét nghiệm HIV:  Người dân chủ động phát hiện bệnh

Ngoài việc cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí, mới đây dịch vụ tự xét nghiệm HIV cũng được triển khai ở nước ta để giúp người trong nhóm nguy cơ cao, người nghi ngờ mình mắc bệnh chủ động kiểm soát bệnh tình của mình.

Vẫn ghi nhận người mắc mới

Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 254.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 12.000 - 14.000 trường hợp nhiễm mới HIV. Trong số những người mới phát hiện nhiễm HIV trong năm 2015, nữ chiếm 34,1%, nam chiếm 65,9%. Con đường lây truyền có sự dịch chuyển mạnh, từ tiêm chích sang quan hệ tình dục (50,8%), tiếp đó là lây qua đường máu chiếm 36,1%, mẹ truyền sang con chiếm 2,8% và không rõ nguyên nhân chiếm 10,4%...

Gia tăng tỷ lệ nữ giới nhiễm HIV đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều phụ nữ mang thai mang trong mình căn bệnh trên và không ít trẻ sinh ra lây nhiễm bệnh từ chính mẹ mình. Với tỷ lệ nhiễm HIV như hiện nay, ước tính nước ta có khoảng 3.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV.

Về độ phân bổ của dịch, trước kia, dịch tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn thì nay lại di chuyển về miền núi, vùng sâu, xa. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, với số dân chỉ chiếm hơn 15% cả nước, nhưng nhiều tỉnh vùng Tây Bắc hiện đang có tỷ lệ nhiễm HIV đứng hàng đầu cả nước. Theo số liệu thống kê cuối năm 2015, khu vực này có khoảng 63.500 người nhiễm HIV, trong đó có hơn 39 người nhiễm HIV còn sống. Trung bình mỗi năm khu vực Tây Bắc có khoảng 3.000 người nhiễm mới và có từ 500 đến 800 người chết do AIDS.

Theo ước tính, tỷ lệ mắc HIV tại khu vực này là 420/100.000 dân, cao gấp 1,5 lần so với trung bình của cả nước (280/100.000 dân). Đường lây truyền HIV tại khu vực này chủ yếu là do sử dụng chung khi tiêm chích ma túy, quan hệ tình dục không an toàn. Ba nhóm đối tượng nguy cơ cao là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và gần đây là vợ, bạn tình của người nhiễm HIV đang có chiều hướng gia tăng.

Theo Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS, TS Nguyễn Hoàng Long, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm HIV tại khu vực Tây Bắc cao, là do nhận thức của người dân về HIV/AIDS còn nhiều hạn chế, nhất là người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt về nhân lực, kinh phí hạn chế, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa... đã cản trở việc mở rộng các chương trình can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV tại tuyến xã. Điều này làm cho người dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV mà ngành Y tế triển khai.

Chủ động phát hiện bệnh

Dịch vụ xét nghiệm tự nguyện HIV có từ lâu. Trước kia, Hải Phòng cũng đã triển khai dự án này, do Trung tâm Y tế phụ trách, người thực hiện là nhóm vì cộng đồng hoặc người có H. Tuy nhiên, đối tượng xét nghiệm là những người làm việc tại các nhà nghỉ ở Đồ Sơn. Kết quả ban đầu cho thấy, việc chủ động đi tìm bệnh nhân đã giúp người làm y tế biết được số người mắc bệnh để thực hiện các biện pháp dự phòng, tuyên truyền tiếp theo. Đã có rất nhiều người hành nghề ở Đồ Sơn, sau khi biết bệnh tình chủ động tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn, chữa trị hoặc về quê điều trị.

Gần đây, Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng khởi động dịch vụ tự xét nghiệm. TS Nguyễn Hoàng Long cho biết: Xét nghiệm HIV là cách duy nhất để biết một người có nhiễm HIV hay không, tuy nhiên nhiều người vẫn rất ngại đi làm xét nghiệm HIV. Do lo sợ người khác biết kết quả và mặc cảm với xã hội. Với dịch vụ tự xét nghiệm HIV, bất kể ai cũng có thể tự tiến hành xét nghiệm, qua đó biết được tình trạng HIV của mình một cách bí mật, riêng tư và an toàn. Đây là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc HIV đơn giản, dễ thực hiện, độ chính xác cao, cho kết quả nhanh, chi phí không lớn.

Cũng theo ông Long, nếu sáng kiến này thí điểm thành công, Việt Nam sẽ triển khai mở rộng để thực hiện mục tiêu 90% số người nhiễm HIV trong cộng đồng được biết tình trạng nhiễm HIV của mình.

Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, số nhiễm HIV mới được phát hiện trong năm 2015 là 12.000 người - giảm gần 2/3 so với mức đỉnh điểm vụ dịch vào năm 2007. Đã có tới hơn 105.000 người nhiễm đã được điều trị ARV - tăng gấp 30 lần so với năm 2005.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.