Tư vấn trúng và đúng để 'giảm nhiệt' thi vào lớp 10

GD&TĐ - Học sinh lớp 9 tại Hà Nội đang chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký nguyện vọng vào lớp 10. Làm sao để có sự lựa chọn đúng đắn là bài toán với nhiều gia đình.

Các em học sinh lớp 9 đang trong giai đoạn nước rút để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2023.
Các em học sinh lớp 9 đang trong giai đoạn nước rút để ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2023.

Tư vấn chọn nguyện vọng phù hợp

Với 426 học sinh khối 9 đang theo học, Trường THCS An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) đã hướng dẫn các em làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 từ tuần trước.

Cô Phó Thị Thu Hường - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, bên cạnh công tác ôn tập thì khâu tư vấn hướng nghiệp được đơn vị rất chú trọng. Kỳ thi năm nay có tính cạnh tranh cao khi thành phố chỉ tuyển khoảng 72.000 học sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, chiếm 55,7% tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển; còn lại sẽ vào các trường ngoài công lập, GDTX hoặc đi học nghề. Do đó, khâu tư vấn và định hướng cho các em học sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Cô trò lớp 9A5 Trường THCS An Khánh trong giờ học Toán.

Cô trò lớp 9A5 Trường THCS An Khánh trong giờ học Toán.

Theo lãnh đạo Trường THCS An Khánh, hàng năm đơn vị thường tổ chức 2 - 3 hội nghị tư vấn cho học sinh và mời cả phụ huynh tham dự. Dựa vào quá trình rèn luyện trên lớp cũng như kết quả đánh giá ở học kỳ 1 và khảo sát giữa học kỳ 2, thầy cô sẽ động viên và tư vấn cho các em học sinh thi vào lớp 10. Phụ huynh biết được thực lực của các em để định hướng cho con có sự lựa chọn phù hợp.

Cũng theo cô Hường, Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép mỗi thí sinh được đăng kí 3 nguyện vọng. Các em có thể cân nhắc 2 nguyện vọng ở cùng 1 khu vực, nguyện vọng còn lại có thể ở khu vực khác, điểm thấp hơn để làm phương án an toàn. Thí sinh không nên chọn trường có điểm chuẩn quá cao hay quá thấp so với lực học của mình.

"Thống kê cho thấy, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 của nhà trường đỗ vào lớp 10 THPT công lập năm ngoái là 70%. Số còn lại các em lựa chọn học trường ngoài công lập và GDTX. Nhà trường cũng tư vấn cho học sinh giữ gìn sức khỏe, nhắc nhở phụ huynh tạo điều kiện hết mức cho các con để phát huy sở trường, năng lực của mình chứ không nên tạo áp lực quá mức" - cô Thu Hường thông tin thêm.

Còn tại Trường THCS Cẩm Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội), công tác tư vấn định hướng cho học sinh đã được nhà trường thực hiện theo kế hoạch ngay khi kết thúc học kỳ 1. Thầy Vũ Văn Hải - Hiệu trưởng trao đổi, năm nay trường có 5 lớp 9 với tổng số 186 học sinh. Đa số các em đều có nguyện vọng muốn được tham gia thi để có thể lựa chọn giữa các trường như: Trường THPT Ba Vì, THPT Bất Bạt, THPT Quảng Oai, THPT Ngô Quyền.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay được đánh giá sẽ cạnh tranh cao hơn vì thành phố chỉ tuyển 55,7% tổng số học sinh dự tuyển để vào trường THPT công lập.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay được đánh giá sẽ cạnh tranh cao hơn vì thành phố chỉ tuyển 55,7% tổng số học sinh dự tuyển để vào trường THPT công lập.

Theo thầy Hải, thời gian qua có nhiều câu chuyện liên quan đến áp lực học tập của học sinh dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Do đó, vấn đề nằm ở tâm lý của chúng ta thường không vững và tạo ra áp lực quá lớn cho các con. Thay vì khuyên con đăng ký nguyện vọng vào trường vừa với sức học, có những phụ huynh cố tình ép con thi vào trường tốp trên vượt quá khả năng. Đến lúc thiếu điểm thì bố mẹ thất vọng, học sinh chán nản và vuột mất cơ hội các nguyện vọng sau.

"Vì vậy, người lớn chúng ta cần hiểu rằng, việc định hướng cho con là tốt nhưng phải nhìn vào thực tế. Đừng nên có tư tưởng 'đằng nào cũng một lần thi nên cứ để con thi cho biết'. Như thế là tạo áp lực rất lớn cho các em để thỏa mãn nhu cầu của bố mẹ. Chúng tôi cũng nhắc nhở thầy cô nên gần gũi, lắng nghe tâm sự của học sinh để có thể hiểu được mong muốn của các em và đưa ra tư vấn đúng và trúng. Có như thế thì các kỳ thi năm sau sẽ có thể được 'giảm nhiệt' hơn" - thầy Hải chia sẻ.

Có cần xác nhận cư trú khi làm hồ sơ?

Một vấn đề khác cũng đang được nhiều phụ huynh quan tâm, đó là việc nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển vào lớp 10 với diện thí sinh tự do. Theo phản ánh của một số phụ huynh, mỗi nơi lại quy định một kiểu chưa có sự đồng nhất theo chỉ đạo chung của thành phố.

Tại Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng thông báo một số giấy tờ cần thiết với thí sinh gồm: Phiếu đăng ký dự tuyển; Giấy khai sinh (bản photo thì mang bản gốc đi đối chiếu/bản công chứng); Học bạ THCS (chưa có học bạ gốc thì cần học bạ bản in từ nhà trường có đóng dấu giáp lai tất cả các trang), khi nào có bản gốc thì nộp sau; Hộ khẩu thường trú (bản photo và mang bản gốc ra đối chiếu); Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Hạn nộp trước ngày 24/4.

Hiện tại, giáo viên chủ nhiệm nhiều trường đang rất vất vả vì vừa phải lo ôn tập cho học sinh, vừa hướng dẫn phụ huynh hoàn thiện hồ sơ.

Hiện tại, giáo viên chủ nhiệm nhiều trường đang rất vất vả vì vừa phải lo ôn tập cho học sinh, vừa hướng dẫn phụ huynh hoàn thiện hồ sơ.

Tương tự, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa ban đầu quy định, hồ sơ cần có: Phiếu đăng ký dự tuyển (đơn xanh) + 1 bản photo đơn ĐKDT sau khi đã có đầy đủ thông tin; Giấy khai sinh (bản photo từ bản chính và được công chứng); Bằng tốt nghiệp (công chứng) hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời; 1 học bạ bản sao có công chứng; Hộ khẩu (Công chứng trong vòng 6 tháng) hoặc Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy hẹn đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu; Các loại giấy chứng nhận hưởng ưu tiên, khuyến khích, Giấy chứng nhận đạt giải HSG (bản công chứng); 2 ảnh 4x6, có ghi tên và ngày tháng năm sinh phía sau, cho riêng vào 1 phong bì.

Sau đó, Phòng GD&ĐT quận Đống Đa thông báo thay đổi "Hộ khẩu (công chứng trong vòng 6 tháng) hoặc Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy hẹn đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu" thành "Giấy xác nhận thông tin về cư trú mẫu CT07".

Riêng với thí sinh dự tuyển đã tốt nghiệp THCS từ những năm học trước phải được chính quyền cấp xã, phường nơi cư trú xác nhận “không trong thời gian thi hành án phạt tù; cải tạo không giam giữ và vi phạm pháp luật”. Ngày nộp hồ sơ là từ 24/4 đến 26/4.

Tháng 3 vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường rà soát, cập nhật dữ liệu, thông tin của trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh lớp 5 và lớp 9 để phục vụ tuyển sinh đầu cấp. Trong đó, Sở liệt kê các giấy tờ, tài liệu có thể dùng để thay thế sổ hộ khẩu gồm: Giấy xác nhận cư trú, thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân gắn chíp...

Tuy nhiên, sau khi vấp phải phản ứng của nhiều người dân về những bất cập khi phải chờ chực suốt nhiều ngày để làm giấy xác nhận cư trú dù đã có căn cước công dân, ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị này đang làm việc với Công an thành phố để thống nhất cách làm, tinh thần là không yêu cầu giấy xác nhận cư trú nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh.

Đến nay, dù đã có hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội về trình tự, các bước để đăng kí dự tuyển, điền thông tin vào phiếu hồ sơ nhưng mỗi nơi lại yêu cầu thí sinh viết một kiểu. Theo ghi nhận tại nhiều quận/huyện của Thủ đô như Long Biên, Ba Vì, Hoài Đức... đều không yêu cầu thí sinh tự do phải có photo hộ khẩu hay giấy xác nhận cư trú từ Công an địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xem XSMB 90 ngày