“Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0” là hội thảo được ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 23/4.
20% học sinh có tổn thương sức khoẻ tâm thần cần trị liệu
Theo các số liệu khảo sát của Bộ GD&ĐT tại Hà Nội và Hải Dương, có khoảng 80% các em học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một không gian riêng tư ở trường để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân.
Nghiên cứu dịch tễ trên 7 tỉnh phía Bắc của cán bộ Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng cho thấy khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khoẻ tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu.
Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, thực trạng xã hội cho thấy, để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, chúng ta phải tập trung chăm sóc đời sống và sức khoẻ tinh thần cho học sinh-sinh viên để giảm thiểu những khó khăn tâm lý, phát huy tối đa tiềm năng cá nhân người học. Chính vì vậy, các dịch vụ giáo dục như Tham vấn hướng nghiệp, Tham vấn khủng hoảng học đường, Tham vấn sức khoẻ tâm thần trường học… đã và đang trở thành nhu cầu xã hội cấp bách.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, một hạn chế lớn trong thực tiễn triển khai công tác tham vấn-tư vấn học đường thời gian qua chính là nguồn nhân lực có đủ trình độ và kỹ năng. Hiện nay, hầu hết các trường chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tham vấn tâm lý.
Đội ngũ làm công tác tham vấn tâm lý trong nhà trường chủ yếu là giảng viên một số chuyên ngành như Luật, Tâm lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân, một số khác là giáo viên dạy Lịch sử và Địa lý hay cán bộ chuyên trách tại các phòng, ban như phòng Công tác học sinh-sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên.
Mặc dù hằng năm đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm công tác tham vấn tâm lý đều được tập huấn nâng cao trình độ nhưng nội dung tài liệu tập huấn còn chưa chuẩn hóa, cán bộ tập huấn không phải là chuyên gia tham vấn học đường có nhiều kinh nghiệm thực tế làm hạn chế năng lực tham vấn, tư vấn trên thực tế của đội ngũ này.
Bảo vệ trẻ em trong trường học
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết quan điểm của Bộ GD&ĐT về công tác tư vấn tâm lý là yêu cầu ít nhất 90% các trường trung học, trung cấp, cao đẳng, đại học thành lập bộ phận tư vấn hỗ trợ học sinh-sinh viên để giáo dục toàn diện, năng lực và phẩm chất cho các em. Theo ông Linh, sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh, sinh viên phải đặc biệt được quan tâm, trước sức ép cuộc sống nếu không được tư vấn, xử lý kịp thời có thể gây ra hậu quả: Nhẹ thì buồn chán, học kém, có thể có hành vi bạo lực học đường, nặng thì trầm cảm, có khi tự tử…
“Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Nhật Bản, chúng ta cố gắng không rơi vào “vết xe đổ” của các nước này khi giới trẻ bị trầm cảm nhiều, tỷ lệ tự tử trong giới trẻ rất cao. Học sinh, sinh viên đang phải chịu sức ép thành tích do bố mẹ mang lại, các tác động từ xã hội, trong khi kỹ năng sống, kỹ năng xử lý vấn đề của học sinh còn yếu…”, ông Linh nói.
Ông Bùi Văn Linh cho rằng các trường đào tạo tâm lý giáo dục phải có trách nhiệm: Đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp chuyên gia, nghiên cứu tham mưu các chính sách khác; nghiên cứu thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý tại cộng đồng để xử lý các ca nặng (khoảng 5%). Nội dung tư vấn gồm: Tư vấn trong học tập, sức khỏe, các mối quan hệ, cách xử lý tình huống; trang bị kỹ năng sống; giáo dục giá trị sống…
Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng Thông tư quy định bộ quy tắc ứng xử; chỉ đạo tập huấn cốt cán phụ trách công tác tư vấn tâm lý tại các địa phương. Các Sở GD&ĐT sẽ tổ chức các lớp tập huấn để cấp chứng chỉ cho giáo viên trực tiếp làm công tác tư vấn tâm lý.
TS. Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay chúng ta chưa có bản quyền Bộ công cụ sàng lọc học sinh, chúng ta đang phải cập nhật những sản phẩm của các nước trên thế giới. Hiện nay, qua khảo sát, có 80% học sinh đạt yêu cầu khi đánh giá toàn diện, 15% cần tham vấn học đường, 5% cần can thiệp sâu.
Theo TS. Nam, chức năng, nhiệm vụ của chuyên gia tham vấn tại trường học cần được xây dựng trên 6 lĩnh vực: Sàng lọc chẩn đoán các vấn đề tâm lý xã hội; tư vấn chính trị và phát triển tâm lý; các hoạt động hỗ trợ tâm lý dự phòng; các vấn đề khủng hoảng cần can thiệp gấp; các hoạt động tham vấn với giáo viên và phụ huynh học sinh; các hoạt động điều phối trong trường học; chuyển tuyến với các trường hợp nặng hoặc có nguy cơ cao.
Theo bà Lê Quỳnh Lan, Quản lý vùng dự án Hà Nội của Tổ chức Plan, 57% trẻ em tại Việt Nam cho biết đã từng bị ảnh hưởng bởi bạo lực từ chính giáo viên. Chính vì vậy, phòng tham vấn học đường là dịch vụ cần thiết và hữu ích trong hệ thống giáo dục để mang lại mô hình trường học an toàn. Bà Lan cho rằng, để phòng tham vấn tồn tại, vai trò của giáo viên chủ nhiệm là quan trọng trong việc cung cấp thông tin ban đầu và kết nối, tìm kiếm hỗ trợ. Cán bộ tham vấn cần chủ động tiếp cận học sinh thông qua hoạt động tham vấn nhóm tại lớp hoặc cung cấp thông tin toàn trường trong sinh hoạt dưới cờ.
Như vậy, chủ trương đưa hoạt động tư vấn học đường vào các trường học là rất đúng đắn, song theo các chuyên gia giáo dục, về phía Bộ GD&ĐT cần khẩn trương thành lập một Ban chỉ đạo và sớm đưa ra một chiến lược đào tạo nhân lực tư vấn học đường, trong đó lấy trọng tâm là tổ chức hệ thống tư vấn học đường chuyên nghiệp.
Bộ GD&ĐT cần sớm có kế hoạch phát triển nhân lực tư vấn học đường cho từng giai đoạn từ nay đến năm 2030, cần sớm khuyến nghị các trường đại học, các học viện, các viện nghiên cứu giáo dục mở các chương trình đào tạo trên lĩnh vực tư vấn học đường với quy mô đào tạo hợp lý, tăng dần ngay từ năm học tới.
Bình luận