Tư vấn hướng nghiệp vào mùa: “Biết mình, biết ta”

GD&TĐ - Để thu hút người học, các trường ĐH-CĐ tung ra ngành học mới, tên gọi mỹ miều với nhiều phương thức tuyển sinh.

Chương trình Kết nối chuyên gia hướng nghiệp đến từng học sinh do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức. Ảnh: Quốc Anh
Chương trình Kết nối chuyên gia hướng nghiệp đến từng học sinh do Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức. Ảnh: Quốc Anh

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) chia sẻ với Báo GD&TĐ về một số lưu ý với sĩ tử trước mùa tuyển   sinh 2021.

Liệu cơm gắp mắm

- Trước mùa tuyển sinh, ông có lời khuyên nào dành cho thí sinh?

- Giáo dục hướng nghiệp có vai trò quan trọng, giúp học sinh nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, chọn được nghề phù hợp với bản thân, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của xã hội, góp phần vào việc phân luồng và sử dụng hợp lý nguồn lao động. Tuy nhiên, hiện giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh, đặc biệt là học sinh THPT còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục thực hiện, tháo gỡ.

Chuẩn bị bước vào mùa tuyển sinh, trước hết các em cần giữ gìn sức khỏe, đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Khi có đủ sức khỏe, HS mới thực hiện được việc học tập tốt và chọn lựa ngành nghề tương lai của mình. Chọn trường, chọn ngành nghề là việc lớn, liên quan đến tương lai bản thân, các em cần bình tĩnh, không nóng vội và chuẩn bị kỹ. Chọn đúng trường, ngành nghề, sở trường, các em có cơ hội học tập ổn định. Nếu chọn không đúng trường, ngành sẽ ảnh hưởng đến quá trình học tập và lập nghiệp.

Quan trọng nhất, các em biết “liệu cơm gắp mắm”, nghĩa là việc chọn trường, ngành cần dựa vào khả năng bản thân, sở trường, khả năng tài chính và mục tiêu phấn đấu trong tương lai. Khi định hình được, các em sẽ chọn trường đào tạo chất lượng, theo học ngành nghề yêu thích và hoạch định tương lai nghề nghiệp một cách rõ ràng. Các em cần tìm hiểu, lắng nghe tư vấn, biết mình biết ta để không… nhầm đường từ phút ban đầu.

- Theo ông, thí sinh cần tìm hiểu như thế nào để nhận diện, chọn trường, ngành phù hợp?

- Như tôi đã chia sẻ ở trên, học sinh, nhất là ở cấp THPT cần sớm quan tâm đến việc chọn trường, ngành nghề cho bản thân. Việc này không khó, vì hiện trong trường đã có hoạt động tư vấn, hướng nghiệp. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu, lắng nghe tư vấn từ những người đi trước, từ thầy cô giáo, phụ huynh.

tCác em cần tìm hiểu kỹ về nhà trường, ngành học. Cụ thể là đầu vào thế nào, quá trình học tập, giá trị bằng cấp, học phí, cơ hội việc làm sau tốt nghiệp và chất lượng cuộc sống khi làm việc. Các em cần tìm hiểu một cách thấu đáo, có như vậy mới chọn trường, chọn ngành nghề phù hợp. Thực tế, có học sinh chọn được trường, ngành nghề nhưng học phí quá cao, quá khả năng của gia đình.

Nên cân nhắc trên cơ sở hoàn cảnh, năng lực, sở trường, sức khỏe của bản thân để lựa chọn trường, nghề nghiệp phù hợp. Các em cần tránh tình trạng lựa chọn nghề nghiệp theo cảm tính hoặc thích chọn các nghề nổi tiếng, dễ kiếm tiền… mà không cần biết có phù hợp với năng lực, sở trường, hứng thú, điều kiện bản thân và nhu cầu của thị trường lao động hay không.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng GD Trung học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ). Ảnh: NVCC
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng GD Trung học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ). Ảnh: NVCC

Tư vấn hướng nghiệp trong trường học

- Giữa danh tiếng của trường, độ “hot” của ngành nghề và sở trường, năng lực bản thân, thí sinh nên cân nhắc điều gì?

- Khi bản thân xác định rõ hoàn cảnh gia đình, năng lực, sở trường, sức khỏe… sẽ xác định được động cơ học tập. Học sinh cần tìm hiểu những ngành nghề mà mình yêu thích để từ đó tự ước lượng, đánh giá một phần nào đó về việc chọn lựa nghề nghiệp bản thân cho tương lai. Bên cạnh đó, các em cũng phải tự nhận thức được khả năng của mình để có quyết định chính xác nhất trong khâu chọn lựa nghề nghiệp. Ngoài ra, các em cũng nên tìm hiểu kỹ nhu cầu lao động của thị trường, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay.

Chọn ngành nghề phù hợp chính là bí quyết quan trọng trong việc phát huy giá trị tài năng, đồng thời làm thỏa mãn đam mê của các em. Thực tế hiện nay, một số học sinh lớp 12 nhưng vẫn chưa có thông tin tiếp cận về việc lựa chọn ngành nghề, chưa được tham gia hướng nghiệp. Điều này khiến các em dễ chọn sai nghề, sai trường khiến tương lai khó có thể kiếm được việc làm như ý muốn. Nếu tập trung đến “nhãn”, “mác” của trường đó hoặc theo sự áp đặt của phụ huynh mà quên rằng người học là mình và tương lai của mình, các em sẽ khó theo đuổi đường dài với nghề.

- Để không bị nhiễu loạn trước những thông tin tư vấn, định hướng, theo ông thí sinh cần phải làm gì?

- Học sinh THPT chỉ mới ở lứa tuổi trưởng thành, chưa trải nghiệm nhiều nên việc chọn trường, ngành nghề tương lai phải có sự hướng dẫn của người đi trước. Cụ thể là thầy cô giáo, phụ huynh và vai trò tư vấn của các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, các chuyên gia… 

Hiện có nhiều kênh tư vấn và không khó để tìm kiếm, tuy nhiên, học sinh phải biết chọn lọc, căn cứ vào nhu cầu của bản thân. Các em cần chọn lọc kênh tư vấn chính thống do ngành Giáo dục tổ chức hoặc thông qua hoạt động tư vấn của nhà trường, thầy cô giáo, anh chị đi trước. Với các kênh thông qua Internet, mạng xã hội cần chọn lọc kênh chính thống, người tư vấn có uy tín… 

Tới đây, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Sở sẽ mời các trường, chuyên gia uy tín tham gia, qua đó giúp các em xác định được mục tiêu học tập; chọn trường, ngành nghề trong tương lai, tránh tình trạng mạnh ai nấy tư vấn khiến học sinh bị rối, thậm chí nhầm đường trong việc chọn trường, nghề.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.