Mỗi một tác phẩm đều mang âm hưởng và hơi thở của thời đại. Ra đời vào những thời điểm trọng đại của đất nước, một số áng thơ văn đã được xem là những tuyên ngôn độc lập của dân tộc, trường tồn với thời gian.
1.
Ở thế kỉ XI, vào năm 1077, quân và dân ta thời Lý đã chiến thắng quân xâm lược nhà Tống. Trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, giữa thế giằng co của cuộc chiến, để khích lệ tinh thần của tướng sỹ, vào một đêm tối trời, trong ngôi đền của các tướng Trương Hống và Trương Hát, bỗng vọng lên tiếng ngâm vang dội của “phúc thần”:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Dịch nghĩa:
Sông núi nước nam, vua Nam ở,
Rành rành ghi rõ ở sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
Bài thơ ngắn gọn nhưng âm hưởng thơ vang tỏa, tác động mạnh và có sức cổ vũ, cảm hóa lớn lao. “Nam quốc sơn hà” là sông núi nước Nam, “Nam đế cư” là sông núi nước Nam của vua nước Nam. Điều đó đã trở thành bất di bất dịch. Kế đó, tác giả nhấn mạnh thêm, nước Nam là của vua Nam, của dân Nam và đã được Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Ở đây, Lý Thường Kiệt đã rất khéo léo trong việc lấy uy quyền của trời để xác nhận một cách vững chắc chủ quyền độc lập của dân tộc. Tư duy của tác giả đã nhận thức sự bền vững của truyền thống độc lập dân tộc khi khẳng định sông núi nước Nam, vua Nam ở. Vua là đại diện cho trăm họ. Sự lệ thuộc của trăm họ thần dân vào những bước thăng trầm của một triều đại. Vua cũng là nước, cho nên trung quân là ái quốc. Sức mạnh của đoàn kết sẽ làm nên chiến thắng:
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Đứng trên lập trường của một dân tộc có chủ quyền, tác giả đã lên tiếng hỏi tội quân xâm lược và vạch trần tội ác của chúng. Chúng đã làm trái lẽ trời, vì vậy trời sẽ không dung tha cho chúng, sự thất bại của những kẻ có hành động phi nhân, phi nghĩa là tất yếu. Tiếng nói của chính nghĩa, tiếng nói hào hùng của dân tộc vang lên trong từng câu chữ. Đó chính là bản anh hùng ca bất diệt của non sông, được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc.
2.
Sau khi quân ta đại thắng quân Minh, Nguyễn Trãi thừa lệnh Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo. Tác phẩm dài 145 câu tràn đầy tinh thần tự hào dân tộc, có ý nghĩa trọng đại của một bản tuyên ngôn độc lập được công bố vào tháng Chạp, năm Đinh Mùi (tức đầu năm 1428). Bài cáo mở đầu bằng luận đề chính nghĩa:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
Yêu nước là an dân, muốn an dân phải trừ bạo, đem lại cuộc sống thái bình cho dân. Tư tưởng nhân nghĩa ấy xuyên suốt cả tác phẩm. Triết lý nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng “cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước, thương dân: Cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước nhà, hạnh phúc của dân”.
Tiếp theo tác giả khẳng định niềm tự hào dân tộc:
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Nguyễn Trãi đã đưa ra những yếu tố cơ bản để xác định độc lập, chủ quyền của dân tộc: Nền văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử riêng, chế độ riêng. Với những yếu tố này, ông đã phát biểu một cách hoàn chỉnh quan niệm về quốc gia, dân tộc.
Tội ác của quân thù Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ là tội diệt chủng, vì thế Lẽ nào trời đất dung tha/Ai bảo thần nhân chịu được. Chung sức, chung lòng, nghĩa quân Lam Sơn với lòng căm thù giặc sâu sắc, tự giác đặt vận mệnh của dân tộc lên vai mình; nhiệt huyết cứu nước trở thành hoài bão… đã đứng lên với khí thế quyết chiến, quyết thắng như vũ bão, để rồi:
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Bài thơ Sông núi nước Nam của Lý Thường Kiệt và Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đều được coi là tuyên ngôn độc lập của dân tộc. Cả hai cùng thể hiện ý thức độc lập dân tộc, niềm tự hào dân tộc, cùng khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước, của chân lý chính nghĩa. Tuy nhiên, Bình Ngô đại cáo là tác phẩm viết sau nên có sự tiếp nối đồng thời cũng có sự phát triển so với Sông núi nước Nam.
3.
Tiếp bước truyền thống cha ông, dân tộc ta đã làm nên cuộc cách mạng kì diệu: Cách mạng tháng Tám năm 1945. Với cuộc cách mạng này, chúng ta đã đập tan toàn bộ bộ máy thống trị của đế quốc và tay sai trong gần một thế kỉ trên đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Bác trích lời trong hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mĩ. Điều đó chứng tỏ dụng ý của Bác không chỉ tuyên bố độc lập trước toàn thể dân tộc, nhân dân thế giới mà còn cho những cường quốc nhòm ngó xâm lược nước ta biết rằng, Việt Nam là một quốc gia độc lập, không can thiệp vào bất kì nước nào và cũng kiên quyết không cho phép bất kì nước nào xâm phạm đến chủ quyền dân tộc của mình.
Tiếp đó, Bác đã dùng lối liệt kê để chứng minh một cách toàn diện tội ác của thực dân Pháp trong hơn 80 năm đô hộ nước ta trên các phương diện: Chính trị, tư tưởng, kinh tế, quân sự. Tố cáo tội ác thực dân Pháp, Người đã lần lượt đưa ra các luận điểm, luận cứ và luận chứng rất xác thực, ngắn gọn, giàu sức thuyết phục. Chính vì độc lập do mà dân tộc ta đã hi sinh xương máu. Bác nhấn mạnh: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”, và trên thực tế chúng ta đã giành được chính quyền trước khi quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật.
Lời văn mạnh mẽ, dứt khoát, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Kết thúc bản tuyên ngôn là lời tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn: Tuyên bố chấm dứt chế độ thuộc địa phong kiến ở nước ta và mở ra kỉ nguyên độc lập tự do của dân tộc; kết tinh lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc và tinh thần yêu chuộng độc lập, tự do.
Bản tuyên ngôn của Người còn là áng văn chính luận mẫu mực, ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, bằng chứng xác thực, giàu sức thuyết phục. Giọng văn linh hoạt, ngôn ngữ chính xác, gợi cảm… tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tình cảm của người đọc, người nghe.
Ngoài ra tác phẩm còn có giá trị tư tưởng sâu sắc, chứa đựng tình cảm yêu nước, thương dân nồng nàn của Hồ Chí Minh, cổ vũ cho tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới. Tư tưởng kết tinh trong bản tuyên ngôn có ý nghĩa cao đẹp, vừa mang tầm vóc quốc tế, vừa mang ý nghĩa nhân đạo của nhân loại trong thế kỉ XX.
Nói như tác giả Trần Dân Tiên: Bản tuyên ngôn độc lập là kết quả của bao nhiêu máu đổ, bao nhiêu tính mệnh đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường. Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hi vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam.