Tư tưởng nhất quán giáo dục là quốc sách hàng đầu
Có thể lấy mốc thời gian từ tháng 8/1910 đến tháng 2/1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh, Phan Thiết đánh dấu sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Thầy luôn căn dặn học trò thân yêu: “Chữ là mắt. Người không có chữ coi như bị mù vậy”. Thầy tâm sự với các em: “Thầy nghĩ chúng ta học cái chữ để biết được điều hay, lẽ phải trên đời và theo thầy, trước hết là học để biết và làm được những việc ích nước, lợi dân”.
Năm 1942-1943, Bác Hồ từ Liên Xô về Trung Quốc vận động cách mạng bị chính quyền Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch bắt giam. Bác viết Ngục trung nhật ký bằng chữ Hán. Trong đó có bài Dạ bán, toát lên triết lý về giáo dục.
Thụy thì đô tượng thuần lương hán,
Tỉnh hậu tài phân thiện, ác nhân;
Thiện, ác nguyên lai vô định tính,
Đa do giáo dục đích nguyên nhân.
Nam Trân dịch:
Nửa đêm
Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền;
Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên.
Muốn phân tích bài thơ này dưới góc độ triết lý giáo dục, chúng ta trở lại “tiên đề triết học” Trung Hoa cổ đại. Bách gia chư tử thời Xuân Thu-Chiến Quốc đặt tiên đề triết học: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” hay “Nhân chi sơ, tính bổn ác”? Các triết gia chia làm hai phái:
Phái “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, tức Đức trị, có Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử…
Phái “Nhân chi sơ tính bổn ác”, tức Pháp trị có: Hàn Phi Tử, Tuân Tử, Thương Ưởng, Lã Bất Vi…
Tần Thủy Hoàng dùng học thuyết Pháp trị của Hàn Phi Tử gồm thu lục quốc. Thế nhưng nhà Tần bị sụp đổ vì cai trị tàn bạo, không được lòng dân. Lưu Bang, Hán Cao Tổ dùng cả Đức trị lẫn Pháp trị để thống nhất Trung Hoa. Từ đó trở về sau, trong nền giáo dục Đông phương đi cả “hai chân”: Đức trị và Pháp trị.
Trở lại bài thơ Dạ bán của Bác Hồ:
Thiện, ác nguyên lai vô định tính,
Đa do giáo dục đích nguyên nhân
Theo Bác, “Thiện ác nguyên lai vô định tính”: Khởi thủy con người sinh ra không có thiện hay ác. “Đa do giáo dục đích nguyên nhân”: Con người thiện hay ác đa phần là do giáo dục mà nên. Rõ ràng, muốn xây dựng xã hội tốt đẹp, cốt lõi giáo dục phải tiên phong.
Trong khi các nhà Nho xưa quan niệm: Tiểu nhân thì “nhân chi sơ, tính bổn ác” dùng Pháp trị; quân tử thì “nhân chi sơ, tính bổn thiện” dùng Đức trị. Nho gia có câu: “Lễ không tới tiểu nhân; Pháp không tới quân tử”! Đây là triết lý siêu hình, phân biệt giai cấp, phân biệt người bình dân với kẻ quý tộc trong xã hội phong kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Cộng sản, với tư tưởng duy vật biện chứng đã chỉ ra được cái cốt lõi của tri thức, nhân cách con người là do giáo dục mà nên.
Ở góc độ tiên đề triết học, tư tưởng này của Bác không đi ngược lại triết lý Đông phương, có kế thừa và phát triển ở tầm cao hơn. Mặt khác, tư tưởng đề cao vai trò giáo dục cũng phù hợp với truyền thống giáo dục Việt Nam ngàn năm qua: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” - câu của Thân Nhân Trung ghi ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hiền tài ở đâu mà có? Chính là do giáo dục mà ra!
Từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến lúc trở thành lãnh tụ cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục nhất quán: Giáo dục là quốc sách hàng đầu.
“Sánh vai với các cường quốc năm châu”
Lúc ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết Bản án chế độ thực dân Pháp cực lực lên án chính sách ngu dân. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, ngày 11/6/1948, trong lời kêu gọi thi đua ái quốc, Hồ Chủ tịch đưa ra lời hiệu triệu “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”.
Trong “Thư gửi cho học sinh”, ngày 5/9/1945, Bác viết: “Ngày nay, các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.
Bác khích lệ học sinh chăm chỉ học tập để làm rạng rỡ cho nước nhà: “Sau 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (Hồ Chí Minh - Về vấn đề giáo dục, sđd, tr. 37).
Cho đến bức thư cuối cùng gửi cho ngành GD-ĐT, ngày 15/10/1968, Bác viết: “Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn, nhằm giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra, và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật” (Hồ Chí Minh - Về vấn đề giáo dục, Sđd, tr. 257-258).
Phương pháp giáo dục Hồ Chí Minh
Ngay từ tiên đề triết lý giáo dục đã đặt ra: sự hình thành nhân cách, tri thức của con người do giáo dục mà ra. Điều này đồng nghĩa với quan điểm giáo dục phải toàn diện: đức, trí, thể, mỹ… cho con người. Chính giáo dục đã đào tạo ra con người đáp ứng với nhu cầu thực tiễn xã hội. Với một tầm nhìn thời đại và tư duy toàn cầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những mục tiêu của giáo dục là “Đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, phát triển toàn diện con người, thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”. “Học để sửa chữa tư tưởng”. “Học để tu công đạo đức cách mạng”. “Học để tin tưởng”, v.v...
Muốn giáo dục đạt mục đích ấy, vấn đề giáo dục phải như thế nào? “Như thế nào” chính là đặc điểm của văn hóa Đông phương, khác với triết lý “tại sao” của văn hóa Tây phương. Tức, văn hóa Đông phương xem trọng phương pháp giáo dục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phương pháp giáo dục. Người nhấn mạnh, muốn học tập có kết quả tốt thì phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Ngay từ những ngày còn dạy học ở Trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã áp dụng phương pháp giáo dục “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”.
Bác dạy: “Học và hành phải đi đôi với nhau. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Người phân tích: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem loè thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung giáo dục phải gắn với thực tiễn Việt Nam, học đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế, học tập phải kết hợp với lao động sản xuất. Giáo dục phải kết hợp cả ba khâu gia đình, nhà trường và xã hội. Xem nhẹ bất kỳ khâu nào cũng đều hạn chế đến kết quả của giáo dục, hơn nữa có thể đưa đến những hậu quả khó lường.
Trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác, Người bôn ba năm châu, bốn biển, đến đâu cũng học tập ngôn ngữ, văn hóa, cách làm báo, làm cách mạng, học suốt đời… Mục tiêu của Người là học để làm cách mạng. Nhờ đó, Người trở thành nhà văn hóa lớn của thế giới, với kiến thức uyên thâm của nhà hiền triết, nhà cách mạng lỗi lạc.
Tấm gương học tập của Người hơn cả một học thuyết về giáo dục. Quá trình tự học của Người để tổng kết thực tiễn thành lý luận. Đem lý luận ứng dụng vào thực tiễn. Đó chính là phương pháp giáo dục hiện đại trong thời kỳ hội nhập quốc tế!
Áp dụng vào thực tiễn
Đảng và Nhà nước có nhiều Nghị quyết, Nghị định về giáo dục và đào tạo, trong đó xem giáo dục là quốc sách. Những vấn đề căn bản về lý luận, cũng như việc tăng cường học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong ngành giáo dục đã được triển khai rộng khắp. Vấn đề nổi cộm hiện nay trong việc áp dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn chính là chương trình giáo dục - đào tạo, phương pháp giáo dục - đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu xã hội, gắn với thực tiễn đời sống; học đi đôi với hành, chứ không phải lý thuyết suông, lý luận suông.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, rất nhiều ngành nghề mới tương ứng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi ngành giáo dục - đào tạo phải có dự án đi tiên phong, tạo ra bước đột phá trong giáo dục - đào tạo. Song song đó, hằng năm nước ta cũng có hàng chục vạn lao động xuất khẩu qua Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông… Đa số là lao động phổ thông vì phần lớn bằng cấp của nước ta chưa “hội nhập” quốc tế…
Mong rằng trong tương lai không xa, chúng ta khắc phục được khó khăn này!