Tự truyện của nghị lực và tình yêu thương

GD&TĐ - Sau thời gian dài ấp ủ, chiều 17/6 tại TPHCM, Saigon Books tổ chức buổi giao lưu và ra mắt tự truyện “Ông giáo làng trên tầng gác mái” (NXB Thế giới) của thầy giáo Nguyễn Thế Vinh do nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà chấp bút.

Tự truyện của nghị lực và tình yêu thương

Đã từ lâu, Nguyễn Thế Vinh trở nên quen thuộc với nhiều người trong vai trò thầy giáo ở Trung tâm Hướng Dương – cơ sở bảo trợ xã hội chuyên nuôi dạy trẻ mồi côi và khuyết khuyết tật ở Bình Dương- hay trên các sân khấu trong và ngoài nước với hình ảnh vừa chơi đàn guitar vừa thổi kèn harmonica. Nhưng cuộc đời của anh không chỉ có thế, tự truyện “Ông giáo làng trên tầng gác mái” cung cấp thêm nhiều câu chuyện thú vị bên cạnh một Nguyễn Thế Vinh mà nhiều người đã biết.

Tại buổi giao lưu, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng khách mời và bạn đọc đã ngồi kín cả một góc đường sách Nguyễn Văn Bình. Mọi người cùng nghe những người làm nên cuốn sách “Ông giáo làng trên tầng gác mái” chia sẻ những trải nghiệm trong quá trình triển khai làm ấn phẩm.

Những chi tiết ngoài lề nhưng góp phần làm cho ấn phẩm thêm phần trang trọng, như anh Nguyễn Thế Vinh bộc bạch: Trong quá trình làm sách, nhiều lúc chị Nguyễn Thị Việt Hà từ Ca Mau lên gặp anh để trao đổi thông tin, tư liệu nhưng do anh bận quá nên chị phải trở về tay không; hay như chuyện chị Dương Ngọc Hân – Tổng Biên tập Saigon Books chia sẻ, đoạn nói về chuyện yêu đương của anh Vinh, thấy anh yêu đắm đuối, thấy thương quá nên nhiều lúc biên tập phải can thiệp để bảo vệ anh…

Câu chuyện cuộc đời của Nguyễn Thế Vinh bắt đầu từ một tai nạn bất ngờ: Mùa hè năm 1979, trong một lần đi chăn bò, Vinh không may bị ngã từ trên lưng bò xuống đất khiến một đoạn xương trong cánh tay phải bị gãy cong lên. Ông thầy thuốc Nam đã bó tay anh quá chặt đến mức cánh tay bị hoại tử hoàn toàn, buộc phải cắt bỏ. Năm đó, Vinh vừa lên 9 tuổi.

Nguyễn Thế Vinh đã bước vào đời với một cánh tay như thế. Nhưng đó vẫn chưa phải là khó khăn lớn nhất, mà cuộc đời anh còn chịu sự xoay vần theo sự biến thiên của thời cuộc với bao xáo trộn, mất mát và chia ly. Để phụ giúp gia đình, từ năm 15 tuổi, Nguyễn Thế Vinh đã nhảy tàu đi buôn lậu. Anh đánh cược số phận mình trên những chuyến tàu, mỗi lần mang 1-2 ký mực khô bó quanh người, trốn sự kiểm soát thời ngăn sông cấm chợ, đi suốt từ Bình Thuận vào Sài Gòn bỏ mối.

Đến năm 18 tuổi, khi đã thành sinh viên của Trường ĐH Kinh tế TPHCM, anh lại chuyển sang buôn cá phân - loại cá nhỏ phơi khô xay thành bột để làm thức ăn cho gia súc. Sau đó, anh còn trải qua nhiều công việc khác như vá xe ở lề đường, trông giữ bãi xe cho một người họ hàng…

Ở ấn phẩm “Ông giáo làng trên tầng gác mái”, thể hiện với bao khó khăn vất vả nhưng chưa bao giờ Nguyễn Thế Vinh buông xuôi hay tự ti với khuyết thiếu của mình.

Khác với những cuốn tự truyện khác, trong cuốn sách này, sau mỗi chương sách về câu chuyện cuộc đời của Nguyễn Thế Vinh là những bộc bạch, cảm nhận và chia sẻ của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà. Ở đó, không còn khoảng cách giữa nhân vật và người chấp bút, mà có sự hòa quyện, đồng cảm với nhau giữa hai tâm hồn. Họ cùng chia sẻ, lắng nghe và thấu hiểu nhau. Cuốn sách là kết quả của nhiều lần đi về giữa Cà Mau và Bình Dương của nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, trong quá trình thu thập tư liệu về Nguyễn Thế Vinh.

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà chia sẻ: “Khi trò chuyện cùng Vinh, tôi thấy mình thực sự bị hút vào một thế giới khác - thế giới của riêng Vinh. Thế giới ấy hoàn toàn có thực, chuyển động và đổi thay từng phút. Tôi thắt lòng khi nghĩ suốt nửa đời người, mình đã trồi hụp đâu đó giữa những đợt sóng trào, cố gắng ghi những dấu ấn cá nhân nhưng rốt cuộc lại lẫn lộn đời mình vào đời người khác. Vinh chọn lối sống đơn giản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều: xem muôn trùng lận đận như là điều vốn dĩ, cứ bình thản đợi, cứ bình thản chung sống, cứ bình thản đồng hành với chúng”.

Khi nhắc về Nguyễn Thế Vinh không thể không nhắc về ngôi trường Hướng Dương. Ở tự truyện “Ông giáo làng trên tầng gác mái”, một lần nữa Nguyễn Thế Vinh chia sẻ tâm huyết trong việc thành lập trường Hướng Dương, từ lúc manh nha ý tưởng đến hành trình gian nan đi xin giấy phép, rồi rong ruổi từ Nam ra Bắc tìm học trò. Ở đó có những thế hệ học trò đã trưởng thành, đóng góp cho xã hội; đặc biệt từ ngôi trường Hướng Dương, đã có 31 em được sang Nhật học tập và làm việc. Anh cũng không màng đến việc các em có quay lại mái ấm xưa để tiếp sức cho mình, cùng dìu dắt những đàn em đang lớn; cũng không màng đến chuyện ơn nghĩa...

Theo thông tin từ Saigon Books, với mỗi cuốn tự truyện “Ông giáo làng trên tầng gác mái” được bán ra, sẽ dành tặng 25.000 đồng để ủng hộ cho trường Hướng Dương xây dựng thư viện và khu đọc sách. Đây là lần thứ hai Saigon Books có cơ hội được chia sẻ với các em của trường Hướng Dương. Trước đó, vào cuối năm 2016, trong dịp ra mắt cuốn sách “Làm như chơi” của tác giả Minh Niệm, Saigon Books cũng đã ủng hộ 40 triệu đồng từ doanh thu bán sách để ủng hộ trường Hướng Dương.

Tự truyện của nghị lực và tình yêu thương ảnh 1Tự truyện của nghị lực và tình yêu thương ảnh 2Tự truyện của nghị lực và tình yêu thương ảnh 3
Tự truyện của nghị lực và tình yêu thương ảnh 4

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ