Giai thoại những vị vua chúa 'tôn sư trọng đạo'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 'Tôn sư trọng đạo' không chỉ là truyền thống cao quý và đẹp đẽ của dân tộc, mà còn là đạo lý không thể tách rời của học trò đối với người thầy.

Tượng thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục.
Tượng thờ vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục.

Ở triều đại nào, đạo lý ấy cũng được coi trọng và trở thành tấm gương sáng về đạo học - đạo làm người.

Vua Hùng coi trọng người thầy

“Ngọc phả đình thôn Hương Lan” viết rằng, thời Hùng Vương thứ 18 niên hiệu Hùng Duệ Vương, từ vua đến dân rất quan tâm đến việc học hành, tôn sư trọng đạo. Vua Hùng thứ 18 đặc biệt chú trọng việc dạy chữ, dạy người.

Cùng thời đó có vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục mở lớp dạy học ngay tại đô thành Văn Lang. Biết được tâm đức của thầy cô, Hùng Duệ Vương đã mời hai người vào cung dạy học cho công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa.

Hai công chúa được thầy Vũ Thê Lang và Nguyễn Thị Thục dạy chữ, dạy đạo làm người và nhanh chóng trở thành những công nương hiền thục, giỏi giang. Khi thầy cô tạ thế cùng giờ, cùng ngày 2/2 năm Quý Dậu (288 trước Công nguyên), Vua Hùng cùng người dân thôn Hương Lan tiếc thương nên đã an táng ngay tại địa điểm hai người mở lớp dạy học, táng cùng một ngôi mộ. Nhà vua cũng cho phép thôn Hương Lan lập miếu để thờ cúng, hương hỏa.

Ngọc phả viết vào năm Hồng Phúc thứ 2 (1573) đời vua Lê Anh Tông, có đoạn: Vào thời Hùng Duệ Vương, ở đất Mộ Trạch có vợ chồng Vũ Công, thuộc gia đình có học. Cha mẹ mất sớm, cảnh nhà sa sút, hai người lần tìm về đô thành Phong Châu, tới thôn Hương Lan mở lớp dạy học. Dân làng đã cấp cho họ ruộng đất để trả công dạy dỗ.

Vợ chồng Vũ Công sinh hạ được một người con trai là Vũ Thê Lang. Lớn lên, Vũ Thê Lang tìm về người bạn cũ của bố là Nguyễn Công ở đất Đông Ngàn – Kinh Bắc. Nguyễn Công đã gả cho Thê Lang người con gái yêu của mình là Nguyễn Thị Thục.

Khi cha chết, Vũ Thê Lang tiếp tục thay cha dạy học, Thục Nương giúp dân nghề nông trang, canh cửi. Tiếng lành đồn xa, nhờ học vấn cao và tận tụy với nghề, sống giản dị và mẫu mực nên ông giáo Vũ Thê được Vua Hùng thứ 18 giao cho chăm nom việc học hành.

Vợ chồng thầy giáo Vũ Thê Lang được thờ tại Thiên Cổ Miếu hiện tọa tại thôn Hương Lan, xã Trưng Vương (Việt Trì – Phú Thọ). Người dân địa phương khẳng định, ngay từ thời Hùng Vương ngôi miếu đã được dựng để tưởng nhớ đến người thầy giáo đã có công dạy chữ rèn người.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Bảo tàng Hùng Vương cho rằng, Thiên Cổ Miếu xưa kia gần như là một “miếu chủ” thờ người thầy giáo tài đức nhất ở kinh đô Văn Lang. Ngày nay, ý nghĩa đó đang được khơi dậy khi nhiều người coi đây là chốn về thể hiện sự tôn sư trọng đạo.

Thiên Cổ Miếu - 'miếu chủ' thờ người thầy thể hiện đạo lý 'tôn sư trọng đạo'.

Thiên Cổ Miếu - 'miếu chủ' thờ người thầy thể hiện đạo lý 'tôn sư trọng đạo'.

Vua Lê Hiến Tông thăm thầy giáo cũ

Sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi lại câu chuyện cảm động về đạo thầy trò. Đó là chuyện vua Lê Hiến Tông (1461 - 1504) đến thăm thầy học cũ là Thượng thư Lễ bộ Nguyễn Bảo.

Khi đến cổng làng Châu Khê, vua lệnh dừng kiệu và bước xuống đường rẽ vào nhà thầy. Vua chỉ chọn vài cận thần cùng một vị quan sở tại tháp tùng, vua nói: “Hôm nay trẫm về đây để thăm thầy chứ không phải vi hành”. Nhà vua đi bộ cùng viên quan trấn và mấy quan hầu cận tiến vào nhà thầy, không trống phách, không nhạc nhã, không tiếng hô dẹp đường.

Cụ Thượng thư già cùng con cháu mũ áo chỉnh tề ra tận đầu thôn bày hương án nghênh tiếp vua, thấy thầy giáo, vua vội đến gần. Theo nghĩa vua tôi, cụ Thượng thư sụp lạy nhưng vua Lê Hiến Tông nhanh tay nâng vai thầy lên, lễ phép nói: “Xin lão tiên sinh bình thân để cho đệ tử không bị thất lễ”.

Sau đó, quay lại với những người đang quỳ rạp hai bên đường: “Cho tất cả các người đứng dậy cùng trẫm về nhà tôn sư”. Đồng thời nhà vua nhắc lại rằng, vua đến đây để thăm thầy chứ không phải đi việc công cán, mọi nghi lễ chốn triều đình nên dùng vào lúc khác.

Vua mời cụ ngồi lên sập giữa để mình đứng vấn an thầy. Nghe vậy cụ Nguyễn Bảo giật mình: Tâu bệ hạ, đâu lại có thể như thế được. Đạo thầy là nặng, song phép nước cao hơn, xin hoàng thượng cho lão phu này được đứng hầu. Người ngoài trông vào sao tiện ạ.

Đáp lại, nhà vua nói: “Thưa tôn sư, họ đã biết mục đích của trẫm hôm nay rồi. Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung là đã quá lắm rồi”. Nói xong, nhà vua đỡ cụ xuống cùng ngồi đàm đạo. Vua hỏi thăm sức khỏe và đời sống của thầy cùng gia đình, xin xem những bài thơ của thầy làm khi nhàn rỗi ở chốn thôn dã.

Thưởng thức chén trà ngát hương sen đồng nội, nhà vua nói với các quan theo hầu: “Trẫm cho các ngươi lui. Chiều nay trẫm không dùng “ngự thiện”, trẫm xin với lão tiên sinh cùng gia đình ăn bữa cơm quê. Trẫm muốn được ngồi chung mâm với thầy cũ cho thỏa tình thầy trò, chắc lão tiên sinh cho phép”.

Cụ giáo nghẹn ngào: “Xin bái tạ đức vua. Thánh chỉ đã truyền, thần xin vâng mệnh”. Bữa cơm dân dã thầy trò chiều hôm đó diễn ra thân mật. Các con cụ đứng hầu từ xa ngắm thầy trò nhà vua đối ẩm với thứ rượu nếp quý quê nhà hương thơm sực nức, nghe thầy trò nhà vua vừa ăn vừa ngâm nga thơ phú.

Cụ giáo già có lẽ còn vui hơn cả nhà vua, bởi lẽ ông có học trò ở ngôi tôn quý nhất nước vẫn mực thước trung hiếu giữ đạo nghĩa thầy trò. Ông càng hài lòng vì học trò cũ của mình dẫu ngồi trên ngai vàng vẫn không quên gốc rễ của đạo học.

Nhà vua đặc biệt thưởng thức món canh cua quê kiểng, bất giác nói: “Thầy cho con ăn một bát canh này thật là niềm hạnh phúc. Hương vị cua đồng quê nhà ít có thức ăn nào sánh bằng, quả là ngon”.

Vua Lê Hiến Tông thăm thầy giáo cũ. Minh họa: INT.

Vua Lê Hiến Tông thăm thầy giáo cũ. Minh họa: INT.

Giữ được thiên hạ là công của thầy

Vào thời Lê - Trịnh, có một thầy giáo rất nổi tiếng là Nguyễn Hoàn, cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn với việc đào tạo, dạy bảo Trịnh Sâm trở thành một người nổi tiếng hay chữ. Khi làm lễ khai tâm cho Thế tử Trịnh Sâm, chúa Trịnh Doanh sai Thế tử vào lạy thầy dạy học. Nguyễn Hoàn xin từ nhưng chúa nói: “Giáp Thành giập đầu vái Y Chu, Tống Trân cúi đầu lạy Vương Mãn, đó là lễ vậy”.

Nguyễn Hoàn dạy Thế tử học hành mau tiến tới, Thế tử ngày càng yêu mến thầy dạy. Một hôm chúa Trịnh Doanh ban yến tiệc trong phủ, sai Thế tử quét sân. Thế tử thấy miếng thịt rơi dưới đất bèn nhặt lên, chúa Trịnh Doanh trông thấy rất lấy làm mừng, bèn mời Nguyễn Hoàn vào ban thưởng 10 lạng bạc và thuật lại chuyện trên. Chúa nói: “Thế tử biết tiếc của trời, sau này sẽ giữ được thiên hạ, ấy là công dạy dỗ của thầy”.

Tháng 10/1758, chúa Trịnh Doanh phong cho Trịnh Sâm làm Thiết chế thủy bộ chư quân, chức Thái úy, tước Tĩnh Quốc công, mở phủ Lượng Quốc. Các việc cơ mật của nhà nước đều ủy cho tài phán quyết định. Lúc bấy giờ Giảng quan Nguyễn Hoàn làm Thập châm (10 điều châm) dâng lên.

Năm 1767, được kế vị ngôi chúa, Trịnh Sâm rất trân trọng và cảm phục đức độ, trí tuệ siêu việt của người thầy tôn kính. Chính vì thế mà năm sau, Nguyễn Hoàn đã dâng sách “Tiềm long thực lục” chép những việc trong quãng thời gian 23 năm từ khi Trịnh Sâm khai tâm đến lúc lên ngôi chúa, tiến phong là Nguyên soái tổng quốc chính, Tĩnh Đô vương.

Trịnh Sâm là người cứng rắn, thông minh, quyết đoán, được Nguyễn Hoàn dạy đến nơi đến chốn, có đủ tài văn võ, đã xem khắp kinh sử và biết làm thơ. Ngay từ những ngày đầu làm chúa, Trịnh Sâm đã cho sửa đổi lại từ kỷ cương triều nội đến chính sự cả nước được bề thế hơn. Đạo thầy – trò, dù là ở vai chúa hay bề tôi cũng vẫn trọn vẹn, để lại đức sáng “tôn sư trọng đạo” cho muôn đời sau soi tỏ.

Vua coi thầy như cha

Vào thời nhà Nguyễn, đạo lý “tôn sư trọng đạo” được nâng hàng thượng đạt, vai trò người thầy càng được coi trọng hơn bao giờ hết. Trong số các hoàng tử do Tiến sĩ Nguyễn Đăng Tuân dạy dỗ có Nguyễn Phúc Miên Tông (sau này là vua Thiệu Trị).

Năm 1838, ông dâng bản tấu xin về quê nghỉ dưỡng bệnh, vua Minh Mệnh ban chỉ rằng: “Trẫm xem bản tấu đã biết tình hình ốm bệnh của khanh nhưng hiện nay chưa tìm được người thay thế để dạy bảo hoàng tử. Vả lại quê quán của ngươi không xa, truyền cho ở lại Kinh, ta sẽ nhanh chóng tìm thầy chữa chạy và cấp thêm tiền bổng để thuốc thang, đợi mấy tháng sau nếu bệnh tình không thuyên giảm sẽ có chỉ sau”.

Thiệu Trị được biết đến là vị vua coi thầy như cha, khi lên ngôi năm 1841 vua ban Dụ cho Nội các rằng: “Tham tri Lễ bộ Nguyễn Đăng Tuân là người dạy dỗ Trẫm học hành, trải qua nhiều năm nên già yếu bệnh tật... nay các hoàng đệ của ta đã trưởng thành đều nhờ công lao dạy dỗ của viên ấy. Vậy nay lại gọi ra cho làm ấu bảo của hoàng tử và gia thưởng hàm Thượng thư”.

Bản phụng Thượng Dụ cho Nguyễn Đăng Tuân khôi phục nguyên hàm Thượng thư sung làm sư bảo để dạy dỗ các hoàng tử, hoàng đệ (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn).

Bản phụng Thượng Dụ cho Nguyễn Đăng Tuân khôi phục nguyên hàm Thượng thư sung làm sư bảo để dạy dỗ các hoàng tử, hoàng đệ (Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn).

Tháng 8 năm đó vua Thiệu Trị lại ban một đạo Dụ: “Từ cổ xưa các bậc đế vương yêu thương con em mình đều rất cẩn trọng chọn bậc chính nhân quân tử làm thầy dạy dỗ. Nay xét thấy đang thiếu người làm sư bảo, vậy truyền cho Nguyễn Đăng Tuân khôi phục giữ nguyên hàm Thượng thư sung làm sư bảo cho các hoàng tử…”.

Có thể thấy vua Thiệu Trị rất thành kính trọng thị đối đãi với thầy học. Nhà vua nói với hoàng tử trưởng Hồng Bảo rằng: “Con học thức còn nông kém, phàm gặp việc gì đều cần phải hỏi đến Sư bảo. Cổ nhân còn vái lạy khi được nghe lời nói chính đáng, huống chi là đối với thầy học”.

Tháng 9 năm 1842, Nguyễn Đăng Tuân dâng sớ tâu bị chứng bệnh đau đầu khó thở, xin về quê điều dưỡng. Nhà vua tuyên chỉ đến thăm hỏi thấy bệnh tình rất nặng bèn cho giữ nguyên hàm Thượng thư về quê hưu dưỡng, ban thưởng 10 con sâm Cao Ly, 10 tấm quế Thanh, 100 lạng bạc để chi cho việc thuốc thang.

Lại truyền Bộ Công phái thuyền có mui cho binh lính đi theo, bộ Lễ phái một thuộc viên, Viện Thái y phái một thuộc viên để hộ tống. Ngày lên đường, vua truyền Hoàng tử Hồng Bảo đích thân tiễn đưa thầy dạy lên thuyền và truyền cho quan tỉnh điều phái phu trạm đợi sẵn để hộ tống thầy về quê.

Tháng 12 năm 1844, Nguyễn Đăng Tuân mất tại quê nhà, thọ 72 tuổi. Vua Thiệu Trị vô cùng thương xót, cho truy tặng hàm Thiếu sư, lại ban cho tên thụy là Văn Chính, gia cấp cho 3 cây gấm hoa, 5 cây sa hoa, vải lụa mỗi thứ 50 tấm, 1.000 quan tiền.

Ngày an táng thầy giáo Nguyễn Đăng Tuân, vua Thiệu Trị có Dụ rằng: “Tiên sinh là bậc kỳ cựu ba triều, tuổi và đức đều đáng trọng. Ngày trước, khi Trẫm còn ở Đông cung, phần nhiều nhờ tiên sinh giảng dạy đạo phải, không ngờ tiên sinh ra đi lần này, trở thành vĩnh biệt. Văn thơ này đều do Trẫm sáng tác để làm vinh điển trọng đạo, tôn vinh đầy đủ hành trạng trước sau, một lòng trung hiếu của tiên sinh. Vậy nên cho khắc vào đá, truyền mãi về sau”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.