Liệu thời tiết có luôn hiền hòa, chiều lòng người hay trong đó còn ẩn chứa muôn hình vạn trạng của những “đỏng đảnh” mưa nắng, nóng lạnh? Câu trả lời có thể tìm thấy trong cuốn sách “Thời tiết mạnh như bão tố” cùng không ít câu chuyện kì thú.
Thất thường, nguy hiểm
Ngay từ hình ảnh bìa, cuốn sách đã ngay lập tức khiến mọi người phải chú ý. Đó là cơn lốc xoáy đang hoành hành, cuốn theo mọi thứ trên đường đi của nó. Thậm chí, sức gió của cơn lốc xoáy ấy còn mạnh tới mức hút cả nhà khí tượng học đang thực hiện đo đạc ở gần đó.
Không chỉ dừng tại đó, xa xa còn có cả những tia sét đầy nguy hiểm đang chực chờ đánh xuống mặt đất. Qua đây, người đọc có thể cảm nhận phần nào được sự dữ dội, thất thường của thiên nhiên để cùng hào hứng lật giở các trang sách tiếp theo và tìm hiểu, khám phá.
Đầu tiên là mối quan tâm: Từ đâu xuất hiện những hiện tượng thời tiết như nắng, mưa, lốc, bão…? “Thời tiết mạnh như bão tố” tiết lộ về nền trời trong xanh kia được tạo bởi bầu khí quyển – “một lớp áo bành tô khổng lồ làm bằng không khí bao quanh toàn Trái đất. Nó dày đến đáng sợ, nói cụ thể ra là dày khoảng 900km”. Và trong bầu khí quyển ấy, tầng đối lưu (Troposphere) chính là nơi tạo nên các hiện tượng thời tiết trên toàn thế giới.
Và, cũng từ đây, mọi người chiêm nghiệm thêm về việc thời tiết không phải lúc nào cũng hiền hòa, thuận lợi, mà đôi khi “nổi giận” và tạo nên sức tàn phá kinh hoàng. Đó có thể là những cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp, gây thiệt hại nặng nề về cả người và tài sản.
Chẳng hạn vào năm 1988, cơn bão Gilbert “chỉ cần có mười ngày” để đảo lộn hoàn toàn cuộc sống tại khu vực Trung Mỹ. Với tốc độ trung bình kỉ lục 275 km/h, cùng với đường kính mắt bão rất nhỏ - 13km, đã khiến Gilbert thực sự trở thành cơn bão “khùng điên” theo đúng nghĩa đen.
Minh chứng là tại Jamaica, cơn bão đã khiến nơi này bị mất điện hoàn toàn, đài phát thanh, tivi không thể hoạt động nên bị cô lập trong suốt bốn ngày. Đồng thời nó còn tàn phá hoàn toàn ngành chủ lực là buôn bán chuối và bán gà – khiến toàn bộ người dân Jamaica mất trắng thu nhập của một năm.
Hay đó là một hình thái thời tiết không thuận lợi khác – lốc xoáy. Tuy chỉ xảy ra trong khoảng thời gian rất ngắn – “Đa phần các vòi rồng chỉ kéo dài khoảng 5 phút”, nhưng sức tàn phá của nó rất đáng để lưu tâm.
Với những luồng gió xoáy cực nhanh của mình, lốc xoáy có thể làm gì: Giật tung mái nhà, bẻ gãy cành cây, cho tới tung hứng, cuốn lên và hất tung ô tô, nhà cửa ra xa… - tất cả những thứ ấy lốc xoáy đều có thể làm được!
Thậm chí, trong một cơn giông bình thường cũng ẩn chứa, tiềm tàng những hiện tượng thời tiết rất nguy hiểm. Chẳng hạn như những tia sét dù chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc: “Ngay sau khi giáng xuống, tia sét lại từ mặt đất trở lại đám mây, nhanh đến mức bạn chỉ nhìn thấy một lần lóe sáng duy nhất”, nhưng chừng ấy là đủ để chúng có thể “chẻ đôi những thân cây đồ sộ nhất”, “khiến tivi nổ tung bằng cách phóng sét vào ăng ten”, gây tử vong tại chỗ hoặc bị thương nặng nếu ai đó chẳng may bị sét đánh trúng, tạo nên những tiếng sấm ồn ào…
Không chỉ thế, một hiện tượng thời tiết khác, xuất hiện tương đối phổ biến trong các cơn giông, có “họ hàng” với mưa cũng gây thiệt hại lớn cả về tài sản và con người, đó chính là mưa đá. Dù mỗi hạt mưa đá đa phần “chỉ to bằng hạt đậu”, nhưng một trận mưa đá vẫn có thể “phá mái nhà và cửa sổ”, “đập nát cửa kính ô tô”, và “tàn phá sạch bách một vụ mùa”.
Vấn đề cấp bách
Không chỉ giới thiệu tới độc giả những thông tin thú vị liên quan tới thời tiết, tác giả còn muốn nhấn mạnh tới hiện tượng nóng lên toàn cầu đang ngày càng gây ra các hậu quả trầm trọng hơn trên toàn thế giới: “Loài người chúng ta đã ảnh hưởng đến bầu khí quyển và qua đó làm thời tiết bị đảo lộn lung tung. Ví dụ như qua hiệu ứng nhà kính…”.
Thủ phạm dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu này là ai? Chắc chắn rồi, câu trả lời chỉ có thể là con người mà thôi.
Con người vẫn hàng ngày vô tư “tiếp tay” một phần rất lớn cho hiện tượng bất lợi cho sự sống trên Trái đất bằng nhiều cách khác nhau: Từ khói thải của các phương tiện giao thông và nhà máy, đốt cháy các dải rừng nhiệt đới, các chất khí được sử dụng để sản xuất tủ lạnh, điều hòa, nước hoa.
Hay thậm chí cả việc hít thở bình thường của mỗi người cũng thải ra khí CO2 làm tăng hiệu ứng nhà kính…
Nhờ cơ chế hấp thụ và giữ nhiệt của bầu khí quyển, sự sống trên Trái đất mới có cơ hội hình thành và phát triển cho tới tận ngày nay. Tuy nhiên, chính cơ chế tưởng chừng có lợi ấy giờ đây lại đang gây hại ngược lại cho chính chúng ta: Trái đất giờ đây đã trở nên quá ấm áp, và dự tính tới năm 2050, Trái đất sẽ ấm hơn bây giờ 2 độ C.
Con số nghe tuy nhỏ, nhưng để lại hậu quả rất lớn: “Chỉ cần tăng lên vài độ là có thể gây ra các cơn bão dữ dội. Khi nhiệt độ tăng lên như thế sẽ có nhiều cơn giông hơn và nhiều mưa hơn”. Khi ấy, thiệt hại mà thời tiết gây ra cho con người sẽ ngày càng nặng nề, trở thành “gậy ông đập lưng ông”.
Hậu quả ngày càng trở nên trầm trọng, nặng nề, khiến chúng ta phải bỏ ra nhiều chi phí, công sức hơn để khắc phục. Không chỉ thế, hiện tượng nóng lên toàn cầu còn gây ảnh hưởng tới các loài sinh vật khác: Chúng dần mất đi khu vực và điều kiện sống tự nhiên, bị đẩy vào nguy cơ tuyệt chủng. Con người chỉ biết tự trách bản thân mình vì đã hủy hoại tài nguyên môi trường xung quanh quá mức, dẫn đến hậu quả trầm trọng như ngày nay mà thôi.
Để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, cần lắm sự chung sức, đồng lòng của mọi người trên Trái đất này. Bởi lẽ, thời gian không còn nhiều, và một khi đã quá muộn thì ta không thể ngưng sự nóng lên toàn cầu được nữa.
Giờ đây, các nước trên thế giới đang cố gắng hạn chế sử dụng các nguồn năng lượng chứa nhiều carbon như than, dầu khí, gỗ…, hay các hợp chất chứa nhiều chất khí độc hại, mà thay vào đó sử dụng những chất liệu thân thiện với môi trường hơn.
Hay nếu như khi tham gia giao thông, mỗi người cố gắng cắt giảm sử dụng phương tiện cá nhân và sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn, hay tiết kiệm điện tại nhà, công sở… thì sẽ góp một phần không nhỏ giúp kìm hãm sự nóng lên toàn cầu.
Tác phẩm “Thời tiết mạnh như bão tố” mang tới độc giả những thông tin đầy bổ ích, thú vị liên quan tới thời tiết. Không chỉ thế, tác giả còn muốn gửi gắm tới mỗi người thông điệp đầy ý nghĩa và đanh thép về hành động ngay lập tức để ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu đang đe dọa tới toàn Trái đất.