Dạy trò qua từng trang sách về Bác Hồ

GD&TĐ - Việc triển khai công tác giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các trường học trên địa bàn TPHCM đẩy mạnh. Những câu chuyện hết sức dung dị, đầy xúc động về tấm gương đạo đức, thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác luôn là những bài học vô cùng quý giá, để học sinh noi theo.

Trường Tiểu học Phú Thọ khánh thành "Không gian văn hoá Hồ Chí Minh" tại khuôn viên trường.
Trường Tiểu học Phú Thọ khánh thành "Không gian văn hoá Hồ Chí Minh" tại khuôn viên trường.

Trải nghiệm “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh”

Tại Trường Tiểu học Phú Thọ (quận 11) công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được thực hiện và duy trì thường xuyên, hiệu quả. Không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, nhà trường còn tổ chức lồng ghép trong các hoạt động ngoại khóa như: Chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, hoạt động đoàn, đội tổ chức các cuộc thi viết, thi kể chuyện về Bác Hồ,...

Học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ hào hứng tham quan "Không gian văn hoá Hồ Chí Minh".

Học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ hào hứng tham quan "Không gian văn hoá Hồ Chí Minh".

Ngày 22/6/2022, Trường Tiểu học Phú Thọ đã tổ chức khai mạc “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” tại khuôn viên trường với nhiều hình ảnh, cuốn sách hay về Bác. Đồng thời tái hiện lại một số địa danh lịch sử gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời như hang Pác Bó, nhà sàn. Đặc biệt, bên cạnh sách giấy, nhà trường còn xây dựng tủ sách Bác Hồ trực tuyến với nhiều đầu sách được lựa chọn phù hợp với độ tuổi và đối tượng học sinh và thầy cô giáo.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đi vào hoạt động sẽ giúp học sinh hiểu hơn về thành phố mà các em đang sống, hiểu hơn những câu chuyện về Bác gắn với lịch sử đất nước, TPHCM. Trong quá trình tìm hiểu học sinh tiếp cận những đức tính tốt đẹp, tư tưởng nhân văn từ những câu chuyện về Bác. Việc “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhờ vậy cũng trở nên gần gũi, dễ thẩm thấu hơn đối với các em học sinh.

Những đầu sách về Bác được lựa chọn phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Những đầu sách về Bác được lựa chọn phù hợp với lứa tuổi học sinh.

“Hoạt động cũng nhằm xây dựng văn hóa đọc trong học sinh từ lứa tuổi tiểu học. Những câu chuyện về Bác Hồ là bài học đạo đức bổ ích, dễ học, dễ làm theo, là những bài học đầy giá trị, góp phần định hình những chuẩn mực, hành vi đạo đức đúng đắn cho học sinh”, cô Hương chia sẻ.

Được biết, tại TPHCM, “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” đã được triển khai xây dựng ở một số trường như: Trường THCS Minh Đức (quận 1), Trường Tiểu học Phù Đổng (quận 6),... Những tài liệu về Bác Hồ có giá trị giáo dục đạo đức, lối sống thiết thực, ý nghĩa đối với cả học sinh và cả giáo viên. Vì vậy Không gian luôn được đông đảo học sinh, giáo viên và phụ huynh đón nhận, đánh giá cao.

Học sinh Trường THCS Gò Xoài đọc sách tại thư viện của trường.
Học sinh Trường THCS Gò Xoài đọc sách tại thư viện của trường.

Học Bác qua từng trang sách

Nhằm tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, từ nhiều năm nay, các trường học trên địa bàn TPHCM đã phát động xây dựng “Tủ sách Bác Hồ” với nhiều đầu sách đa dạng, phong phú. Tủ sách hoạt động hiệu quả không chỉ góp phần phát triển văn hóa đọc, mà còn là giải pháp thiết thực về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tại thành phố mang tên Bác.

Tại Trường THCS Gò Xoài (huyện Bình Chánh), hơn 2 năm nay “Tủ sách Bác Hồ” đã đi vào hoạt động tại thư viện của trường với hơn 100 cuốn sách về Bác đã thực sự phát huy hiệu quả trong việc giáo đạo đức, lối sống, lý tưởng cách mạng cho học sinh. Theo chia sẻ của thầy Phan Minh Trung, Hiệu trưởng nhà trường, việc xây dựng “tủ sách Bác Hồ” đã khuyến khích học sinh đến với tri thức, truyền lửa ý chí cách mạng, nhân cách sống cao đẹp. Từ đó soi rọi để tự rèn luyện bản thân, trau dồi đạo đức, học tập tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường.

Những cuốn sách về Bác Hồ luôn cuốn hút các em học sinh Trường THCS Gò Xoài.
Những cuốn sách về Bác Hồ luôn cuốn hút các em học sinh Trường THCS Gò Xoài.

Cũng theo thầy Trung, cùng với xây dựng tủ sách, nhà trường còn tích cực khuyến khích học sinh tham gia kể chuyện về Bác Hồ trong các buổi sinh hoạt dưới cờ hoặc đọc sách 15 phút đầu giờ,…Ngoài ra, các thầy cô giáo luôn chủ động tích hợp nội dụng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh ở những bài, những nội dung thích hợp. Trong đó, chú trọng khơi gợi những giá trị tốt đẹp vốn có của con người như: Lòng nhân ái, yêu thương, tôn trọng, bao dung, trung thực, trách nhiệm.

Em Nguyễn Bảo Hân Lớp 6A3 học sinh Trường THCS Gò Xoài chia sẻ: “Thư viện của trường có rất nhiều cuốn sách hay về Bác. Học sinh chúng em mỗi tuần ít nhất 1 lần sẽ lên thư viện của trường để mượn và đọc sách về Bác. Bên cạnh đó, em và các bạn còn sưu tầm nhiều câu chuyện về tấm gương, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ để đọc, sau đó tự rút ra bài học cho bản thân. Thông qua mỗi câu chuyện về Bác, chúng em rút ra những bài học quý, từ đó không ngừng nỗ lực học tập thật tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...