Ngày... tháng... năm...

Tự tin vươn tới

GD&TĐ - Thật tuyệt vời khi chú cùng tác giả Trang sử dụng những giá trị giải thưởng ấy để mở rộng các thư viện lân cận Vườn quốc gia Cúc Phương.

Tác phẩm “Saving Sorya: Chang and the Sun Bear” (phiên bản tiếng Anh của “Chang hoang dã - Gấu” do NXB Pan Macmillan phát hành). Ảnh minh họa: ITN.
Tác phẩm “Saving Sorya: Chang and the Sun Bear” (phiên bản tiếng Anh của “Chang hoang dã - Gấu” do NXB Pan Macmillan phát hành). Ảnh minh họa: ITN.

Thân gửi chú Jeet Zdung!

Năm 2023, chú giành được giải Yoto Carnegie danh giá hạng mục Huân chương Yoto Carnegie dành cho tác phẩm minh họa “Saving Sorya: Chang and the Sun Bear” (phiên bản tiếng Anh của “Chang hoang dã – Gấu” do NXB Pan Macmillan phát hành) đã làm nức lòng người hâm mộ hội họa nói riêng và người đam mê nghệ thuật nói chung. Cũng vì, trước chú chưa có họa sĩ nào của Việt Nam có thể đạt được đến giải thưởng này.

Thành tựu này sẽ thắp lửa cho nhiều bạn trẻ đam mê hội họa tiếp tục tự tin vươn ra đấu trường quốc tế và khẳng định tài năng của mình.

Chú ạ, ngay từ bé cháu đã có một tình cảm nồng nhiệt với thế giới thiên nhiên, nhất là những con vật hoang dã trong rừng sâu. Thật bất ngờ và thú vị, vào sinh nhật năm 12 tuổi, cháu đã nhận được từ mẹ cuốn sách “Chang hoang dã - Gấu” (lời: Trang, minh họa: Jeet Zdung), như là một món quà độc đáo.

Mở cuốn sách ra cháu đã ngay lập tức bị cuốn vào khu rừng nhiệt đới ngập tràn cây cối và hoạt động của những người làm công tác bảo tồn thiên nhiên. Những bức tranh được chú minh họa một cách sinh động, gần gũi đã đem đến cho độc giả, nhất là người trẻ như cháu sự thích thú để từ đó muốn được tiếp cận và đến gần hơn với câu chuyện của tác giả Trang Nguyễn, một nhà bảo tồn động vật tại Việt Nam.

Chú ơi, có phải khi thực hiện tác phẩm “Chang hoang dã - Gấu” chú đã phải vào rừng suốt 2 tháng và thực hiện hàng trăm bức vẽ phác họa? Nếu thực như thế, cháu tin chắc rằng, chú phải là một người thực sự yêu nghề và có trách nhiệm cao với công việc mình đảm nhận thì mới có thể dấn thân vào khu vực rừng sâu để vẽ như vậy. Cách làm việc của chú thật chuyên nghiệp và tận tâm, cũng là một tấm gương lớn để cháu có thể học tập theo.

Cuốn sách “Chang hoang dã - Gấu” đã có được một phiên bản tiếng Anh là “Saving Sorya: Chang and the Sun Bear” qua ấn bản của Nhà xuất bản Kim Đồng để có thể giúp câu chuyện của cô Trang tiếp cận dễ dàng hơn với độc giả trên toàn thế giới. Thật tuyệt vời khi chính tác phẩm ý nghĩa này đã vượt qua 17 ứng cử viên khác đến từ nhiều nước trên thế giới tại vòng sơ khảo để có thể đặt chân vào vòng chung khảo và chung cuộc giành giải thưởng ở hạng mục tác phẩm minh họa.

Có lẽ, nhiều người giống như cháu đều cảm thấy tự hào khi chú trở thành người Việt Nam đầu tiên có thể chạm được đến giải thưởng danh giá này, qua đó chứng minh cho cả thế giới thấy rằng nền nghệ thuật hội họa của mảnh đất hình chữ S đang phát triển không ngừng. Các họa sĩ Việt đã có cơ hội tham gia vào nhiều dự án quốc tế hơn, thu hái được nhiều kinh nghiệm cũng như các bài học quý từ bạn bè bốn phương.

Họa sĩ Jeet Zdung. Ảnh minh họa: ITN.

Họa sĩ Jeet Zdung. Ảnh minh họa: ITN.

Cháu thấy, nhiều bạn trẻ tài năng vẫn đang ngày đêm theo đuổi đam mê của mình, tuy vậy cũng không ít người kém may mắn, phải bỏ dở đam mê vì nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Sau thành tựu lớn của chú, cháu mong rằng, ngành hội họa hay nghệ thuật sẽ được cộng đồng, các cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện để nghệ sĩ chuyên tâm với cây cọ và tiếp tục vươn mình, tiến lên. Những nghệ sĩ như chú cũng sẽ là câu chuyện truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ luôn nghiêm túc với công việc đã lựa chọn để tận tâm cống hiến.

Hồi lớp 4, lớp 5, cháu cũng thích vẽ lắm chú ạ. Chỉ đơn giản là chép lại những hình vẽ đẹp trong truyện tranh thôi nhưng mỗi lần phóng bút trên mặt giấy cháu cảm thấy thật vui vẻ, thoải mái, thư giãn. Thế giới này thật đẹp khi có những sự phối hợp hài hòa giữa màu sắc và nét cọ để từ đó tái hiện biết bao hình ảnh thông qua những sắc màu của riêng mình, thật tuyệt vời chú nhỉ?

Thế nhưng, thật đáng tiếc khi cháu đã không thể giữ được niềm yêu thích với môn Mỹ thuật, trong đó có lý do chính là đôi khi cháu phải vẽ theo yêu cầu của cô giáo mà không được vẽ theo trí tưởng tượng của bản thân. Cháu đã buông cọ vì cảm thấy thật gò bó, khó chịu.

Thế nhưng, sau khi biết được chú và nhất là về giải thưởng mà chú đã có được, cháu nhận ra rằng, đôi khi chính khuôn khổ, nguyên tắc từ những bước đi cơ bản lại thúc đẩy mình tiếp tục sáng tạo và nếu đủ đam mê vượt qua thì sẽ có ngày đạt được thành công.

Chú ơi, cùng với 5 nghìn bảng Anh tiền thưởng, chú còn được nhận số sách thưởng trị giá 500 bảng Anh từ giải Yoto Carnegie kia mà! Thật tuyệt vời khi chú cùng tác giả Trang sử dụng những giá trị giải thưởng ấy để mở rộng các thư viện lân cận Vườn quốc gia Cúc Phương. Cháu mong những thư viện ý nghĩa như này sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp dải đất hình chữ S để lan tỏa được tình yêu với việc đọc sách cũng như nâng cao ý thức của mọi người về tầm quan trọng của rừng. Khi ấy, hai anh em cháu nhất định sẽ tìm đến để đọc vì chúng cháu vừa yêu thích sách vừa cảm phục tài năng, tấm lòng của chú Jeet Zdung rất nhiều!

Thôi thư cũng dài rồi, cháu dừng bút đây. Cháu chúc chú sẽ tiếp tục cháy với hội họa và sẽ đạt thêm nhiều giải thưởng nữa trong tương lai!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.